Bão số 10: Tuyệt đối không chủ quan dẫn đến các sự cố đáng tiếc
Cần theo dõi sát và chủ động ứng phó kịp thời với bão số 10, không để xảy ra sự cố đáng tiếc như vừa qua.
Thông tin mới nhất dự báo về vị trí và hướng đi của bão số 10. Nguồn: NCHMF
Cần theo dõi sát và chủ động ứng phó kịp thời với bão số 10, không để xảy ra sự cố đáng tiếc như vừa qua.
Tối 2.11, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) – Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký công điện số 35/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKKCN) các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Khánh Hòa và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các bộ, ngành liên quan, đề nghị ứng phó với bão số 10.
Công điện nhấn mạnh:
Để chủ động ứng phó với bão số 10 và tình hình mưa lũ còn diễn biến hết sức phức tạp, BCĐ Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động ứng phó với bão số 10.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo thường xuyên cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không để chủ quan dẫn đến các sự cố đáng tiếc như trong một số cơn bão vừa qua.
Hướng dẫn việc gia cố, di chuyển lồng bè, sẵn sàng sơ tán dân và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển, lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ, nhất là tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa; các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập.
Tập trung sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ kết hợp với lực lượng chủ lực đóng quân trên địa bàn để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Tổ chức vận hành, chủ động xả lũ bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt đối với các hồ đập nhỏ, các hồ đập xung yếu; Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê sông, đê biển, các công trình phòng chống thiên tai, sạt lở, nhất là các trọng điểm xung yếu và các sự cố xảy ra trong bão số 9 và các đợt mưa lũ vừa qua.
Tăng cường dự báo, cảnh báo đảm bảo kịp thời, sát với diễn biến thực tế, đặc biệt tình hình mưa do hoàn lưu của bão; đẩy mạnh thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, thường xuyên liên tục cung cấp tình trạng diễn biến mưa lớn, ngập lụt, các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh...
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ ngày 4-7.11 các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên sẽ xảy ra một đợt mưa lớn, lượng mưa từ 100-200mm, riêng từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa từ 300-400mm. Lũ các sông trong khu vực lên trở lại ở mức báo động (BĐ) 2-BĐ3, có sông trên BĐ3.
Xem thêm