Vấn nạn của ý thức
Có người cho rằng tiểu bậy là hậu quả tất yếu của một nền văn minh lúa nước khi ngồi bất cứ chỗ nào từ bụi chuối, gốc cây… đều có thể thực hiện được vì nghĩ là góp phần “tưới cây”. Một thói quen hình thành từ văn hóa thổ nhưỡng, nếu có, đã không còn phù hợp trong thời đại nhà cao cửa rộng, đô thị văn minh.
Thói quen xấu đó khó bỏ liệu có phải vì cơ sở hạ tầng đô thị chưa đủ tốt? Còn thiếu nhiều nhà vệ sinh công cộng, nhất là ở những nơi đông đúc? Khi người dân tìm mỏi mắt không thấy nhà vệ sinh thì họ sẽ… tiện đâu “giải tỏa” bừa luôn ở đó? Bạn tôi cười bảo đúng là có chỗ thiếu thật, nhưng cũng đầy nơi thấy nhà vệ sinh đấy mà chẳng dám bước chân vào. Bạn kể lần nào đưa con đi công viên gần nhà cũng phải nhịn uống nước. Vì những nhà vệ sinh công cộng ở đấy đều rất bẩn. Giấy vứt lung tung, đi vệ sinh xong không xả nước. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, lỡ bước vào là ám ảnh cả tuần dài. Dọc trên những con đường quanh công viên cũng rất nhiều thùng rác, nhưng người ta cứ ăn uống xong là vứt đại dưới chân. Kể cả khi thùng rác chỉ cách đó vài mét và tấm biển “cấm xả rác, đái bậy” được in màu đỏ choét.
Nói về “biển cấm” khiến ta nghĩ tới thứ tư duy “không quản được thì cấm” đã tồn tại nhiều năm ở xứ ta. Bi hài thay dân ta “càng cấm sẽ càng làm”. Kiểu như cứ chỗ nào ghi biển “cấm đái bậy” thì y rằng nơi đó khai khú nhất; dưới biển cấm đổ rác là bãi rác; cạnh biển cấm họp chợ thì người ta xúm đông xúm đỏ mua bán ồn ào; chỗ nào ghi cấm vẽ bậy thì nhằng nhịt đủ thứ ngôn ngữ tục tĩu trên đời; chỗ để biển “cấm lấn chiếm vỉa hè bán hàng rong” thì y rằng không còn có vỉa hè; chỗ nào cắm biển “khu vực nguy hiểm cấm tắm, bơi, câu cá” thì y rằng đông đúc vẫy vùng…
Càng cấm càng làm đã trở thành một lối tư duy “phản kháng” của rất nhiều người. Khi con người bị áp lực phải thực hiện một hành động nào đó, họ có xu hướng làm ngược lại nhằm khẳng định sự tự do và quyền tự chủ của mình mà không thèm suy xét đúng, sai.
Chung quy lại thay vì cấm đoán vẫn cứ nên đi tìm căn nguyên của vấn đề để có những giải pháp cho phù hợp. Nguyên nhân của những vấn nạn ý thức chủ yếu vẫn là giáo dục. Mẹ tôi là một người phụ nữ ưa gọn gàng, sạch sẽ. Lúc chúng tôi còn nhỏ bà hay dạy “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Ngôi nhà nhỏ chật chội là thế nhưng luôn ngăn nắp. Cây cối mọc xung quanh, lá khô rụng xuống nhiều nhất là vào những ngày có gió. Ấy thế mà sân cổng luôn sạch sẽ vì đi làm vắng thì chớ về đến nhà là bố mẹ lại cầm đến chổi. Cái nếp sạch sẽ đó ăn sâu vào ý thức của anh em tôi. Chẳng cần phải nhắc nhở, cứ nhìn nhau mà giữ gìn nhà cửa và bản thân sạch sẽ. Khi một thói quen đã được hình thành từ tấm bé thì tôi tin nó sẽ được duy trì như một phản xạ không điều kiện. Dù là bạn ở bất cứ đâu, sống trong môi trường như thế nào đi chăng nữa.
Hoàn toàn không có lối suy nghĩ “cha chung không ai khóc” khi ở nơi công cộng.
Con gái tôi chưa biết đọc biển “cấm vứt rác” trên đường nhưng bóc một cái kẹo, uống một hộp sữa ngoài đường cũng vẫn cầm khư khư vỏ trên tay cho đến khi tìm đúng nơi để vứt. Nếu không gặp chiếc thùng rác nào con vẫn vui vẻ cầm rác về nhà. Bởi vì ngay ở trường mầm non con đã được cô giáo dạy không được vứt rác bừa bãi. Về nhà con nhìn vào ông bà, bố mẹ để làm theo. Bố mẹ không thể dạy được con bỏ rác đúng chỗ khi thản nhiên ném vỏ chai, giấy ăn… xuống bất cứ nơi đâu.
Vậy mới nói giáo dục chính là yếu tố gốc rễ tạo lập nên ý thức để hình thành thói quen của con người. Hãy tích cực đưa câu chuyện rác thải vào giáo dục ngay trong mỗi gia đình, trường học và cả những buổi ngoại khóa, picnic ngoài trời. Để trong tương lai chúng ta không còn thấy những chiếc biển “cấm vứt rác, đái bậy” ở nơi công cộng nữa.
Xem thêm