Sinh viên lao vào xây 'thành lũy' chống dịch

10/08/2020 | 333 |

TTO - 340 sinh viên thuộc Trường ĐH Kỹ thuật y - dược Đà Nẵng đã chính thức được tăng cường về 7 trung tâm y tế các quận, huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng để hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.

 

Sinh viên lao vào xây thành lũy chống dịch - Ảnh 1.

Sinh viên Võ Thành Đông tại chốt chặn chống dịch trên đồi Bồ Bồ (giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam) trưa 2-8 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Chúng tôi rất bất ngờ khi hôm trước đăng thông tin thì hôm sau đã có hơn 400 em đăng ký tham gia tình nguyện chống dịch. Trước giờ xuất quân, nhìn các em hừng hực khí thế, chúng tôi như sống lại thời tuổi trẻ.

TS Lê Thị Thúy (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật y - dược Đà Nẵng)

Từ sáng 2-8, Võ Thành Đông và Nguyễn Thị Hiền, sinh viên năm 3 Trường ĐH Kỹ thuật y - dược Đà Nẵng, đã chính thức được phân về nhận nhiệm vụ chống dịch tại trạm y tế xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang).

"Đắp thêm" cho lực lượng bị kéo mỏng

Là cửa ngõ ra vào của huyện Hòa Vang với thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), nơi đây có lưu lượng xe cộ qua lại khá dày. Để kiểm soát và thực hiện nghiêm chỉ thị về giãn cách xã hội, một tổ y tế được phân về "đóng quân" tại đây cùng lực lượng chức năng. Mỗi khi có xe tới, lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe thì Đông và Hiền cùng bật dậy để đo thân nhiệt.

Thỉnh thoảng có trường hợp không có lý do chính đáng hoặc thân nhiệt cao, Đông và Hiền lại đặt vài câu hỏi về dịch tễ kiểu như: "Trong tháng 7 cô có vào Bệnh viện Đà Nẵng không?", "Chú có từng tiếp xúc hoặc đến địa điểm có ca nhiễm COVID không?" rồi ghi chép báo về trạm y tế địa phương...

Tại điểm y tế xã Hòa Nhơn, 4 sinh viên của Trường ĐH Kỹ thuật y - dược Đà Nẵng cũng vừa được tăng cường về. Đã ba ngày nay, 8 cán bộ y tế của xã này đi lại như con thoi khi trên địa bàn liên tiếp công bố những ca nhiễm mới. 

Tại Trường tiểu học số 1 xã Hòa Nhơn đã thiết lập một khu cách ly tập trung hơn 100 trường hợp người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 (F1). Nhân lực y tế tại xã phải "kéo mỏng" từ việc phân công người thường trực giám sát y tế, đo thân nhiệt hằng ngày với người F1 cho đến giám sát cách ly cộng đồng với đối tượng F2.

Từ điều tra truy vết F1, F2 những ca mới trên địa bàn cho đến tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp phòng dịch, khai báo y tế, sử dụng "khẩu trang điện tử" Bluezone... "Vào ngành y tế gần 30 năm tôi chưa thấy giai đoạn nào căng thẳng như mấy ngày qua. Nhờ có thêm các em về hỗ trợ mới thảnh thơi được chút ngồi nói chuyện đây" - bà Nguyễn Thị Điểm, trưởng trạm y tế xã Hòa Nhơn, cho biết.

Sinh viên lao vào xây thành lũy chống dịch - Ảnh 3.

Giờ ăn của sinh viên tăng cường cho các tuyến y tế cơ sở để chống dịch cùng lực lượng chức năng - Ảnh: TR.TRUNG

"Thử lửa" bản thân

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngay từ những ngày đầu đặt chân vào Đà Nẵng, các tổ công tác của Bộ Y tế đã dự phòng những trường hợp xấu nhất. Để có lực lượng tại chỗ và chi viện lâu dài chống dịch cho Đà Nẵng, thậm chí cho cả miền Trung, nhóm của

PGS.TS Trần Như Dương, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đã tổ chức lớp tập huấn chống dịch cho các giảng viên ở Đà Nẵng. Các nhân tố này sẽ là nòng cốt chịu trách nhiệm tập huấn cho các lực lượng chi viện trên toàn thành phố.

Lật giở những tài liệu chống dịch trong khi chờ phân công nhiệm vụ, sinh viên năm 3 Lê Thị Thảo kể trước khi đăng ký tham gia có điện về xin phép gia đình ở Gia Lai. Ban đầu ba mẹ ở quê nghe tin con đi chống dịch đã phản đối bởi "người ta đi trốn dịch chứ ai lại đi vào tâm dịch". Phần vì lo cho con gái một thân một mình ở thành phố trong những ngày cách ly. 

"Trước khi thành phố thực hiện giãn cách, tôi đã xác định phải làm việc gì đó ý nghĩa. Bản thân là sinh viên ngành y, có kiến thức thì đây là lúc xã hội cần mình hỗ trợ nhất" - cô gái nhỏ nhắn tươi cười.

Thời điểm cuối tháng 7, những sinh viên này đang giữa kỳ thi cuối kỳ vì lịch học bị ảnh hưởng bởi đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4. Thay vì đèn sách, sinh viên trường y lại lao vào những "thành lũy" chống dịch ở Đà Nẵng như bài học thực tế mà không phải ai cũng được trải nghiệm. 

Sinh viên năm 3 ngành dược Phạm Minh Tâm là một trong những người hăng hái đăng ký tham gia "xung quân" đầu tiên ở Đà Nẵng theo lời kêu gọi từ nhà trường. Từ kinh nghiệm tham gia hỗ trợ chống dịch ở đợt cách ly xã hội lần trước, ngay khi nghe tin cả ba bệnh viện lớn ở Đà Nẵng bị phong tỏa, Tâm đã xác định thay vì thụ động thì ra chung tay cùng mọi người vì "chống dịch như chống giặc". 

Sáng 2-8, Tâm được phân công về khối y tế dự phòng của Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Hành trang mang theo là 2 balô áo quần và một ít đồ phòng dịch do nhà trường trang bị. Vỏn vẹn chỉ vậy nhưng Tâm cho biết mình "lên dây cót tinh thần" là đi đến ngày thành phố hết dịch mới về. 

Tâm nói không lo nhiều vì tin tưởng vào các thiết bị bảo hộ được trang bị cũng như những kiến thức y khoa đã được học. "Tôi học ngành dược, nên phần lấy mẫu bệnh phẩm phải học thêm và đọc tài liệu khá kỹ. Tôi xác định đây là dịp để mình học hỏi, làm phong phú hơn kiến thức ngành y của mình vì không khí chống dịch như chống giặc không dễ gặp trong đời" - Tâm nói.

Có thể chi viện thêm

Theo TS Lê Thị Thúy - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật y - dược Đà Nẵng, hiện nay ngoài 350 sinh viên của trường được phân về các cơ sở y tế để tham gia phòng chống dịch, trong sáng 2-8, gần 10 cán bộ khoa xét nghiệm cũng đã tăng cường cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng. Ngoài ra, lực lượng giảng viên của nhà trường được Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đào tạo vừa qua còn có thể tham gia tập huấn lại cho các sinh viên ngành y trong thành phố khi có yêu cầu.

Thậm chí trong trường hợp Bộ Y tế yêu cầu, nhà trường vẫn còn lực lượng sinh viên tình nguyện tham gia chống dịch tăng cường đợt hai. Đại diện Sở Y tế Đà Nẵng cho biết những nhóm học việc, thực hành tay nghề sẽ được tăng cường để hỗ trợ y tế tại các khu cách ly tập trung. Riêng nhóm sinh viên y, dược sẽ được huy động đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và 7 trung tâm y tế các quận, huyện trên địa bàn để hỗ trợ công tác giám sát dịch tễ và cập nhật số liệu...


Tin tức liên quan

Bình luận