Xây dựng nước Việt hùng cường: Việt Nam trên đường thành cường quốc nông nghiệp

08/02/2021 | 333 |

TTO - Không chỉ là trụ đỡ nền kinh tế, ngành nông nghiệp còn đang từng bước vững chắc thực hiện ước mơ đưa Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp.

 

Xây dựng nước Việt hùng cường: Việt Nam trên đường thành cường quốc nông nghiệp - Ảnh 1.

Ngành chăn nuôi gà Việt Nam đã tăng trưởng nhanh trong 20 năm qua - Ảnh: TRẦN MẠNH

Khẳng định vị thế trụ đỡ của nền kinh tế

Xuất khẩu nông sản liên tiếp lập kỷ lục trong khó khăn, dịch bệnh. Nhiều ngành hàng đã đạt trình độ sản xuất và chế biến hàng đầu thế giới. Hàng loạt công ty trong nước cũng như nước ngoài đang đổ vốn vào lĩnh vực nông nghiệp để làm nông nghiệp lớn và chế biến hàng giá trị gia tăng.

Năm 2020, ngành nông nghiệp đối mặt nhiều khó khăn như đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. 

Dịch tả heo châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn nên gây không ít khó khăn cho tái đàn, tăng đàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát khi tổng đàn đang rất lớn. Lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở cả ba miền. 

Thị trường tiêu thụ một số nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật.

Dù vậy, năm 2020, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực như tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỉ USD, tăng 2,5% so với năm 2019.

Theo PGS.TS Đào Thế Anh - phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, ngành nông nghiệp luôn giữ vững vai trò đảm bảo lương thực, thực phẩm cho đất nước trong nhiều năm qua. Đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn duy trì sản xuất lúa gạo, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lượng lớn. Trụ đỡ nền kinh tế còn thể hiện lao động ở thành phố mất việc, trở về quê. Nhờ nông thôn nên đã giải quyết được một phần thu nhập.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế do tác động của dịch, ngành nông nghiệp đã thể hiện tốt vai trò trụ đỡ nền kinh tế.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong năm "sóng gió". Hiện VN đứng thứ 16 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, với một số mặt hàng chính có kim ngạch xuất khẩu hằng năm trên 1 tỉ USD là gạo, rau quả, cà phê, điều, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản (tôm và cá tra).

Xây dựng nước Việt hùng cường: Việt Nam trên đường thành cường quốc nông nghiệp - Ảnh 2.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn - Ảnh: HỒNG NHUNG

Vốn lớn đổ vào nông nghiệp

Hàng loạt dự án quy mô hàng ngàn tỉ đồng đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy sức hấp dẫn của ngành nông nghiệp Việt Nam đã tăng lên.

Tháng 12-2020, Tổ hợp nhà máy CPV Food Bình Phước với số vốn đầu tư ban đầu 250 triệu USD, công suất thiết kế lên đến 100 triệu con/năm là tổ hợp chăn nuôi, chế biến thịt gà xuất khẩu lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm này.

Dự án là tổ hợp khép kín gồm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, năm trại gà giống bố mẹ, một nhà máy ấp trứng, 24 trại gà thịt và một nhà máy giết mổ - chế biến thịt gà. Dự án CPV Food Bình Phước tầm quốc tế, tạo đột phá trong ngành chăn nuôi Việt Nam; cung cấp sản phẩm thịt gà chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Dự án kỳ vọng sẽ đem về nguồn ngoại tệ 100 triệu USD/năm trong giai đoạn 1 và 200 triệu USD/năm trong giai đoạn 2.

Trước đó, vào tháng 9-2020, Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) tổ chức lễ khởi công dự án "Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk" quy mô khoảng 200ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng.

Dự án có công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và ông bà được chọn lựa kỹ càng để bảo đảm nguồn gen tốt. Sau khi dự án hoàn thành và hoạt động, hằng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 25.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị.

Dự án chăn nuôi này được ứng dụng 100% công nghệ cao, hiện đại theo chuẩn quốc tế giúp kiểm soát tốt chất lượng, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trong định hướng 5-10 năm tới, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ tiếp tục hợp tác phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi giống heo cụ kỵ quy mô lớn và vùng an toàn dịch bệnh tại năm tỉnh khu vực Tây Nguyên. 

Sau khi hoàn thành dự án tại Gia Lai, tiếp đến sẽ triển khai tại Đăk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng, nâng tổng công suất lên mức 10.000 đến 15.000 con giống cụ kỵ, và từ 100.000 đến 120.000 con giống ông bà.

Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp heo giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam cũng chứng kiến sự "lấn sân" của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn chuyển qua làm nông nghiệp và đã đạt những thành tích ấn tượng.

Tháng 3-2015, Tập đoàn Hòa Phát công bố đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhắm đến sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chất đạm. Khi đó mục tiêu của "vua thép" là chiếm 10% thị phần ngành thức ăn chăn nuôi có quy mô ước tính khoảng 6 tỉ USD trong thời gian 10 năm, và cũng có kế hoạch tập trung chăn nuôi heo và bò thịt theo mô hình khép kín.

Đến năm 2019, mảng nông nghiệp của Hòa Phát đạt gần 8.000 tỉ đồng doanh thu và 558 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng hơn 20 lần sau bốn năm. Và mới đây, vào ngày 8-1-2021, Tập đoàn Thaco đã chính thức công bố tiếp quản Công ty HAGL Agrico sau khi giải cứu công ty này kể từ 8-8-2018.

Theo ông Trần Bá Dương, chủ tịch Thaco, có thể nói HAGL Agrico đã thoát khỏi bờ vực phá sản nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn đối với việc trả các khoản nợ. Đồng thời tiếp tục cần vốn để chăm sóc vườn cây và đầu tư hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông, tổng kho vật tư, kho lạnh, logistics nội bộ phục vụ nhu cầu cấp bách của sản xuất.

Do vậy, HAGL Agrico tiếp tục thực hiện tái cấu trúc chiến lược đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2023 cho diện tích đất còn lại của HAGL Agrico tại Lào (27.383ha) và phía bắc Campuchia (8.374ha). Tổng mức đầu tư dự kiến năm 2021 ước khoảng 1.900 tỉ đồng. Sản lượng trái cây năm 2021 dự kiến đạt 154.000 tấn và hơn 11.000 tấn mủ cao su. Doanh thu dự kiến năm 2021 là 2.109 tỉ đồng (trong đó doanh thu trái cây 1.766 tỉ đồng, mủ cao su 343 tỉ đồng).

"Chúng tôi sẽ ứng dụng cách quản trị công nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp tại HAGL Agrico. Nếu dự án thành công sẽ thay đổi bộ mặt nông nghiệp và kinh tế không chỉ của Tây Nguyên và còn đưa công ty phát triển tầm cỡ Đông Nam Á, châu Á và cả thế giới về nông nghiệp" - ông Trần Bá Dương cho biết.

Cường quốc nông nghiệp mới

GS Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT, Úc) cho rằng sau đại dịch chắc chắn thế giới sẽ thay đổi, phải sắp đặt lại để đi vào một trật tự mới. Không chỉ quan điểm về chất lượng thực phẩm, mà vị trí trung tâm của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm, dược phẩm cũng sẽ thay đổi. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy chuỗi cung ứng thực phẩm tươi chỉ đáp ứng yêu cầu địa phương. Do vậy, sau đại dịch, ngành thực phẩm chế biến sẽ có tăng trưởng lớn.

Và đây là cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam cất cánh. Để tận dụng cơ hội này, VN phải nghiêm chỉnh áp dụng không những quy trình sản xuất nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP mà còn phải tuân thủ quy trình sản xuất chế biến tốt và các quy định quốc tế khác như trách nhiệm xã hội CSR, FairTrade...

Để thực hiện giấc mơ cường quốc nông nghiệp, cuối năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn liên tiếp trình lên Chính phủ các đề án phát triển nông nghiệp nói chung và các ngành hàng nói riêng theo định hướng tái cơ cấu để đưa nông nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới trong 5 đến 10 năm tới. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 nước chế biến nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới.


Tin tức liên quan

Bình luận