Hành trình của 'người gieo hạt'

08/09/2020 | 348 |

TTO - "Chúng ta không thể nào cứ giả vờ là một người nào đó ở đâu đó sẽ sớm tạo nên sự thay đổi. Chính chúng ta là người tạo nên một ngày mai tươi sáng hơn".

 

Hành trình của người gieo hạt - Ảnh 1.

Seed Planter của Linh đang bước những bước chân đầu tiên trong hành trình tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nhân khởi nghiệp xã hội tại Việt Nam - Ảnh: nhân vật cung cấp

Đó là một đoạn trong bài hát We are the world, cũng là điều đã thôi thúc Lê Thị Ngọc Linh (29 tuổi) bắt tay vào gầy dựng Seed Planter (tạm dịch: người gieo hạt) - tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội đầu tiên ở Việt Nam.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Tốt nghiệp Trường đại học Ngoại thương, Linh đầu quân cho quỹ đầu tư CyberAgent Capital Việt Nam và Thái Lan với vai trò giám đốc đầu tư và đã có cơ hội làm việc với rất nhiều doanh nghiệp xã hội ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong những cuộc trò chuyện, gặp gỡ với các doanh nhân vì xã hội, cô đã vô cùng xúc động trước những câu chuyện đổi đời mà doanh nghiệp họ tạo nên. Cô có một niềm tin mãnh liệt rằng doanh nghiệp tạo tác động xã hội sẽ là giải pháp bền vững cho những vấn đề xã hội còn đang nhức nhối, là con đường "để không ai bị bỏ lại phía sau". Trước đó cô cũng đã luôn cảm thấy con đường cô đi "có thể là công nghệ hoặc không, nhưng bắt buộc sẽ phải là một cái gì đó liên quan tới giáo dục và có thể tạo nên sự thay đổi lớn cho xã hội".

"Việt Nam là một đất nước đang phát triển với rất nhiều vấn đề xã hội, môi trường mà chúng ta có thể thấy hằng ngày: nghèo đói, chênh lệch thu nhập, chất lượng giáo dục thấp, biến đổi khí hậu... Nhưng hệ sinh thái doanh nghiệp tạo tác động xã hội và phát triển bền vững còn rất sơ khai. 

Tôi nghĩ tôi có thể tạo nên bệ phóng hỗ trợ những doanh nhân vì xã hội, đồng thời trở thành nơi đào tạo, kết nối những người trẻ cũng đang mang trong mình khao khát thay đổi cộng đồng để họ tự tin bắt tay vào hành động. Vậy là tôi chọn trở thành một người xây dựng cộng đồng - một người gieo hạt", Linh chia sẻ. 

Trong thời gian làm việc tại các quỹ đầu tư và dưới vai trò community builder (người xây dựng cộng đồng), Linh có cơ hội tiếp xúc và làm việc với rất nhiều doanh nghiệp. 

"Tôi làm việc hằng ngày với các startup mình đầu tư vào và với vai trò một nhà đầu tư, tôi gặp gỡ hàng trăm startup ở nhiều lĩnh vực ở nhiều quốc gia và có cơ hội học hỏi từ các founder - đó là một "đặc quyền" rất lớn của việc làm một nhà đầu tư. 

Từ trải nghiệm này, tôi có được một góc nhìn tổng quan hơn về thị trường, hiểu góc nhìn từ phía một nhà đầu tư và những yếu tố làm nên thành công của một startup để hỗ trợ các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực xã hội", Linh cho biết.

Năm 2020, Linh và các cộng sự đã quyết định chọn chủ đề "Kinh doanh bao trùm - Không ai bị bỏ lại phía sau" cho Diễn đàn doanh nghiệp tạo tác động xã hội - diễn đàn kết nối các doanh nghiệp xã hội đã sang mùa thứ ba của Seed Planter. Đây cũng là nơi để Seed Planter lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng của các doanh nghiệp xã hội, từ đó tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và những bạn trẻ có trái tim nhân văn.

Xây dựng hệ sinh thái cho các doanh nghiệp xã hội

Cùng với hai người đồng sáng lập là Amy và Tuấn Anh - đều là những người trẻ tài năng và có rất nhiều tâm huyết trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tạo tác động xã hội ở Việt Nam, Linh và Seed Planter đã xây dựng nhiều chương trình để hỗ trợ các doanh nhân xã hội.

"Điểm khác biệt của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội với các doanh nghiệp thuần túy là các doanh nghiệp này đặt sứ mệnh xã hội và môi trường lên hàng đầu, đồng thời có mô hình kinh doanh bền vững để có thể phát triển và nhân rộng quy mô, từ đó nhân rộng tác động mà họ muốn tạo ra cho cộng đồng thụ hưởng, chứ không chỉ phục vụ cho mục đích lợi nhuận thuần túy", Linh nhìn nhận. 

Theo quan sát của Linh, ba vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp tạo tác động ở Việt Nam đang gặp phải là thiếu kỹ năng xây dựng và phát triển một doanh nghiệp bền vững, khó khăn trong việc thu hút nhân tài và hạn chế về nguồn vốn. 

Cô nhận thấy ở Việt Nam hệ sinh thái khởi nghiệp chỉ tập trung cho các startup công nghệ, chưa có chương trình dành riêng cho khởi nghiệp tạo tác động. Các bạn trẻ khi bắt tay vào khởi nghiệp thường loay hoay và dễ làm theo cảm tính do không được đào tạo bài bản. 

"Với Seed Planter, các bạn trẻ sẽ được xây dựng các kỹ năng cần thiết để bắt tay vào xây dựng một impact startup thông qua khóa đào tạo Seeding Camp. Đối với các team đã có sản phẩm, Seed Planter cung cấp chương trình chuyên sâu hơn. 

Các startup sẽ trải qua 5 tháng được tham gia các workshop chuyên sâu, tiếp xúc với mạng lưới hơn 30 chuyên gia từ nhiều quốc gia và được dẫn dắt bởi một mentor - cố vấn nhiều kinh nghiệm, từ đó định hình rõ ràng về mô hình kinh doanh và phát triển hoàn thiện hơn sản phẩm để phù hợp hơn với khách hàng, cũng như định hình được rõ ràng về cách đo lường tác động mà mình tạo ra", Linh cho biết thêm.

Được thành lập vào năm 2018, Seed Planter chuyên cung cấp các chương trình tập huấn, sự kiện cộng đồng và mạng lưới cố vấn nhằm nâng cao kỹ năng và kết nối nguồn lực cho các doanh nhân xã hội.

Năm 2019, Seed Planter vinh dự nhận giải thưởng Én Xanh vì những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh bền vững tại Việt Nam.

Linh Lê - founder và giám đốc điều hành tại Seed Planter - đã từng giữ chức vụ quản lý đầu tư tại quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent Ventures Việt Nam và Thái Lan, từng làm việc tại quỹ đầu tư tác động Patamar, người hỗ trợ cộng đồng ở MassChallenge Accelerator Israel và Yunus Center at AIT, cố vấn tại TBK Greenfood.

Cô tốt nghiệp MBA chuyên ngành entrepreneurship (doanh nghiệp) tại Babson College - trường được xếp hạng số 1 về đào tạo khởi nghiệp và thành lập Seed Planter trong thời gian cô theo học ở đây.

Hiện tại ngoài Seed Planter Linh cũng làm vị trí chuyên viên tài chính cho một startup giáo dục tại Mỹ.


Tin tức liên quan

Bình luận