Việt Nam 2045 - khát vọng thịnh vượng
TTO - 206 trí thức trẻ Việt Nam từ 15 quốc gia đã cùng hội tụ tại Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần 3 khai mạc ngày 21-11 để cùng chia sẻ, đóng góp vào khát vọng 'Việt Nam 2045'.
Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với TS. Đoàn Quang Huy (Đại học Thái Nguyên) và các đại biểu tri thức trẻ tại diễn đàn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các trí thức trẻ đã hình dung Việt Nam như thế nào vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước và phải làm gì để đạt được khát vọng thịnh vượng?
Khát vọng mang tên Well-being
Chủ đề "Việt Nam 2045" lần này gắn với một cột mốc lớn lao của Việt Nam: kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng - người đã khởi xướng Mạng lưới sáng tạo đổi mới Việt Nam vào năm 2018 đã khơi gợi cho chủ đề này với chia sẻ về khát vọng "Việt Nam 2045" - khát vọng trở thành một nước phát triển, thu nhập cao.
"Dù có nhiều thách thức cho tất cả các nước, nhưng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng là cơ hội vàng để Việt Nam tận dụng và bứt phá để tăng trưởng nhanh, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển" - ông Dũng nhận định.
TS Đoàn Quang Huy đến từ ĐH Thái Nguyên đề cập đến khái niệm Well-being khi nói về Việt Nam 2045.
"Well-being dịch ra tiếng Việt là hạnh phúc nhưng không chỉ là hạnh phúc đơn thuần mà là tổng thể sức khỏe, sự hài lòng trong cuộc sống và sự thịnh vượng. Well-being phản ánh sự hạnh phúc cả về mặt chất và mặt lượng. Nó gồm hai thành tố hạnh phúc khách quan - phản ánh các điều kiện sống đều được đảm bảo và hạnh phúc chủ quan - sự hài lòng của người dân.
Để đạt được hạnh phúc chủ quan, trước hết phải đạt được hạnh phúc khách quan. Hay nói cách khác, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống nhân dân là nền tảng quan trọng để hướng tới Việt Nam 2045 phát triển thịnh vượng" - TS Huy dẫn giải.
Tuy nhiên, để phấn đấu một Việt Nam 2045 thịnh vượng vẫn còn rất gian nan. TS Huy thẳng thắn chỉ ra: trước hết tốc độ tăng trưởng kinh tế mới chỉ đạt trung bình 6,3%, trong khi muốn sớm bắt kịp các nước phát triển thì phải đạt tăng trưởng 2 con số.
Thu nhập bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động cũng thấp. Bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng còn nặng nề, khoảng cách thu nhập giữa nhóm nghèo nhất và giàu nhất ngày càng tăng...
Đặc biệt, khi nhắc đến chỉ số đổi mới sáng tạo - được xem là động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế thì Việt Nam lại đang luẩn quẩn phía sau ở rất nhiều tiêu chí cốt lõi...
Các đại biểu tại diễn đàn tri thức trẻ VN toàn cầu lần 3 khai mạc ngày 21-11 - Ảnh:DUYÊN PHAN
Công nghệ, văn hóa: giới trẻ làm nòng cốt
Với chủ đề Việt Nam 2020, năm nay sẽ có các nhóm chủ đề được đưa ra thảo luận: đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam; vai trò của khoa học - công nghệ trong phục vụ phát triển đất nước; vai trò của thanh niên và trí thức trẻ trong tham gia phát triển đất nước đến năm 2045.
Chị Nguyễn Thúy Anh - ĐH California Davis (Hoa Kỳ), người chủ trì thảo luận với chủ đề Vai trò của khoa học công nghệ trong phục vụ phát triển đất nước - cho rằng không phải ngẫu nhiên các cường quốc trên thế giới cũng đều là cường quốc về khoa học công nghệ.
Chị Thúy Anh nêu dẫn chứng nhiều nước và vùng lãnh thổ ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã có sự phát triển vượt bậc dựa vào công nghệ, Trung Quốc đang đầu tư các ngành mũi nhọn để trở thành cường quốc công nghệ năm 2050...
"Việt Nam vẫn chưa làm chủ công nghệ cốt lõi để phát triển công nghiệp mà vẫn phải "nhập khẩu". Giải pháp để phát triển khoa học công nghệ là nghiên cứu, lựa chọn các ngành thế mạnh để tập trung phát triển, thúc đẩy văn hóa sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ.
Quan trọng nhất là nâng cao đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ, tăng cường kết nối, thu hút nhân tài. Lực lượng trí thức trẻ là nhân tố cốt lõi trong phát triển, vận dụng khoa học công nghệ" - chị Thúy Anh nêu ý kiến.
Anh Hoàng Anh Đức, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục EdLab Asia, lại chia sẻ một góc nhìn khác về sự tham gia của trí thức trẻ vào hiện thực khát vọng "Việt Nam 2045": "Chúng ta là những người trẻ không chỉ quan tâm phát triển nhanh mà còn là phát triển bền vững, giữ được bản sắc".
Năm nay, anh Đức chủ trì thảo luận nhóm chủ đề Xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển.
"Yếu tố văn hóa, yếu tố con người rất quan trọng. Bên cạnh an ninh tài chính, an ninh tài nguyên thì an ninh văn hóa không chỉ định hướng quốc gia phát triển đúng mà còn phát triển có bản sắc riêng so với các nước khác, là sức mạnh nội sinh xây dựng sự đoàn kết để từ đó cùng nhau phát triển đất nước" - anh Đức nói.
Hoàng Anh Đức - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giáo dục EdLab Asia - chia sẻ đề dẫn về chủ đề xây dựng văn hóa, con người Việt Nam - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cần đầu tư nhiều hơn về khoa học, công nghệ
Diễn ra trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn đang tiếp diễn nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, lần đầu tiên nhiều trí thức trẻ đã thảo luận các chủ đề của diễn đàn qua nền tảng Zoom.
Đa số các tham luận đều được đánh giá cao về tính học thuật lẫn thực tế gắn với nội dung xuyên suốt "Việt Nam 2045".
Nghiên cứu sinh (NCS) Trần Ngô Đức Thọ (ĐH Texas A&M, Hoa Kỳ) cho rằng để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Việt Nam năm 2045, công tác quy hoạch cần được ưu tiên thực hiện một cách bài bản, khoa học và theo hướng tích hợp, nhất là khi gần đây Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật quy hoạch vào năm 2017.
Phần trình bày của anh Thọ giải thích các yếu tố quan trọng khi làm quy hoạch, các đặc điểm của một quy hoạch tốt, và những kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam có thể học tập để xây dựng cách tiếp cận phù hợp nhất cho con đường phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Còn với NCS Hồ Minh Nhật (Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM) thì câu chuyện huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ là điều anh tâm tư thời gian dài.
Anh Nhật nhận định hiện nay các doanh nghiệp Việt đang có xu hướng đầu tư mạnh về công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các ứng dụng công nghệ cao, kết nối chuỗi giá trị sản xuất.
Tuy nhiên, việc chi đầu tư cho khoa học và công nghệ trong nước vẫn chưa như kỳ vọng và rất cần sự phối hợp hiệu quả giữa các trường, viện với doanh nghiệp, cơ chế cho doanh nghiệp vay đầu tư khoa học và công nghệ, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, kích thích thị trường khoa học và công nghệ thông qua sàn giao dịch khoa học và công nghệ, chợ công nghệ thiết bị trực tuyến... để tối ưu hóa giải pháp.
* Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên:
Bàn việc làm được trong thời hạn nhất định
Một thời gian dài nói về trung tâm tài chính, thành phố thông minh hay về ngập nước, ùn tắc giao thông nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa giải được. TP.HCM đang chờ mong sự đóng góp của các bạn. Những gì chúng ta bàn, chúng ta nói phải thực hiện được trong một thời hạn nhất định.
Mỗi trí thức trẻ Việt Nam ở bất kỳ nơi nào cũng sẽ là đại diện hình ảnh Việt Nam, đại diện cho thương hiệu trí thức trẻ Việt Nam năng động, sáng tạo, hòa nhập. Ở bất cứ nơi nào các bạn cũng có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước, là cầu nối Việt Nam với sự đổi mới, sáng tạo toàn cầu.
* Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng:
Phải tận dụng thời cơ 10 năm
Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, tiềm lực quý giá mà nhiều nước thèm muốn, kể cả Singapore. Tuy nhiên từ năm 2030, Việt Nam sẽ bắt đầu chuyển sang thời kỳ già hóa. Quỹ thời gian chúng ta còn 10 năm, là thời gian vàng mà chúng ta phải tận dụng.
Điều tra dân số năm 2019 chúng ta có gần 20 triệu thanh niên, chiếm gần 21% dân số, trong số đó nhiều người trẻ tài năng xuất sắc, có tri thức trình độ, có năng lực hội nhập, khả năng tiếp thu khoa học công nghệ.
Việt Nam 2045
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần 3, năm 2020 (ngày 21 và 22-11) do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức với chủ đề "Việt Nam 2045", nhằm tiếp tục củng cố mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, tạo môi trường để các trí thức trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu.
Đồng thời, đây cũng là nơi các trí thức trẻ cùng đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm góp phần cùng Đảng, Nhà nước đưa Việt Nam đạt những mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vào năm 2045 - cột mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
------------------------
Một Việt Nam 2045 ít tổn thương hơn
Chủ đề môi trường và nông nghiệp cũng được nhiều đại biểu nêu ra để năm 2045 có một Việt Nam ít tổn thương nhờ chủ động thích ứng được với thiên tai và tạo ra giá trị hơn cho nông nghiệp.
Nghiên cứu sinh Lê Thu Trang thuyết trình tại diễn đàn - Ảnh: NHẬT THỊNH
Cảnh báo sớm để giảm tổn thất từ thiên tai
Đang làm việc tại Mỹ nhưng 2 tháng vừa qua, TS Trịnh Quang Toàn - Trường đại học UC Davis (Hoa Kỳ) - đã có mặt ở Việt Nam. Đây cũng là 2 tháng Việt Nam trải qua vô số trận bão lũ chồng chất.
"Chúng ta đang sống trong thời điểm thiên tai xảy ra liên tiếp, làm thế nào chúng ta có thể dự báo và chủ động sống cùng những bất ổn từ thiên tai trong tương lai?", anh Toàn chia sẻ khi trình bày về Hệ thống dự báo cảnh báo thiên tai dựa vào hệ kịch bản mô phỏng trước.
Hiện nay anh và đồng nghiệp đang thực hiện nghiên cứu để có thể đưa ra hệ thống cảnh báo thiên tai thực tế nhất cho Việt Nam.
"Chúng ta nói vui là trên thế giới có loại thiên tai gì thì Việt Nam có cái đó. Mong muốn của tôi là đưa ra cảnh báo sớm để giảm tổn thất. Tôi mong muốn chúng ta có thể tạo ra một mạng lưới để cùng nhau đóng góp vào một Việt Nam 2045 rất ít tổn thương" - anh Toàn chia sẻ.
Tại diễn đàn, các chủ đề về môi trường và nông nghiệp cũng được nhiều đại biểu chọn để trình bày. Nghiên cứu sinh (NCS) Lê Thu Trang, ĐH Texas A&M (Hoa Kỳ), trong bài phát biểu "Ứng dụng hệ thống hạ tầng xanh trong phát triển đô thị bền vững:
Bài học kinh nghiệm từ Hoa Kỳ" đã chỉ ra trong những năm vừa qua, các thảm họa tự nhiên tiếp tục tàn phá và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và đời sống của người dân khắp nơi, đặc biệt tại các đô thị ven biển, nơi tốc độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển đô thị ngày một nhanh.
"Các giải pháp giảm thiểu tác động truyền thống như xây dựng đê, đập hay hồ chứa thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn, tuy nhiên lại dẫn đến các hậu quả không mong muốn như làm gián đoạn các quá trình tự nhiên, ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà vẫn không đảm bảo khả năng bảo vệ khỏi thiên tai.
Một giải pháp tiềm năng đang được các quốc gia trên thế giới ứng dụng và phát triển đó là "hạ tầng xanh" như ở Hoa Kỳ" - NCS Thu Trang chia sẻ về lý do quyết định chọn chủ đề trên để trình bày tại diễn đàn.
Nâng cao chất lượng nông nghiệp
Cũng với mong muốn tổng hợp, chia sẻ lại những kinh nghiệm bổ ích từ các quốc gia đi trước để nông nghiệp Việt phát triển bền vững hơn, NCS Dương Mạnh Cường (ĐH Missouri, Hoa Kỳ) đã đem đến diễn đàn phần trình bày về "Quản lý trang trại nông nghiệp 4.0 - kinh nghiệm và bài học thực tiễn từ Hoa Kỳ".
NCS Mạnh Cường cho biết mô hình trang trại tại tiểu bang Missouri hầu hết đều áp dụng các hệ thống kỹ thuật nông nghiệp chính xác (với kỹ thuật được chuyển giao bởi ĐH Missouri) đã đem lại hiệu quả trong việc nâng cao năng suất lao động, giảm ô nhiễm môi trường và giảm thiểu công lao động.
Những ví dụ tiêu biểu của áp dụng nông nghiệp chính xác và Internet vạn vật gồm sử dụng các cảm biến trong việc đo đạc và quản lý các chỉ tiêu vật nuôi, cây trồng và môi trường; ứng dụng cơ khí chính xác trong việc đảm bảo hiệu quả sử dụng nông cụ trồng trọt, chăn nuôi; sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa và các thiết bị bay không người lái nhằm tăng cường quản lý thông tin trong khu vực nông trại.
Việc áp dụng các kỹ thuật trên với những cải tiến phù hợp dựa trên điều kiện trong nước sẽ giúp đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp thông minh trong quản lý đồng ruộng, hệ thống tưới tiêu và phòng trừ dịch bệnh tổng hợp, tăng cường hiệu quả quản lý chuồng trại chăn nuôi và xử lý chất thải" - Mạnh Cường chia sẻ.
TS Đinh Hồng Cường từ Nhật Bản đã giới thiệu sản phẩm nông nghiệp mang tên CORE, tổng hợp từ nước biển để thay thế phân hóa học trong canh tác nông nghiệp. Theo TS Cường, đây có thể là công nghệ mang lại chuyển đổi lớn cho nền nông nghiệp.
"Lấy ví dụ đơn giản là quả nho của Ninh Thuận và quả nho của Nhật Bản. Nho Ninh Thuận có giá vài chục đến vài trăm ngàn đồng một ký nhưng nhiều người Việt Nam lại mua nho Nhật Bản với giá hàng triệu đồng/ký.
CORE có ý nghĩa là cốt lõi với mong muốn giải quyết các vấn đề trong nông nghiệp, để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị cao, không tồn dư hóa chất" - anh chia sẻ.
-------------------------
Liên kết để 'vẽ' tương lai
Bên lề hội nghị, một số đại biểu đã chia sẻ những ý tưởng để kết nối, tận dụng trí tuệ, tâm huyết của trí thức trẻ.
* Ngô Hữu Thống (chánh văn phòng Trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ - Đại học Quốc gia TP.HCM):
Nói đến công nghệ thì phải nói đến sở hữu trí tuệ
Trong các nhóm vấn đề mà diễn đàn năm nay đưa ra, tôi đặc biệt quan tâm đến chủ đề "Vai trò của khoa học - công nghệ trong phục vụ phát triển đất nước".
Chúng ta đã xác định khoa học và công nghệ là động lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, thì cần phải có hành động cụ thể để khoa học và công nghệ phát huy đúng vai trò của nó.
Tôi kỳ vọng tại các phiên thảo luận, các đại biểu sẽ cùng phân tích và đề xuất các giải pháp cụ thể và có tính khả thi.
Chuyên môn của tôi hiện nay là quản trị sở hữu trí tuệ. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, sở hữu trí tuệ phải là công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào đời sống.
Đến với diễn đàn lần này, tôi hi vọng có thể đề xuất được một sáng kiến liên kết và chuyển giao khoa học và công nghệ với vai trò của sở hữu trí tuệ như là một công cụ quan trọng.
* Đinh Xuân Bằng (thạc sĩ cơ khí hàng không - Viện hàng không vũ trụ Viettel):
Hàng không vũ trụ sẽ có ứng dụng lớn trong tương lai
Lĩnh vực của tôi là hàng không vũ trụ - đây là lĩnh vực yêu cầu các giải pháp khoa học kỹ thuật đa ngành và sẽ có ứng dụng lớn trong tương lai.
Tôi mong muốn kết nối với các trí thức trẻ làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến hàng không vũ trụ như cơ khí, vật liệu, lập trình, điện - điện tử để có thể kết nối và giải quyết các vấn đề chung, chia sẻ nguồn lực nghiên cứu giữa lĩnh vực nghiên cứu tại các trường đại học và doanh nghiệp.
Tôi hi vọng lần này sẽ có nhiều kết nối sau diễn đàn sau khi thảo luận trực tiếp với các bạn để đưa ra giải pháp.
* Phạm Sỹ Hiếu (nghiên cứu sinh Đại học Mons, Vương quốc Bỉ, hiện đang ở Pháp):
Nghĩ đến cống hiến được gì cho Tổ quốc
Trước diễn đàn lần này đã có rất nhiều hội nghị nhỏ, chuyên sâu được tổ chức với sự tham gia của các trí thức trẻ Việt Nam trên toàn thế giới. Có những đêm chúng tôi thức đến trắng đêm (giờ Pháp) để trao đổi thảo luận.
Thanh niên Việt Nam giờ không còn nghĩ đến chuyện về hay ở lại nước ngoài để làm việc mà nghĩ đến chuyện cống hiến được gì cho Tổ quốc.
Tính đến thời điểm này, các kết nối với nhau về cơ bản là được duy trì tốt trong ngành hẹp. Tuy nhiên, để phát triển thành một sân chơi rộng hơn, hỗ trợ nhau tốt hơn thì cần những kết nối xuyên suốt hơn nữa mà điển hình là các tấm gương tiêu biểu, các đầu mối tại từng điểm cầu.
Vì vậy, tôi mong muốn diễn đàn có thể tập hợp được những người đủ tâm, đủ tầm, đủ tài đức và có nhiệt huyết để kết nối cùng anh em.
* Nguyễn Thị Hằng (thạc sĩ chính sách và luật thương mại quốc tế, thư ký diễn đàn):
Phải cùng nhau vẽ bức tranh tương lai của chính mình
Lần trước tôi tham dự Diễn đàn trí thức trẻ với một nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn vì tôi rất quan tâm đến phát triển bền vững. Đây cũng là một nội dung mới, là xu thế trên thế giới và đang được Nhà nước ta quan tâm.
Tại đó, tôi đã gặp rất nhiều đại biểu có cùng mối quan tâm, sau đó chúng tôi đã hình thành nhóm nghiên cứu chung.
Với chủ đề "Việt Nam 2045" của năm nay, tôi hiểu rất rõ bức tranh Việt Nam 2045 trông như thế nào là phụ thuộc vào những nét vẽ của những họa sĩ - chính những người trẻ hôm nay.
Việt Nam 2045 là tương lai mà chúng ta hôm nay sẽ sống và chúng ta là người tạo ra tương lai đó. Những ý tưởng, những nghiên cứu, những việc làm của người trẻ không chỉ là nỗ lực, tiếng nói cá nhân mà là nỗ lực, tiếng nói của một thế hệ.
Đã đưa ra 329 đề xuất, khuyến nghị
Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu được tổ chức lần đầu tiên tại TP Đà Nẵng vào năm 2018, năm 2019 được tổ chức tại thủ đô Hà Nội.
Sau hai lần tổ chức, diễn đàn đã tổng hợp được 329 đề xuất, khuyến nghị; hình thành Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu gồm hơn 1.000 thành viên và hình thành được một số nhóm nghiên cứu tiêu biểu như nghiên cứu về cơ khí; tự động hóa, nông nghiệp 4.0, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, công nghệ giáo dục, kiểm soát dịch bệnh, công nghệ y tế 4.0, nghiên cứu hành vi của thanh thiếu niên... và đã thu được một số kết quả nổi bật, nhận được đầu tư của các quỹ hỗ trợ nghiên cứu trong và ngoài nước.
Xem thêm