Thủ tướng: Chuyển trạng thái từ phòng ngự sang chủ động tấn công

06/05/2021 | 329 |

VTV.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định tinh thần kiên định mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

 

Description: https://vtv1.mediacdn.vn/thumb_w/650/2021/5/5/vnapotalthutuongphamminhchinhchutrihopkhanvephongchongcovid-195415233-16202224169081300193821.jpg

 

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hôm nay (5/5), Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 4. Đây là phiên họp đầu tiên sau khi Chính phủ kiện toàn nhân sự.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nội dung đầu tiên được Chính phủ ưu tiên thảo luận. Cơ bản đồng tình đối với Báo cáo của Bộ Y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với nhận định, Việt Nam cơ bản kiểm soát được tình hình, nhưng nguy cơ dịch bệnh là rất cao, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Description: Thủ tướng: Chuyển trạng thái từ phòng ngự sang chủ động tấn công - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5

Theo kinh nghiệm từ các đợt lây nhiễm trước, dịch bệnh lần sau thường khó khăn, phức tạp, diễn biến khó lường hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, cách xử lý khó khăn hơn.

Thủ tướng nêu rõ, hiện số ca nhiễm mới, ca tử vong trên bản đồ dịch bệnh thế giới tiếp tục tăng; việc nhập cảnh, cư trú trái phép cũng có xu hướng tăng và xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Công tác quản lý cách ly tập trung, sau cách ly còn bất cập.

Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Tất cả trên tinh thần: "Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công", mà vũ khí để tấn công dịch bệnh chính là đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, trong truy vết, rà soát, khoanh vùng dịch, nhập vaccine và tiêm vaccine trên diện rộng, trong đó, ưu tiên các đối tượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao.

Mục tiêu kép

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tuy dịch bệnh diễn biến phức tạp, tạo ra không ít khó khăn và thách thức, nhưng kinh tế - xã hội tháng 4 và bốn tháng đầu năm nay tiếp tục phục hồi và đạt nhiều kết quả tích cực, thu ngân sách đã đạt hơn 40% dự toán năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn này ước tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2020. Qua đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng tăng dưới 0,9% thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững, thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá ổn định.

Dù tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định kết quả này vẫn chưa tạo nên sự tin tưởng, yên tâm thực sự, mà phải tiếp tục kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng phải nghiên cứu để có chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt hơn, phù hợp với thực tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Không đưa ra các chương trình, kế hoạch thiếu tính khả thi

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu cần phải khẩn trương giải quyết các công việc còn tồn động, điển hình là 12 dự án thua lỗ.

Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý các Bộ ngành và địa phương tập trung rà soát các công trình dự án trọng điểm và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu xây dựng các dự án giao thông tại Đồng bằng Sông Cửu Long, nhất là các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng...

Các khu vực khác cần ưu tiên thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông là Tây Nguyên và các khu vực kinh tế trọng điểm để tháo gỡ nguồn lực cho các khu vực này.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội hóa, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư để có thể hoàn thành 2.000 km đường cao tốc trong vòng 5 năm tới.

Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để tháo gỡ các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển của đất nước, mà trước mắt các Bộ, ngành phải chú trọng hơn vào công tác quản lý Nhà nước.

Description: Thủ tướng: Chuyển trạng thái từ phòng ngự sang chủ động tấn công - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: VGP)

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới cũng như dự thảo chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải quán triệt tinh thần bám sát thực tiễn, không đưa ra các chương trình, kế hoạch thiếu tính khả thi, để không thực hiện được rồi bị mất uy tín. Nhiệm vụ nào có tính khả thi thì phải quyết tâm làm và làm bằng được. Việc càng khó, càng phức tạp nhạy cảm thì càng phải phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể. 

Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các cơ quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Trong tiếp xúc cử tri, Thủ tướng đề nghị căn cứ vào tình hình thực tế chống dịch COVID-19 làm sao cho phù hợp, đảm bảo yêu cầu chống dịch nhưng vẫn đúng luật. Cùng với đó là chuẩn bị thật tốt để tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia nghiêm túc, an toàn, nhưng không được chậm trễ.

Cuối cùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ phải tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, vì yếu tố quyết định sự thành công là phụ thuộc vào cán bộ. Ví như phòng chống COVID-19, nơi nào làm tốt là nhờ cán bộ. Nơi nào lơ là, chủ quan, để dịch xuất hiện và lây lan cũng phần nhiều là tại cán bộ.

Cũng tại phiên họp, liên quan đến định hướng kế hoạch tài chính giai đoạn 5 năm tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh lại theo hướng tăng đầu tư cho phát triển, giảm đầu tư thường xuyên và có giải pháp đồng bộ theo đúng tinh thần của Đại hội XIII đề ra, phấn đấu có thể tốt hơn, nêu ví dụ nợ công 60% phải phấn đấu giảm còn 55%. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu bám sát vào Nghị quyết của Đại hội và nhiệm vụ của Quốc hội giao, bám sát Nghị quyết của Bộ Chính trị để điều hành với tinh thần tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển, điều hành nợ công linh hoạt và điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, phù hợp với tình hình để phục vụ tăng trưởng.


Tin tức liên quan

Bình luận