VỊ GIÁO SƯ ĐÁNG KÍNH DÀNH TRỌN TÌNH YÊU CHO “MÀU XANH DI SẢN” NƯỚC NHÀ.

03/03/2020 | 453 |

GS.Đặng Huy Huỳnh còn vinh dự là người Việt Nam đầu tiên và là một trong 10 nhân vật điển hình của các nước trong khu vực được nhận danh hiệu cao quý “Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN”. Đây là danh hiệu tôn vinh những người có nhiều đóng góp cho đa dạng sinh học ASEAN thông qua các hoạt động, sáng kiến của mình, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khu vực.

VỊ GIÁO SƯ ĐÁNG KÍNH DÀNH TRỌN TÌNH YÊU CHO “MÀU XANH DI SẢN” NƯỚC NHÀ.

PV: Hoa Anh

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh sinh ngày 25 tháng 10 năm 1933, sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học ở một vùng quê nghèo tại thôn Trúc Hà, xã Đại Lãnh, nay là xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.Ông nguyên là Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái& Tài nguyên sinh vật – Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội Động Vật Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE); Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam (VACNE). Ông cũng là thành viên Nhóm Chuyên gia Giáo dục môi trường Quốc tế EEC/IUCN; thành viên trong Nhóm Chuyên gia Quốc tế Nghiên cứu bảo tồn thú linh trưởng quốc tế IPS; Ủy viên Hội đồng Quản trị Chương trình hợp tác nghiên cứu tài nguyên thực vật các nước Đông Nam Á (PROSEA)…

  GS.Đặng Huy Huỳnh còn vinh dự là người Việt Nam đầu tiên và là một trong 10 nhân vật điển hình của các nước trong khu vực được nhận danh hiệu cao quý “Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN”. Đây là danh hiệu tôn vinh những người có nhiều đóng góp cho đa dạng sinh học ASEAN thông qua các hoạt động, sáng kiến của mình, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khu vực.

 GSTSKH Đặng Huy Huỳnh được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Ông được phong hàm giáo sư (1991); được tặng Huân chương chống Mỹ hạng Hai (1983); Huân chương Lao động hạng Nhất (1997); Giải thưởng Hồ Chí Minh về tập Atlas Quốc Gia (2005); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Động vật chí, Thực vật chí, Sách đỏ Việt Nam (2010); Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (2010) cùng nhiều huân, huy chương và giải thưởng. Ông thông thạo 4 ngoại ngữ: Nga, Anh, Pháp, Lào.

  Ông bảo vệ Luận án Tiến sỹ tại Viện Tiến hóa Hình thái Sinh thái Động vật Ceversov Mockba, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ.  Ông có trên 165 công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước; Xuất bản 15 sách chuyên khảo về động vật học, tài nguyên động vật… Trong suốt quá trình hoạt động khoa học, GS Huỳnh phụ trách nhiều chương trình trọng điểm cấp quốc gia, nhiều đề tài cấp nhà nước và các chương trình hợp tác quốc tế.

  Năm 2010, cụm công trình “Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam”, “Sách Đỏ” và “Danh lục Đỏ Việt Nam” của ông và các cộng sự đã hoàn thành và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ hai năm sau đó. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh có nhiều đóng góp trong việc đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học của Việt Nam dưới tác động của biến đổi khí hậu; Xây dựng Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp…

Năm 2020 là năm kỷ niệm 10 năm Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam của VACNE. Đến nay Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam đã công nhận được gần 4000 cây di sản thuộc trên 120 loài thực vật, được vinh danh ở 54 / 63 tỉnh thành. Để có con số ý nghĩa này không thể không nhắc đến đóng góp rất lớn của GS.TSKH Đặng Duy Huỳnh – Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cùng các nhà khoa học khác đã nỗ lực đi vận động ở các địa phương trên khắp địa bàn cả nước để Bảo tồn Cây DI sản.Nhân dịp sự kiện này, phóng viên Tạp chí Môi trường & Sức khỏe có buổi trò chuyện cùng GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam.

  PV:Thưa Giáo  sư, trong 10 năm qua, sự kiện công nhận và vinh danh Cây Di sản Việt Nam đã ra đời và đạt được những thành quả và hiệu ứng như thế nào đối với toàn xã hội?

  GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh:Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản ( CDS ) không chỉ nhằm bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), bảo vệ môi trường mà còn là cơ hội để con người gần gũi với thiên nhiên hơn. Hưởng ứng Năm quốc tế về ĐDSH (năm 2010), hưởng ứng kế hoạch Quốc gia bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 45/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 đặc biệt là hưởng ứng tới Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội (2010), Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) đã có sáng kiến phát động Sự kiện Bảo tồn CDS Việt Nam. Đây là một trong chuỗi các hoạt động của VACNE trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI mang nội hàm về bảo tồn và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Liên hiệp quốc .

  Có thể khẳng định, sự kiện bảo tồn CDS do VACNE khởi xướng và tổ chức thực hiện trong 10 năm qua đã thu được kết quả rất tốt đẹp. VACNE đã công nhận được gần 4000 cây thuộc hơn 120 loài thực vật ở 54 tỉnh thành. Từ vùng địa đầu Tổ quốc (Hà Giang, Cao Bằng), vùng cao Phan-xi-păng đến vùng cực Nam Côn Đảo; từ Tây Nguyên tới đảo Lý Sơn và quần đảo Trường Sa; từ đất Tổ Hùng Vương đến Cố đô Hoa Lư và Cố đô Huế đều có CDS được công nhận. Đặc biệt, trong hai năm 2015-2016, rất nhiều quần thể, tập đoàn cây với số lượng lớn đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam như: Quần thể Pơmu huyện Tây GIang (Quảng Nam), chè Shan Tuyết, Suối Giàng (Yên Bái), cây Nghiến ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), cây Kơ-nia ở khu rừng B58 do Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước quản lý, cây Đa trên đảo Dấu (thành phố Hải Phòng); tập đoàn cây Xích Tùng, Yên Tử (Quảng Ninh), cây Lim ở Đền Và(Hà Nội)…

  Một số CDS Việt Nam có tuổi đời cao, dáng hung vĩ, kỳ thú, thuộc nguồn gen quý hiếm như 2 cây Táu ở Thiên Cổ Miếu (Việt Trì, Phú Thọ) trên 2.000 năm; cây Nghiến 1.000 năm tuổi ở Bắc Hà (Lào Cai); cây Thông (Bắc Giang); cây Tùng (Đắk Lak); cây Chò Chỉ ở Bắc Mê (Hà Giang) với đường kính thân hơn 3m; cây Sa-mu dầu ở khe Bu (Vườn Quốc gia Pù Mát, Nghệ An) cao tới 73 mét, đường kính thân hơn 4,5 mét; cây Đỗ Quyên cành thô Phan-xi-păng (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) là loài cây đặc hữu chỉ có ở Việt Nam; cây Sộp và cây Khế cảnh 350 năm tại Khu di tích Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Cao Lãnh, Đồng Tháp); cây nhiều thân có rễ phụ như cây Đa ở đền Thượng (Lào Cai) chu vi lớn nhất tới 45 m; cây vươncao tỏa bóng sát biên giới như: cây Sấu ở bản Nà Sác (Hà Quang, Cao Bằng) trùm lên cột mốc 651 biên giới Việt-Trung.

  Sự kiên vinh danh CDS Việt Nam không chỉ nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn khẳng định những dấu tích lịch sử vinh quang lâu đời của dân tộc Việt Nam. Một số dẫn chứng như cây me trong khuôn viên Chùa Tả Quan, xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng trên 200 tuổi gắn với câu chuyện tương truyền về nhà Tây Sơn khi thất bại có một danh tướng về chùa Tả Quan “xuống tóc đi tuai danh ẩn tích”. Nếu chứng minh được giả thiết cho rằng, có mối liên hệ giữa cây me khuôn viên Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) với cây me ở Chùa Tả Quan (Hải Phòng) quả là một khám phá bất ngờ và đóng góp lớn cho lịch sử. Hàng Duối ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội là nơi buộc voi và ngựa chiến của vua Ngô Quyền. Hai cây Táu ở Thiên Cổ Miếu, thành phố Việt Trì là nơi thờ thầy giáo có công dạy các con của Vua Hùng…

  Việc tổ chức xét duyệt công nhận, vinh danh, gắn bia CDS Việt Nam là sự kiện mới mẻ góp phần phát huy vai trò và ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật quý hiếm, đồng thời còn tạo một dấu ấn quan trọng mang ý nghĩa khoa học, nhân văn cao cả trong đạo đức bảo vệ môi trường. Hơn nữa, các hoạt động này còn hàm chứa ý nghĩa giáo dục tinh thần bảo vệ chủ quyền quốc gia, khi vinh danh những cây đứng ở cột mốc biên giới, trên đất liền cũng như ở vùng biển – đảo của Tổ quốc.

  Việc bảo tồn CDS Việt Nam được các cấp chính quyền và đoàn thể ủng hộ, đặc biệt được cộng đồng đồng tình, hưởng ứng tham gia. Đây là cam kết chính trị, pháp lý và sự đồng thuận xã hội quan trọng trong việc huy động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, biết cách tiêu dùng bền vững.

  Sau 10 năm phát động, sự kiện vinh danh bảo tồn CDS Việt Nam đã trở thành phong trào của cộng đồng, do cộng đồng đề xuất, cộng đồng tổ chức ngày hội CDS gắn liền con người với thiên nhiên, lan tỏa mọi vùng miền của Tổ quốc, thậm chí đã thu hút quan tâm của những người con xa quê hương hướng về cội nguồn. Sự kiện cũng được dư luận xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế, các vị lãnh đạo một số bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học nước ngoài hưởng ứng và đánh giá cao.

  PV: Thưa GIáo sư, công tác bảo tồn CDS hiện nay gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
  GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh
:Hoạt động bảo tồn CDS được sự hưởng ứng, đồng tình, ủng hộ của các cấp chính quyền, của cộng đồng trong nước và quốc tế, của các cơ quan thông  tấn báo chí trong việc đưa tin viết bài. Đó là thuận lợi. bên cạnh đó hoạt động của Hội đồng CDS gặp không ít khó khăn. Không có kinh phí hoạt động, Hội đồng phải tự nguyệntrang trải. Tuổi của hầu hết anh em trong Hội đồng ngày càng lớn, sức khỏe ngày càng hạn chế trong khi đường đi công tác nhiều nơi xa xôi. Chi phí để tham gia hoạt động bảo vệ cây ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước như xăng xe, chi phí đi lại, ăn ở … đều được chúng tôi trích ra từ lương hưu của mình một cách tự nguyện.Tôi mong các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ chế nào đó để tạo điều kiện cho Hội đồng CDS có kinh phí hoạt động. Tuy vậy, chúng tôi vẫn vượt qua khó khăn để hoàn thành công việc bởi lẽ được cộng đồng hưởng ứng đồng nghĩa là các nhà khoa học cảm thấy được tôn kính, là động lực giúp anh em VACNE làm những việc có ích cho cộng đồng, bảo vệ nguồn gen, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học của đất nước trong điều kiện của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Bảo vệ CDSlà góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, góp phần cho Trái Đất đỡ nóng lên. Đó là lý do tại sao trong các cuộc họp lớn về môi trường trên thế giới đều kêu gọi các quốc gia hãy ra sức bảo vệ rừng, bảo vệ cây cối. Lời kêu gọi trồng cây của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Lẽ ra, những người làm quản lý phải đánh giá được ý nghĩa đó để ra sức giúp đỡ những nhà khoa học..

PV: Vậy nhân dịp 10 năm sự kiện Bảo tồn CDS, Giáo sư có kỳ vọng và mơ ước gì vào dịp đầu xuân nămCanh Tý?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Sau  10 năm, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng CDS Việt Nam của VACNE, tôi mong VACNE có một cuộc họp để đánh giá, rút kinh nghiệm và để lại bài học cho thế hệ mới. Mong sao, các thế hệ tiếp theo sẽ duy trì sự kiện này tồn tại mãi mãi. Chúng tôi sẽ phải đánh giá và xác định lại các tiêu chí Bảo tồn CDS, xem nên bổ sung hay bớt đi các tiêu chí nào là cần thiết… Chúng tôi vô cùng biết ơn các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị lãnh đạo ở các địa phương, các vị cao niên, các cơ quan Phật giáo, các tổ chức cộng đồng và các cơ quan thông tấn, báo chí … đã đồng hành với Hội đồng CDS. Mong sao phong trào Bảo tồn CDS được phủ khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước.  Với ý nghĩa bảo vệ môi trường, mong sao phong trào trồng cây và bảo vệ cây  để mỗi cây lại trở thành CDS được lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc. Tôi còn mong muốn có một Dự án về CDS trên địa bàn thủ đô nói riêng và cả nước nói chung để phân loại, đánh giá tổng thể những loài cây quý và  có giải pháp bảo vệ, gìn giữ CDS là báu vật của tự nhiên … Tôi luôn mong nhận được nhiều hơn nữa sự đồng hành của cộng đồng cùng chung tay kiến tạo để có một  Việt Nam ngày càng Xanh và Bền vững.

   Tôi cũng xin cảm ơn Tạp chí Môi trường và Sức khỏe đã luôn bám sát, đưa tin, viết bài về các hoạt động Bảo tồn CDS. Tôi rất ấn tượng về hai chủ đề Môi trường và Sức khỏe trên Tạp chí này. Mỗi lần số tạp chí ra, tôi đều tìm đọc rất kỹ, đặc biệt là các bài báo nói về các loài cây thuốc quý và tôi coi đó là tư liệu để tôi học và nghiên cứu.Tôi đã được tiếp xúc các nhà báo Môi trường Sức khỏe, tôi thấy họ là những người có tâm huyết với nghề.Tôi xin chúc các đồng chí nhà báo Môi trường và Sức khỏe một năm mới thành công!

PV:Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư  đã  dành thời gian cho phóng viên Môi trường Sức Khỏe có buổi trò chuyện đầy ý nghĩa. Xin kính chúc Giáo sư có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học nước nhà.

THAY CHO LỜI KẾTLÀ TÌNH YÊU VÔ BỜ DÀNH CHO KHOA HỌC

Kết thúc buổi trò chuyện với vị Giáo sư đáng kính, trong căn phòng khách ấm áp tại nhà riêng của Giáo sư, nơi trưng bày nhiều kỷ vật về những thành tựu mà Giáo sư đạt được,tôi ngồi lặng ngắm và quan sát ông hồi lâu trong lúc ông thu dọn chồng tài liệu khá nặng mà  ông đem ra để làm việc với nhà báo.Tôi thực sự xúc động và không khỏi suy tư trong giây lát. Ở tuổi ngót nghét 90, ông vẫn tỏa ra một tinh thần khiêm tốn, một thần tháihoạt bát, nhanh nhẹn, và tràn đầy năng lượng, tràn đầy sức sống mà lớp trẻ chúng tôi cũng khó mà theo kịp.

Vừa kết thúc cuộc họp Đảng bộ ở phường nơi ông cư trú, ông tỏ ra thiện chí làm việc với tôi ngay lập tức.Câu chuyện với ông  được bắt đầu từ 12h trưa và kết thúc vào 15h chiều. Vậy là, tôi đã có buổi làm việc với một nhà khoa học uy tín vào một thời gian rất phi khoa học.VÌ thế, tôi không khỏi áy náy, có thoáng chút ái ngại và thấy mình có lỗi vì đã lấy đi thời gian ăn trưa và nghỉ trưa của một nhà khoa học tuổi đã cao chót vót. Tôi sợ mình làm ảnh hưởng đến sức khỏe của ông. Nhưng không, trong vòng ba giờ đồng hồ đó, với giọng nói nhỏ nhẹ, tình cảm, đậm chất Quảng Nam đầm ấm,tạo cảm giác rất gần gũi cho người đối diện, ông đã liên tục vừa trò chuyện, vừa trả lời tất cả các câu hỏi phỏng vấn của tôi một cách hào hứng xoay quanh sự kiện 10 năm Bảo tồn Cây Di sản Việt Namnhư thể tất cả các kiến thức trả lời báo chí đã được ông cất sẵn ở trong đầu, mà không cần nghỉ, không cần ăn, thậm chí không cần uống. Qua đó, tôi thực sự khâm phục và ngưỡng mộ tinh thần nhiệt tình làm việc và sức khỏe của ông tuy ở tuổi xế chiều nhưng lại tràn sức trẻ.

 Tôi chợt nhớ, hóa ra hôm nay là ngày 14/2, ngày lễ Tình Yêu, tôi không cố tình chọn ngày này để làm việc với ông, mà chỉ là ngẫu nhiên. Vì là ngày lễ Tình Yêu nên chia tay ông, tôi ra về mang theo câu chuyện tình yêu của hai người đàn ông mà tôi đã chia sẻ với ông trong câu chuyện ngoài lề buổi làm việc nhưng cũng được ông tâm đắc và tôi tin chắc không khỏi không đọng lại chút nghĩ suy trong ông. Đó là hai người đàn ông ở hai quốc gia, hai độ tuổi, hai nghề nghiệp khác nhau nhưng lại gợi trong tôi một sự liên tưởng trìu mến. Đó là câu chuyện tình yêu của chính khách Putin và của nhà khoa học có tầm cỡ quốc tế là ông. Putin đã trả lời cánh báo chí khi được hỏi về câu chuyện tình yêu của mình như sau: TÔI ĐÃ CƯỚI CẢ NƯỚC NGA LÀM VỢ. Tôi bảo ông, tình yêu của vị chính khách này dành cho sự nghiệp chính trị là vô bờ bến. Ông đồng ý với nhận định của tôi rằng, câu trả lời của Putin quá hay, và một người phải có tầm cỡ như thế nào mới trả lời đầy ẩn ý và sâu sắc đến vậy. Nhưng tôi bảo ông, câu trả lời của Putin khiến tôi liên tưởng tới ông. Ông vội bảo,  ông không dám được tôi so với Tổng thống. Nhưng tôi kịp giải thích với ông rằng, bằng sự nhạy cảm của người cầm bút nữ,tôi hiểu, cũng giống như Putin dành trọn tình yêu cho chính trị, ông cũng dành trọn đời mình cho tình yêu khoa học đến mức ông không biết đến đam mê gì khác ngoài khoa học. Cho nên ông mới đạt được những thành tựu đồ sộ trong khoa học mang tầm cỡ không chỉ quốc gia mà còn quốc tế.

 Đặc biệt, khi ông bảo, ông mồ côi vợ hơn chục năm nay rồi, thì tôi càng hiểu, ông càng dồn tình yêu vào khoa học gấp nhiều lần hơn thế, khi mà ở tuổi mỗi ngày một cao, khi mà sự cô đơn trong người đàn ông càng ngày càng rõ.Ông bảo, ông dồn hết tình yêu vào khoa học như đó là một cách duy nhất để ông quên đi những nỗi buồn, và như là một cách duy nhất để ông tưởng nhớ và biết ơn tới người vợ đã khuất của mình. Lặng nghe ông nói, tự nhiên, khóe mắt tôi không khỏi rưng rưng khi cảm nhận rõ gương mặt của ông vừa hồn hậu,vừa phảng phất nét u hoài lịch sử. Thật kỳ lạ, lập tức,tôi cảm nhận được chiều sâu vẻ đẹp của nỗi buồn trên gương mặt ấy.

 Tôi chợt hiểu tại sao ở tuổi gần chín chục, trên con đường nhuốm màu thời gian và dài đằng đẵng ông đi, như bao người về hưu khác, lẽ ra ông phải ngồi lại, nghỉ ngơi được rồi thì ông vẫn không ngừng đọc sách, nghiên cứu …, không ngừng mải miết và mải miết tiếp tục  bước đi trên con đường nghiên cứu khoa học đầy vinh quang ấy mà mình đã chọn. Trên con đường đó, dẫu không khỏi có những chặng đường  “dãi nắng dầm mưa”,“băng đèo lội suối ”… nhưng ông đã vượt qua khó khănđể gặt hái được nhiều hoa thơm và trái ngọt là những thành tựu khoa học mà ông đạt được.

Và hẳn là, hơn ai hết, vị giáo sư già đáng kính của chúng ta cảm nhận rõ niềm hạnh phúc vô bờ từ tình yêu dành cho khoa học của mình, cũng như tình yêu ông dành cho Cây Di sản Việt Nam mà tôi muốn gọi là tình yêu dành cho “MÀU XANH DI SẢN”  nước nhà.

 

Chú thích:

 

 

Ảnh 1 : GSTSKH Đặng HUY HUỲNH P. Chủ tịch VACNE- Chủ tịch Hội đồng Cây Di Sản Việt Nam, Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN

 ảnh 2 :  Ngày 22 tháng 01 năm 2014 Giáp Ngọ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và chúc tết : nhà khoa học GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh.

 

Ảnh 3:  GSTSKH Đặng HUY HUỲNH P. Chủ tịch VACNE- Chủ tịch Hội đồng Cây Di Sản Việt Nam, Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN trao bằng chứng nhận Quần thể 100 cây chè Shan Tuyết xã Sùng Đô huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái

Từ bao đời nay con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, nông thôn Việt Nam gắn với hình ảnh CÂY ĐA, GIẾNG NƯỚC, SÂN ĐÌNH. Cho nên tình yêu dành cho CÂY DI SẢN của mỗi người Việt Nam không chỉ là tình yêu dành cho bảo vệ môi trường, mà còn là tình yêu dành cho thiên nhiên, cho đất nước, cho quê hương, xứ sở, cho gia đình, người thân, hàng xóm láng giềng… Đặc biệt đối với những người con xa xứ thì họ cảm nhận tình yêu này hơn bao giờ hết. Nói như vậy, để thấy ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác Bảo tồn Cây Di sản nước nhà. Đó cũng là thông điệp của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản muốn gửi tới mỗi người dân đất Việt, để từ đó họ có ý thức gìn giữ Cây Di sản cho muôn đời sau.

Hà Nội, ngày 14/2/2020


Tin tức liên quan

Bình luận