Đà Nẵng ơi, chúng tôi đã đến đây!

10/08/2020 | 393 |

TTO - Cuối giờ chiều 6-8, xe khách chở đoàn 25 y bác sĩ tỉnh Bình Định đổ xuống một khách sạn trên đường Lê Duẩn, TP Đà Nẵng. Từ đây, 33 đồng nghiệp từ TP Hải Phòng sẽ cùng họ chung sức chi viện cho phố biển trong cuộc chiến với COVID-19.

 

Đà Nẵng ơi, chúng tôi đã đến đây! - Ảnh 1.

Các y bác sĩ tỉnh Bình Định thể hiện quyết tâm hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch - Ảnh: TẤN LỰC

Chờ đợi họ trước mắt là các bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và bệnh viện dã chiến tại Trung tâm y tế huyện Hòa Vang.

Chỉ về khi hết bóng dịch

Bác sĩ Đặng Tuấn Hải từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định dẫn đầu đoàn y bác sĩ của tỉnh chi viện Đà Nẵng lần này. 

Vừa bước xuống xe, anh đã "chốt" ngay dù còn đang loay hoay lấy hành lý: "Trước khi ra đi chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý cả rồi, xác định là sống chung với dịch, chừng nào hết dịch thì đoàn mới về!". 

Bác sĩ Hải bảo lúc sáng khi lên xe người thân, đồng nghiệp dặn dò rất kỹ, mọi người rất quan tâm cho các thành viên của đoàn nhưng cũng có nhiều lo lắng. 

Dù vậy, anh bảo rằng các anh em đa số chưa có gia đình, chưa có vợ con nên không có gì bận tâm phía sau. Tinh thần của mọi người khi nhận nhiệm vụ rất phấn khởi và thoải mái.

Cũng trong ngày 6-8, những chuyến xe chở hàng hỗ trợ của TP Hải Phòng đã lăn bánh trên đường phố Đà Nẵng. 

Ngoài việc cử 33 y bác sĩ lên đường trợ giúp, TP Hải Phòng còn hỗ trợ Đà Nẵng lượng hàng hóa quan trọng kèm tiền mặt gồm 200.000 khẩu trang y tế và 5 tỉ đồng. Bác sĩ Trần Anh Cường - phó giám đốc Sở Y tế Hải Phòng - đã trao tặng những khoản hỗ trợ trên cho lãnh đạo TP Đà Nẵng. 

Bác sĩ Cường bảo rằng chỉ trong vòng 3 giờ từ lúc nhận được thư đề nghị hỗ trợ của Đà Nẵng, nhiều y bác sĩ các bệnh viện trên địa bàn đã tình nguyện xung phong đi vào tâm dịch với quyết tâm cao.

"Tôi về thành phố đã cưu mang tôi"

Được biết, đoàn 33 y bác sĩ Hải Phòng chi viện cho Đà Nẵng đều là các y bác sĩ đầu ngành các chuyên ngành về hồi sức, hô hấp, bệnh truyền nhiễm với tay nghề cao từ các bệnh viện lớn của Hải Phòng là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp, Bệnh viện Kiến An.

 "Chúng tôi xác định tập trung cao độ và lúc vào đến Đà Nẵng thì thấy tinh thần chống dịch ở đây rất cao. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên anh em xác định không chủ quan, quán triệt thực hiện chỉ đạo của ngành y tế là tập trung cao cho công tác phòng chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho các thành viên trong đoàn" - bác sĩ Cường nói.

Dù mỏi mệt sau chuyến xe dài nhưng Nguyễn Thị Thúy Ái - kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, tỉnh Bình Định - cảm thấy tươi tỉnh ngay khi xe lăn bánh tới Đà Nẵng.

"Mình từng học ngành y tại TP này và đã ra trường về quê công tác hơn 4 năm qua. Hôm nay mình trở về đây trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt vì TP năm xưa cưu mang mình đang cần giúp đỡ, lòng không khỏi nôn nao xúc động. Chúng mình sẽ cố gắng thật nhiều vì TP thân yêu" - Thúy Ái tâm sự.

Các trưởng đoàn cho biết khi Đà Nẵng có lời đề nghị giúp đỡ, có hàng trăm cánh tay tình nguyện đăng ký nhưng trong đợt đầu địa phương ưu tiên lựa chọn các bác sĩ có chuyên ngành phù hợp và sức khỏe tốt để gửi đến Đà Nẵng. 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Kiến An, trưởng đoàn y bác sĩ TP Hải Phòng - chia sẻ rằng mong muốn của anh và của tất cả mọi người là dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường, giảm tải công việc cho ngành y tế.

* Bà Ngô Thị Kim Yến (giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng):

Chúng tôi rất xúc động

Chúng tôi thực sự rất xúc động trước tình cảm các đoàn dành cho Đà Nẵng. Diễn biến dịch bệnh quá nhanh, giai đoạn đầu anh em ngành y tế TP bị sốc vì dịch tấn công vào các bệnh viện lớn, tập trung nguồn nhân lực y tế chất lượng nhất của Đà Nẵng khiến anh em bên ngoài phải gồng lên để chia sẻ và gánh vác.

Trong bối cảnh ấy, có sự hỗ trợ kịp thời của đội ngũ y bác sĩ tuyến trên như bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, các chuyên gia của Bộ Y tế và đến ngày hôm nay là đoàn y bác sĩ TP Hải Phòng và tỉnh Bình Định.

Trong tâm khảm và suy nghĩ của chúng tôi vô cùng xúc động và biết ơn. Trong muôn trùng khó khăn, chúng tôi đã thấy được sự đoàn kết của những con người mang áo blouse trắng.

Tinh thần xung phong nhiệt huyết đáng quý

7820binhdinh 1(read-only)

Các y bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên Bình Định tự tin trước khi lên đường ra Đà Nẵng - Ảnh: L.THIÊN

Trong lễ tiễn 25 nhân viên y tế tỉnh Bình Định ra Đà Nẵng nhận nhiệm vụ ngày 6-8, ông Lê Quang Hùng - giám đốc Sở Y tế Bình Định - cho biết đội ngũ 25 y bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên chi viện cho Đà Nẵng lần này là những người dày dạn kinh nghiệm.

"Tôi rất hi vọng các bạn sẽ kề vai sát cánh cùng với đồng nghiệp và người dân Đà Nẵng vượt qua khó khăn, thử thách" - ông Hùng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cũng chia sẻ 25 thành viên của đoàn công tác chi viện cho Đà Nẵng là niềm tự hào của gia đình và của tỉnh Bình Định. Trong lúc này, tinh thần xung phong nhiệt huyết là điều vô cùng đáng trân quý.

"Tôi xin cảm ơn các bạn và những bậc làm cha làm mẹ đã động viên và tạo điều kiện để con mình yên tâm lên đường" - ông Thanh bày tỏ.


Tin tức liên quan

Bình luận