Từ sông Seine nhìn về sông Sài Gòn

02/08/2023 | 192 |

Sáng 25-6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã cùng đoàn công tác của TP.HCM khảo sát sông Seine (Pháp).

Chuyến khảo sát sông Seine là gạch nối từ chuyến khảo sát sông Sài Gòn cũng do Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi dẫn đầu cùng báo Tuổi Trẻ thực hiện vào tháng 5-2022, trước đó nữa là cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn", hội thảo "Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn" do báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Cầu Mống bắc qua con kênh Bến Nghé được kỹ sư Gustave Eiffel thiết kế và hoàn thành vào năm 1882. Đến năm 1889 ông hoàn tất bản vẽ công trình tháp mang chính tên ông cho nước Pháp.

Và giờ đây, khi có mặt trong đoàn công tác khảo sát sông Seine, đang ngắm tháp Eiffel từ sông Seine, tôi chợt ngẫm nếu Gustave Eiffel ngày ấy quay lại Sài Gòn một lần nữa thì TP.HCM hôm nay hẳn sẽ còn lưu giữ một di sản văn hóa mang tên ông.

Từ sông Seine nhìn về sông Sài Gòn thấy có rất nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ. Nhịp sống đô thị cảng sông đã hình thành ở mảnh đất này trước cả khi người Pháp đặt chân đến.

Sông Sài Gòn là quà tặng của tự nhiên để từ đó lưu dân mọi miền quần cư, cộng cảm tạo nên một dòng chảy văn hóa hội tụ cao.

Quy hoạch, bảo vệ, khai thác sông Sài Gòn với tư cách vừa là chủ thể của di sản tự nhiên vừa là khách thể của di sản văn hóa - nơi thế hệ hôm nay trao truyền cho thế hệ mai sau những công trình gì "soi mình" xuống dòng sông. Do đó nó còn hơn cả trách nhiệm, như thể là "sứ mệnh" của người - hôm - nay.

Một thực tế là hai bên bờ sông Sài Gòn chưa có nhiều các công trình quan trọng cho người dân.

Trong khi việc khai thác hệ bờ sông phải đảm bảo có công viên, không gian công cộng, các bến thủy, các khu thương mại, dịch vụ...

Và nếu là dự án đất ở thì mặt tiền sông phải là khu công cộng hoặc thiết kế để người dân có thể qua lại, tận hưởng. Đây cũng chính là bốn mục tiêu quan trọng nhất của quy hoạch và thực hiện quy hoạch hai bờ sông Sài Gòn trong hai năm tới.

Một điểm nhấn quan trọng là mở rộng giao thông đường thủy nội đô. Trước mắt là rà soát, cập nhật các quy hoạch bến thủy, ưu tiên những bến thủy khả thi để khai thác cho giai đoạn 2023 - 2025.

Kế đến sắp xếp nguồn vốn, thúc đẩy các cơ chế hợp tác công tư cũng như áp dụng những quy định theo nghị quyết về cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua.

Phép tính kinh tế đêm, kinh tế du lịch gắn với hoạt động thương mại, dịch vụ, mua sắm, ẩm thực trên sông, hai bên bờ sông rất cần bắt tay ngay để giải.

Chỉ riêng hoạt động thuyền du lịch trên sông đã là một điểm nhấn vốn được nhiều thành phố - quốc gia sở hữu những con sông khai thác.

Ở TP.HCM, hoạt động này chủ yếu tập trung tại khu quận 1, TP Thủ Đức nhưng còn đơn điệu, chưa kết nối với các dịch vụ trên bờ, nhất là về đêm.

Vấn đề còn lại là tất cả những tính toán sẽ phá sản nếu môi trường nước bị ô nhiễm, cảnh quan dọc bờ sông bị khai thác tràn lan, không quy hoạch, không quản lý... Do đó, cùng với việc xóa bỏ nạn xâm hại dòng sông, cần phải quyết liệt áp dụng những quy chuẩn của chuyển đổi xanh, kinh tế xanh.

Phải "trả sông về lại cho sông", tôn trọng, giữ gìn hệ bờ sông, hành lang sông, phát triển các dòng sông xanh tại TP, hay chuyển đổi xanh các dòng sông mà sông Sài Gòn là tâm điểm, để "chảy" cùng với các dòng sông, dòng kênh đang hiện hữu, đang được cải tạo để tạo nên những đô thị ven sông.

Tất cả sẽ hội tụ thành không gian sống cho người dân TP, cho du khách đến với Sài Gòn - TP.HCM.

Hẳn khi đó ngồi trên con thuyền du lịch sông Sài Gòn, ngang qua cầu Mống, du khách lại nhắc về Gustave Eiffel và họ nghĩ đến sông Seine như tôi đang nghĩ hôm nay.


Tin tức liên quan

Bình luận