Kỳ nghỉ của y bác sĩ 'tuyến đầu chống dịch COVID-19'
TTO - Cuối tuần qua, gần 70 y bác sỹ làm việc ở tuyến đầu chống dịch COVD 19, cùng gia đình đã tham gia kỳ nghỉ tri ân do Tập đoàn VinGroup cùng VietNamAirline tổ chức tại Vinpearl Phú Quốc.
Gia đình bác sĩ Đỗ Thiện Hải tham quan Vinpearl Safari Phú Quốc - Ảnh: HỮU HẠNH
Đây là kỳ nghỉ đầu tiên của những thành viên đầu tiên trong số 5.000 y bác sĩ được tặng kỳ nghỉ tri ân. Đây cũng là thời điểm Việt Nam đã qua 80 ngày không ghi nhận ca bệnh COVID-19 mới trong cộng đồng và không ghi nhận ca tử vong nào trong suốt vụ dịch.
'Gia đình đặc biệt' trong mùa 'đặc biệt'
Làm vợ một bác sĩ và bản thân cũng là bác sĩ nên chị Hà Thị Lan Hương - vợ bác sĩ Phạm Thế Thạch, phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai - rất quen với những chuyến đi công tác có thể nói là 'bất kể' của chồng.
Chị Hương kể, Tết 2019 gia đình về quê nội ở Nghệ An, khi tới Thanh Hóa thì có điện thoại từ Thái Bình báo một ca sản phụ bị chảy máu, nguy cơ tử vong. Bác sĩ Thạch hỗ trợ chuyên môn qua điện thoại, rồi khi đến Hà Nội đã 1h đêm, anh lại lên tiếp một chuyến xe để về Thái Bình.
'Rất may sản phụ ấy được cứu sống. Anh Thạch là thế, nhiệt tình và say mê với công việc' - bác sĩ Hương chia sẻ.
Nhưng có lẽ từ khi kết hôn đến nay, chị Hương chưa bao giờ nghĩ tới việc đã có tới 2 tháng cùng ở với chồng ngay tại Hà Nội mà không thể gặp được chồng ở nhà. Ấy là những ngày dịch COVID-19 vừa rồi, bác sĩ Thạch đi chi viện cho đồng nghiệp khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và cách ly, làm việc ở đó suốt 2 tháng liền.
'Những ngày anh Thạch đi chi viện chống dịch, tôi là bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai nên cũng phải cách ly. Lúc đó thực phẩm tôi nhờ người quen mang đến và đặt ở cửa nhà' - bác sĩ Hương chia sẻ.
Chị Hương học cùng bác sĩ Thạch ở ĐH Y, rồi cùng về làm việc ở Bệnh viện Bạch Mai và cưới nhau. Ở chuyến đi này, có một gia đình bác sĩ cũng giống vậy, đó là bác sĩ Đỗ Thiện Hải (Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương) và chị Đặng Ngọc Bích.
Anh Hải và chị Bích học cùng lớp, yêu nhau rồi 'cùng về một nhà'. Là người vợ kiêm đồng nghiệp, chị Bích đã quen với những chuyến đi chỉ báo trước có một tiếng đồng hồ của chồng.
Lần gần đây, giữa tháng 2-2020, anh Hải tham gia tổ công tác của Bộ Y tế chống dịch COVID-19 ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Đây là ổ dịch đầu tiên ở Việt Nam, khi anh được báo là gần 12h trưa. Anh rời nhà lúc 13h30 và đi đúng một tháng mới về, dù nhà và nơi anh đến cách nhau chưa đầy một giờ xe chạy.
Bác sĩ Hải cho biết được giao nhiệm vụ phụ trách trạm y tế xã Sơn Lôi. Khi đó Sơn Lôi bắt đầu bị phong tỏa, với hơn 10.000 người dân, có nhu cầu khám chữa bệnh hằng ngày và rất đặc biệt mới ra ngoài.
'Chúng tôi có nhiệm vụ là làm sao phải biến trạm y tế thành một bệnh viện thu nhỏ. Lúc đó nhân lực chưa đủ, thiết bị y tế cũng thiếu thốn, chúng tôi đã mượn thiết bị từ khắp nơi, chuyển thuốc từ bệnh viện khác đến.
Ngoài ra đơn vị cũng luôn sẵn sàng 2 xe cấp cứu, trong đó có 1 xe dành riêng người nghi nhiễm COVID-19. Rất nhanh chóng, mỗi ngày ở đó có 20 - 40 bệnh nhân đến khám và điều trị' - bác sĩ Hải chia sẻ.
Những ngày hạnh phúc
Thời điểm hiện tại, cả nước chỉ còn 15 bệnh nhân COVID-19 tiếp tục phải điều trị. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, nơi điều trị cho trên 170 bệnh nhân, chỉ còn 2 bệnh nhân dương tính. Thế nhưng mới chỉ có 30 y bác sĩ trong số 370 người tham gia chống dịch của bệnh viện tham gia kỳ nghỉ tri ân.
Nghề y là chưa thể nghỉ khi còn người ốm, người bệnh. Họ không nghỉ kể cả tết. Chị Doãn Thị Nguyệt - điều dưỡng trưởng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - kể đợt tập huấn đầu tiên cho điều dưỡng của bệnh viện là mồng 6 tháng giêng Canh Tý.
'Có thời điểm khắp nơi cạn kiệt thiết bị bảo hộ thì chúng tôi bảo nhau thật cần thiết mới dùng đến khẩu trang N95, làm sao phải an toàn nhưng... tiết kiệm' - chị Nguyệt kể lại.
Đáng nói hơn, mỗi ngày làm việc trong điều kiện nặng nhọc, khó khăn đến thế, nguy cơ lây nhiễm chờ chực, mặc trang phục bảo hộ nóng và bí, phải đeo 2 đôi găng tay... nhưng phụ cấp chống dịch cho mỗi điều dưỡng chỉ 300.000 đồng/ngày và mỗi tháng được trả phụ cấp trong 14 ngày trực, 14 ngày cách ly không có phụ cấp.
'Phải thật yêu nghề mới làm được công việc của chúng tôi' - chị Nguyệt nói.
Tính đến hôm qua (5-7) là 80 ngày Việt Nam không ghi nhận ca bệnh mới từ cộng đồng. Vì thế có mặt ở Phú Quốc cuối tuần qua, chúng tôi chứng kiến đông đảo khách du lịch xếp hàng dài vào các khu vui chơi giải trí như Vinpearl Safari, VinWonders...
Hình ảnh những người Việt được tự do đi lại, vui chơi vào thời điểm này có thể nói là hiếm hoi trong bối cảnh thế giới còn nhiều nơi bị phong tỏa, bị dừng mở cửa. Đó là nhờ công lớn của nhiều người, trong đó có đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
Trên chuyến xe dạo vòng quanh đảo Phú Quốc, chúng tôi được chứng kiến những nụ cười hạnh phúc trên gương mặt các y bác sĩ, con em họ tham gia kỳ nghỉ. Cũng đã lâu lắm rồi, gia đình họ mới có những ngày sum vầy bên nhau, hạnh phúc như vậy.
Gala tri ân y bác sĩ
Trao tặng bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động và Bộ Y tế cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong đêm gala tối 5-7 - Ảnh: HỮU HẠNH
Đêm gala tri ân các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế, Vinpearl và Vietnam Airlines tổ chức đã diễn ra tối 5-7 tại Phú Quốc, Kiên Giang.
Theo Bộ Y tế, đến nay toàn thế giới đã có trên 11 triệu ca bệnh COVID-19, hơn 500.000 ca tử vong. Việt Nam đã thực sự làm nên kỳ tích chống dịch khi kiểm soát tốt nguồn lây, điều trị tất cả các ca bệnh được ghi nhận với thành tích không có ca tử vong nào. Trong đó, vai trò của các y bác sĩ, những người ngày đêm túc trực chăm sóc bệnh nhân, khoanh vùng ngăn dịch là rất lớn.
Đêm tri ân với sự hiện diện của gần 70 y bác sĩ và gia đình một lần nữa thể hiện và ghi nhận sức chiến đấu bền bỉ của lực lượng y tế trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Việt Nam.
Nhân dịp này Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tặng bằng khen cho 63 tập thể và 149 cá nhân tiêu biểu của ngành y tế cả nước.
Xem thêm