Mặt trái của thành phố thông minh

17/10/2019 | 410 |

TTO - Trên khắp thế giới có vô số thành phố thông minh mới đang hình thành. Tuy nhiên chúng không thật sự được xây dựng để người dân tận hưởng công nghệ cao, thân thiện môi trường mà chủ yếu là công cụ để thu hút đầu tư quốc tế.

 

Mặt trái của thành phố thông minh - Ảnh 1.

Những khách hàng tiềm năng tham quan mô hình Forest City tại Johor Bahru, Malaysia - Ảnh: REUTERS

Các khu đô thị công nghệ cao này đang dàn trải khắp các quốc gia trên thế giới, từ châu Á sang châu Phi. Chúng hầu như trông giống nhau vì cùng được các chuyên gia tư vấn quốc tế thiết kế.

Không có chỗ cho người nghèo

Theo báo Guardian, Ấn Độ đã cam kết xây dựng 100 thành phố thông minh trong khi châu Phi chứng kiến đầu tư nước ngoài đang bơm 100 tỉ USD vào ít nhất 20 dự án trong khu vực. Saudi Arabia cũng đầu tư 500 tỉ USD vào siêu dự án Neom để sánh ngang với Thung lũng Silicon.

Trung Quốc đang khởi xướng riêng 500 dự án thành phố thông minh trong nước bên cạnh các dự án phục vụ cho chiến lược Vành đai - con đường, từ cảng cạn Khorgos giáp biên giới với Kazakhstan đến khu phức hợp thương mại rộng 14ha Royal Albert Dock ở London, Anh.

Mới đây nhất, theo Jakarta Post, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 3-9 khẳng định thủ đô mới của nước này sẽ xây dựng theo mô hình Thung lũng Silicon và sẽ là cứ địa cho các công ty công nghệ, đổi mới sáng tạo bên cạnh trụ sở chính phủ. Tuy nhiên, các quan chức Indonesia ước tính dời đô có thể kéo dài trong 10 năm và tiêu tốn từ 20-30 tỉ USD.

Tất cả những người dân thành thị mới sẽ cần nơi để sống và làm việc. Tuy nhiên, phần lớn các thành phố thông minh đang nằm trong các dự án đều không được thiết kế để trở thành nơi ở của làn sóng di cư từ nông thôn lên thành thị.

Đáp ứng trước sự gia tăng dân số toàn cầu cũng như ý thức về môi trường, các thành phố thông minh ngày nay tập trung vào các cộng đồng dân cư giàu có, các trung tâm thương mại miễn thuế và công nghệ tối tân nhưng thân thiện môi trường.

Chúng được thiết kế để thu hút đầu tư nước ngoài và khiến các thành phố giàu có trở nên lắm tiền của hơn tại thời điểm mà bất động sản trở thành loại tiền tệ toàn cầu cuối cùng.

Chưa có dấu hiệu dừng lại

Sáng kiến về thành phố thông minh đến từ nhiều nguồn khác nhau như dự án của chính phủ, hợp tác công - tư hoặc hoàn toàn là đầu tư tư nhân.

Thành phố thông minh được xem là liều thuốc cho các căn bệnh đô thị trên toàn thế giới: giải quyết sự quá tải, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm. Tuy nhiên, theo SCMP, dù không thường xuyên nhưng chúng cũng trở thành nguyên nhân của sự tranh chấp đất đai, suy thoái môi trường và bất bình đẳng xã hội.

Năm 2014, Malaysia ra mắt thành phố Rừng (Forest City) - một dự án liên doanh trị giá 100 tỉ USD giữa nhà đầu tư Country Garden của Trung Quốc và Sultan của bang Johor, Malaysia. Theo kế hoạch, Forest City sẽ là nơi ở của 700.000 người vào năm 2050.

Forest City được tiếp thị là một thành phố "mang tính biểu tượng" như Singapore, một "Thâm Quyến mới", nơi các khái niệm "an toàn, tiện lợi, xanh và thông minh được tích hợp vào mọi ngóc ngách của cuộc sống". Dù các căn hộ tại Forest City khá đắt đỏ với người dân Malaysia nhưng lại là một món hời đối với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Thành phố sinh thái này được xây dựng trên quần đảo nhân tạo. SCMP cho biết 162 triệu m3 cát đã được bồi đắp để hình thành quần đảo này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường biển xung quanh. Ngư dân địa phương là những người đã chịu ảnh hưởng từ những xáo trộn gây mất ổn định môi trường trên.

Theo Guardian, dù có những bằng chứng thuyết phục về những mặt trái của thành phố thông minh trên khắp thế giới, không có dấu hiệu nào cho thấy các nhà đầu tư sẽ dừng lại trong tương lai gần.

Cẩn trọng "ngoại giao bẫy nợ"

Các thành phố thông minh cũng là một hình thức "ngoại giao bẫy nợ". Việc Trung Quốc ngừng rót vốn 4,9 tỉ USD cho chương trình phát triển hạ tầng ở châu Phi, như Bloomberg ngày 19-7 đưa tin, khiến dự án đường sắt giữa Kenya và Uganda bị ngưng trệ và Kenya mắc kẹt trong bẫy nợ chính là lời cảnh báo.


Tin tức liên quan

Bình luận