Việt Nam hỏi

27/03/2023 | 136 |

“Mẹ ơi con vẫn ổn”. Tôi thường nói với mẹ tôi như vậy khi bà ở Việt Nam gọi điện thoại hỏi thăm chuyện gia đình tôi chuẩn bị Tết Nguyên đán (Lunar New Year) ra sao. Bà luôn hỏi liệu tôi có thể mua nguyên liệu ở Úc để làm các món Việt Nam truyền thống không dù tôi ngàn lần nói rằng: “Mẹ ơi có đủ hết, rất dễ mua”.

Đúng vậy, tôi ở Úc và có thể mua bất cứ nguyên vật liệu để nấu các món Việt Nam, trừ những thứ không xuất khẩu tươi được thì phải làm khô hoặc đông lạnh, như măng, cá, chè tươi… Và đa số những đặc sản quê hương đều được bán ở các tiệm tạp hóa chuyên bán đồ Việt Nam hoặc đồ châu Á.

Một số loại thực phẩm mà tôi hay mua để dùng như sầu riêng 6Ri, gạo ông Cua ST25, thanh long, cá basa, tất cả các loại bột làm bánh Việt… nói chung là không thiếu loại hàng hóa nào.

Những mặt hàng “made in Vietnam” khác như đồ dùng làm bằng mây tre, áo quần, thậm chí một sản phẩm làm tôi khá bất ngờ là sữa chua dành cho em bé… được bán ở các siêu thị lớn của Úc như Target, Kmart, Burning hay Costco… Và như một thói quen, tôi vẫn luôn ưu ái chọn mua chúng bởi cảm giác hy vọng có thể góp phần giúp quê hương bán được nhiều hàng hơn nữa.

Những dịp muốn thưởng thức các món ăn chuẩn vị hơn, và không cần phải vào bếp, chúng tôi lại rủ nhau đến những nhà hàng mang đậm không chỉ hương vị mà còn cả tên thương hiệu như Phở Thìn, như Phở Lý Quốc Sư…

Tại sao chúng tôi lại nghĩ những nhà hàng này chuẩn vị? Bởi chẳng phải chính ông Thìn đã qua Úc giới thiệu về sự ra mắt chi nhánh này, hay chính chủ cửa hàng phở Lý Quốc Sư tại Việt Nam cũng lên thông báo với nhóm hội người Việt tại Úc. Cứ thế, chúng tôi lại càng tin tưởng và lựa chọn để thưởng thức những thương hiệu quê hương ngay tại Úc.

Description: https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2023/01/30.jpg Những tờ rơi chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2023 tại quận St Albans trực thuộc thành phố Brimbank (Melbourne, Úc), nơi Jasmaine Nguyen làm Thị trưởng.

Không những thế, vào những dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán các chính quyền địa phương của Úc, vốn là một đất nước đa chủng tộc, cũng tạo điều kiện rất nhiều cho các sắc tộc đến từ những nước khác nhau chọn Úc làm quê hương thứ hai được tận hưởng không khí quê hương thân thuộc, bằng việc tổ chức các buổi lễ, hội chợ đón xuân, múa lân, trưng bày những sản vật quê hương.

Không chỉ chăm lo đời sống tinh thần, hiểu được những khó khăn của người dân nhập cư, Chính quyền Úc cũng luôn có những chương trình hỗ trợ để giúp mọi người nhanh chóng hòa nhập cuộc sống nơi đây bằng những khóa học tiếng Anh miễn phí, những buổi chia sẻ chuyên đề chi tiết về những điều cần biết khi kinh danh tại Úc, thậm chí là cả những buổi hướng dẫn 1:1 nếu học viên có nhu cầu cũng được diễn ra.

Nhân viên của các phòng ban này thường là những người gốc Việt, do đó có thể nói tốt cả tiếng Anh và tiếng Việt, nên chúng tôi có thể tự tin trao đổi những khó khăn của mình bằng ngôn ngữ mẹ đẻ để có được những câu trả lời rõ ràng và chính xác nhất. Hồi tháng 8-2022, tôi cũng tham dự khóa chia sẻ nói trên – do bang Victoria tổ chức – và học được rất nhiều thông tin bổ ích từ khóa học này.

Và tất nhiên cũng không quên kể đến cả những nhóm người Việt cùng giúp nhau tại Úc như nhóm “Hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp Việt tại Úc” (VBSO), hay “Hội người Việt tại Úc”, nơi chúng tôi có thể hỏi han những người đi trước để chuẩn bị cho mình một cuộc sống mới tại nơi đây, dù đi học hay định cư.

Úc: điểm đến của các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu?

Úc có đáng là một điểm đến của hàng Việt Nam xuất khẩu hay không là câu mà nhiều bạn bè tôi ở Việt Nam hay hỏi. Sẽ thật là cảm tính nếu như tôi nói là “có” bằng trải nghiệm cuộc sống chỉ hơn năm năm tại đất nước này, bởi hàng tháng gia đình tôi và những người bạn lúc nào cũng dành một khoản tiền không hề nhỏ cố định mua thực phẩm nhập từ Việt Nam sang, điển hình như gạo, các loại bún, miến khô, hay các loại bột… Do đó, tôi hy vọng những con số sau đây sẽ trả lời giúp:

Theo số liệu của Tổng cục thống kê của Úc, đến tháng 6-2020 có 270.340 người sinh ra ở Việt Nam đang sống tại Úc. Điều này làm cho số lượng dân của Úc sinh ra ở Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6 trong danh sách các quốc gia nhập cư tại Úc, tương ứng với 3,5% người có quốc tịch Úc sinh ra ở Việt Nam và chiếm 1,1% dân số nước Úc(1). Từ tháng 1 đến tháng 7-2022, số sinh viên Việt Nam đến Úc du học là 19.932, xếp thứ tư chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal(2).

Úc có đáng là một điểm đến của hàng Việt Nam xuất khẩu hay không là câu mà nhiều bạn bè tôi ở Việt Nam hay hỏi.

Chỉ với khoảng tám giờ đồng hồ từ hai thành phố lớn của Úc là Sydney và Melbourne, bạn đã có thể có mặt tại Việt Nam bằng đường hàng không nếu bay thẳng.

Và đặc biệt khí hậu của Úc cũng khá tương đồng với Việt Nam, cụ thể bang Queenland mà tôi đã từng sống, cũng trồng được rất nhiều loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam như đu đủ, mít và thậm chí là thanh long…

Điều này càng làm cho Úc trở thành địa điểm được lựa chọn bởi những bạn trẻ muốn nâng cao trình độ kiến thức, trải nghiệm sống ở một đất nước nói tiếng Anh, hay đơn giản là muốn thử một môi trường sống mới.

Thêm nữa, cộng đồng người Việt ở Úc ngày càng đông bởi chính sách nhập cư được đẩy mạnh của nước này. Ngoài ra, một số người người Úc gốc Việt cũng dần đảm trách những vị trí quan trọng trong Chính phủ Úc.

Điển hình như bà Lê Thị Trang Đài (Dai Le), 54 tuổi, là dân biểu gốc Việt đầu tiên trong Quốc hội liên bang Úc trong đợt bầu cử vừa qua hay Jasmine Nguyen và Anthony Tran là những người gốc Việt được xem là trẻ tuổi nhất lần lượt làm thị trưởng của thành phố Brimbank và Maribyrnong tại Melbourne khi chỉ mới 25 tuổi và 22 tuổi(3).

Chuẩn bị gì cho “mùa xuân xuất khẩu”?

Tiềm năng xuất khẩu sang Úc có thể nhìn thấy rõ nhưng làm sao để kinh doanh thành công ở một đất nước khác là một bài toán cần có lời giải của các chủ doanh nghiệp. Để thành công với bài toán này, bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa, dịch vụ chất lượng tốt là chưa đủ. Thiết lập hàng rào bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình là điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn nữa khi tiến vào thị trường quốc tế nói chung và Úc nói riêng.

Để những vụ việc đáng tiếc không còn xảy ra, như thương hiệu Phở Lý Quốc Sư phải hơn một năm miệt mài theo đuổi ở Úc mới có thể đăng ký thành công nhãn hiệu vốn dĩ của mình tại Việt Nam.

Hay thương hiệu Phở Thìn giờ vẫn chưa biết kết quả ra sao do đang chờ đợi phán quyết từ cơ quan có chức năng của Úc về việc bên nhận quyền (chi nhánh mà ông Thìn đã mở tại Úc) lẳng lặng đăng ký các nhãn hiệu của ông Thìn? Tương tự như với thương hiệu Phúc Long, cũng đang thực hiện việc phản đối đơn nhãn hiệu, do một công ty của Úc đã nhanh tay đăng ký trước.

Khi doanh nghiệp đã, đang và dự định xuất khẩu nắm được một số gợi mở như sau(4):

Một là, việc bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ (SHTT) như nhãn hiệu, sáng chế, bí mật kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp… có thể gia tăng giá trị thương mại của hàng hóa, dịch vụ dự định xuất khẩu. Vì chúng là dấu hiệu chứng nhận khi giao tiếp với khách hàng không chỉ về giá trị lý tính (tính chất, đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ đạt được một chất lượng nhất định) mà còn chuyển tải được giá trị cảm tính (cảm nhận). Tôi mua hàng hóa A vì nó là sản phẩm của thương hiệu B đến từ Việt Nam chẳng hạn.

Hai, hãy chắc chắn rằng mình là chủ sở hữu các đối tượng SHTT đối với các hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp ở cả trong nước và tại nước đang hoặc dự định xuất khẩu. Điều này hạn chế rủi ro làm phát sinh thêm chi phí khi xảy ra tranh chấp giữa các bên.

Để làm được điều số hai, doanh nghiệp cần có đội ngũ có trình độ chuyên môn về SHTT để biết cách bảo hộ và khai thác một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định về SHTT của các nước và thông lệ quốc tế.

Các tác phẩm sách, ấn phẩm quảng cáo, bài hát, phim, trò chơi, hình ảnh và âm thanh… là các đối tượng được bảo hộ theo pháp luật Quyền tác giả (bản quyền). Công nghệ hoặc bí quyết, chẳng hạn như các sản phẩm do doanh nghiệp hoặc người khác phát triển, có thể được bảo hộ bằng sáng chế, nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp.

Việc bảo hộ các đối tượng SHTT kết hợp chiến dịch truyền thông hiệu quả có thể tạo được mức độ nhận biết và ấn tượng liên kết mạnh mẽ và nhất quán, từ đó xây dựng niềm tin cả người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nếu tính chất, đặc điểm, chất lượng của những sản phẩm nông nghiệp là kết quả nhờ vào vị trí địa lý, thời tiết, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt ở một địa phương; doanh nghiệp có thể cân nhắc sử dụng Chỉ dẫn địa lý như một công cụ để truyền thông đến khách hàng ở nước nhập khẩu về sản phẩm của mình, nhằm gia tăng danh tiếng và mức độ tiếp cận. Điều mà các sản phẩm như thanh long Ninh Thuận hay vải thiều Lục Ngạn đã làm được trên đất Úc.

Không nhất thiết phải đến trực tiếp nước sở tại mới có thể quảng bá về sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Cân nhắc sử dụng sự hiện diện của mình ở nước sở tại bằng các cuộc gặp mặt, trao đổi, quảng cáo, tiếp thị trên không gian mạng… với các đối tác.

Tuy nhiên cần nhớ rằng, sở hữu các đối tượng SHTT là công cụ quan trọng khi giao dịch và thương lượng với các công ty trên nền tảng trực tuyến, cũng như thiết lập mối quan hệ lâu dài với người tiêu dùng.

Trước khi thực hiện việc nhượng quyền thương mại hay cấp quyền sử dụng (li xăng) các đối tượng SHTT tại thị trường nước ngoài, cần đảm bảo mình là chủ sở hữu các đối tượng SHTT đó, đồng thời cần am hiểu các quy định pháp lý của nước sở tại về vấn đề này để tự tin thực hiện việc thâm nhập thị trường.

Ngoài ra, có thể cân nhắc phát triển các sản phẩm mang tính đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, cần kiểm tra các điều kiện cụ thể ở nước nhập khẩu để tự tin mở rộng thị trường.

Hy vọng rằng những chia sẻ của tôi không chỉ giúp độc giả hiểu hơn về cuộc sống của những người gốc Việt tại Úc mà còn là câu trả lời cho các bạn bè Việt Nam – những doanh nghiệp còn lưỡng lự đưa hàng hóa sang Úc biết mình cần chuẩn bị gì để có thể tận hưởng mùa xuân của cả đất trời và “xuất khẩu”.

Bởi chính doanh nghiệp cũng đang góp phần mang hương vị mùa xuân của quê hương giúp vơi bớt phần nào nỗi nhớ của những người xa xứ như tôi. Để tôi có thể tự tin nói rằng: “Mẹ ơi, xuân này dù con không về, nhưng hương vị “xuân quê nhà” vẫn được con gìn giữ”.


Tin tức liên quan

Bình luận