Muốn 'nhanh và bền vững' phải 'đổi mới sáng tạo'

28/11/2020 | 351 |

TTO - Chiều 10-11, các đại biểu Quốc hội nhóm họp tại tổ để góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

 

Muốn nhanh và bền vững phải đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị cần tháo “nút thắt” thể chế để đất nước phát triển nhanh và bền vững - Ảnh: QUANG VINH

Nội dung cùng được khá nhiều đại biểu đề cập chính là việc khắc phục điểm yếu thể chế.

Phân bổ nguồn lực và "chìa khóa" sáng tạo

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho biết bà nhất trí cao với mục tiêu, tầm nhìn, định hướng và lộ trình phát triển qua các năm 2025, 2030, 2045 để "đến giữa thế kỷ 21 nước ta trở thành nước phát triển". 

Bà Hiền cho rằng cần phải coi đổi mới sáng tạo như là đặc trưng của giai đoạn tới, đòi hỏi sự đổi mới tư duy mạnh mẽ, chấp nhận những mô hình, cách làm đột phá, thậm chí dị biệt nhưng mang lại hiệu quả hơn. 

Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thực hiện các chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học công nghệ..." - bà Hiền phát biểu.

Từ lập luận nêu trên, đại biểu Hiền đề nghị bổ sung vào dự thảo báo cáo chính trị "vấn đề đổi mới sáng tạo thành một yêu cầu ngay trong đột phá thứ nhất về hoàn thiện thể chế, vì đổi mới sáng tạo là yêu cầu bao trùm lên mọi lĩnh vực, mà trước hết là đổi mới sáng tạo năng lực quản trị quốc gia bằng thể chế, bằng hệ thống pháp luật cởi mở, là "bà đỡ", là "bệ phóng" cho các ý tưởng sản xuất kinh doanh có tính vượt trước".

Cùng sự quan tâm, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) nêu ví dụ nhiệm kỳ vừa qua phát triển công nghiệp phụ trợ rất yếu mặc dù đã có nhiều nghị quyết, giải pháp. 

"Như vậy cần đặt ra vấn đề đầu tư cho khoa học công nghệ, đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao mới khắc phục được vấn đề. 

Có tình trạng lâu nay chúng ta có những nghị quyết, chính sách hay nhưng lại không bố trí đủ nguồn lực, thiếu nguồn lực để thực hiện" - đại biểu Lượng phân tích.

Làm luật phải "tách" được lợi ích nhóm

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) điểm lại kết quả sau 35 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế nước ta tăng lên gần 40 lần, từ mức 6,3 tỉ USD năm 1989 đã tăng lên hơn 262 tỉ USD năm 2019. Trong nhiệm kỳ qua tăng trưởng kinh tế khá, các cân đối vĩ mô được giữ vững. 

Theo ông Ngân, mục tiêu phát triển 5 năm tới cần xây dựng mô hình tăng trưởng rất quan trọng. Trong 3 đột phá chiến lược thì phải thay đổi tư duy cách làm thể chế. 

"Thời gian qua nếu giải được bài toán thể chế sẽ có nhiều hơn những đột phá về tăng trưởng. Nhiều dự án bị vướng, chậm do luật hoặc giữa các cơ quan không thống nhất quan điểm giải quyết.

Tới đây Quốc hội phải thay đổi theo hướng thành lập các ban soạn thảo luật, trong đó thu hút các chuyên gia là đại biểu chuyên trách. 

Chúng ta phải là đơn vị soạn luật để có thể tách biệt được các lợi ích nhóm nếu có và đảm bảo quyền lợi cho các thành phần, thể nhân, pháp nhân" - đại biểu Ngân bày tỏ.

Với mong muốn "nghị quyết của Đảng phải thực sự tạo ra bước tiến trong lãnh đạo, chỉ đạo, chuyển biến trong thực tế", đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng vừa qua chúng ta xây dựng, ban hành nhiều quy định pháp luật rất tốt, rất cụ thể nhưng các cơ quan chính quyền, đơn vị vẫn không tổ chức thực hiện tốt, không nghiêm minh. 

"Nếu chú trọng xây dựng pháp luật mà không tăng cường hơn nữa khâu áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật thì khó đạt mục tiêu xây dựng thể chế tốt" - ông Lượng nêu băn khoăn.

Thể chế phải "hút" được nhân tài

Đại biểu Dương Quốc Anh (Gia Lai) đề nghị cần phải có thay đổi chính sách trọng dụng cán bộ chất lượng cao, đặc biệt là với du học sinh ở nước ngoài. Theo đại biểu này, với quy định thi công chức hiện nay thì "trượt" hết.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng giai đoạn tới cần phải có chính sách thu hút lực lượng du học sinh ở nước ngoài về nước làm việc, vừa nhằm thu hút nhân tài vừa ít tốn tiền đầu tư.

Muốn như vậy phải tháo gỡ cơ chế, không để khi muốn bổ nhiệm số du học sinh này lại vướng vào quy định buộc phải quy hoạch.


Tin tức liên quan

Bình luận