Bán hàng trực tuyến trở thành lợi thế doanh nghiệp

30/08/2021 | 272 |

(TBKTSG) - Trong hoàn cảnh phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, các doanh nghiệp bán lẻ đã tìm mọi cách đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến trong nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh. Nhưng qua đó, thói quen mua sắm của nhiều người tiêu dùng cũng thay đổi, xu hướng mua hàng qua mạng tăng nhanh.

(TBKTSG) - Trong hoàn cảnh phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, các doanh nghiệp bán lẻ đã tìm mọi cách đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến trong nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh. Nhưng qua đó, thói quen mua sắm của nhiều người tiêu dùng cũng thay đổi, xu hướng mua hàng qua mạng tăng nhanh.

Description: https://cdn.thesaigontimes.vn/Uploads/old2/Articles07/304012/29888_chithinh_copy.jpg

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Ảnh: Thành Hoa

Từ bán vàng trên “mây”...

Trong đợt bán vàng Ngày Thần tài năm nay, các công ty kinh doanh vàng bạc đã phải nhờ tới kênh bán hàng trực tuyến mới có thể duy trì số lượng đơn hàng. Tiếp đến, ở các dịp lễ sau đó như Ngày Tình nhân (14-2), Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), là những thời điểm mà nhu cầu mua vàng, trang sức để làm quà tặng thường tăng cao, các công ty ngành hàng này cũng tận dụng kênh bán hàng trực tuyến để thu hút khách.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy trong thời gian qua lượng khách hàng đến các cửa hàng kinh doanh vàng bạc giảm nhiều so với mọi năm nhưng đổi lại số lượng người mua vàng qua mạng tăng lên. Đây cũng là xu hướng chung của các doanh nghiệp đang sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ nhưng chưa hình thành kênh bán hàng trực tuyến hoặc chưa đầu tư nhiều cho các kênh bán hàng qua mạng. Trước sức ép từ dịch Covid-19, một số chuỗi bán lẻ phải nhanh chóng đưa hàng lên mạng, kết nối với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoặc chủ động mở kênh bán hàng trên trang web, mạng xã hội...

Kể cả những mặt hàng từ trước tới nay vẫn ít khi xuất hiện trên sàn TMĐT, trang web bán hàng trực tuyến như thịt heo, thịt gà, rau quả, thủy hải sản nay cũng đã hiện diện trên các sàn TMĐT lớn như Lazada, Tiki, Sendo... Mặt hàng thực phẩm tươi sống không còn là “đất diễn” dành riêng cho hệ thống siêu thị và chợ mà đã bắt đầu hiện diện trên các sàn TMĐT lớn từ đầu năm nay.

Sàn TMĐT Tiki vừa khởi động ngành hàng thực phẩm từ tháng 5-2020 với sự tham gia của các nhà cung cấp nông sản, thực phẩm đông lạnh, rau quả hữu cơ... Mặt hàng này cũng có cơ hội tăng trưởng nhanh trên sàn TMĐT nhờ người tiêu dùng chuyển qua mua thực phẩm, nhu yếu phẩm qua mạng nhiều hơn do giãn cách xã hội, không thuận tiện cho việc trực tiếp tới cửa hàng.

Trên thực tế, đã xuất hiện sự cạnh tranh quyết liệt giữa các sàn TMĐT đối với ngành hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh... kể từ những tháng diễn ra dịch Covid-19. Các nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm nhập khẩu... cũng tăng cường chăm sóc gian hàng trực tuyến của mình trên sàn TMĐT (gian hàng chính hãng) nhiều hơn trước.

Bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó tổng giám đốc quản lý sàn giao dịch thương mại tiki.vn, cho biết nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách hàng trên Tiki tăng cao kể từ những tháng diễn ra dịch Covid-19. Theo bà Linh, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe... đang có xu hướng tăng nhanh; hành vi của người tiêu dùng đang có sự dịch chuyển từ mua sắm ở các cửa hàng bán lẻ sang môi trường trực tuyến.

Theo báo cáo ba tháng đầu năm 2020 về thị trường TMĐT Việt Nam của iPrice Group - nền tảng so sánh giá và tìm kiếm sản phẩm, nhu yếu phẩm, tạp hóa... trên các sàn TMĐT, mặc dù không phải là ngành chủ lực nhưng đã tăng trưởng mạnh trong những tháng diễn ra dịch Covid-19. Ví dụ như trong tháng 3, lượng truy cập vào trang web của chuỗi bán lẻ Bách hóa Xanh đã tăng 49% so với quí 4-2019. Trong top 50 trang web TMĐT Việt Nam chỉ có hai trang web chuyên doanh hàng tạp hóa là Bách hóa Xanh và BigC, ít hơn nhiều so với 10 trang web kinh doanh ngành hàng di động và 7 trang web ngành hàng thời trang.

Theo ghi nhận từ Haravan - nhà cung cấp giải pháp bán hàng đa kênh, và theo số liệu từ Google, người tiêu dùng hoạt động trên môi trường trực tuyến nhiều hơn trong mùa dịch Covid-19. Cụ thể, trước đây người dùng thường lên mạng (online) khoảng 28 giờ/tuần nhưng trong những tháng diễn ra dịch bệnh con số này đã tăng lên tới 35 giờ/tuần.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc tiếp thị Công ty cổ phần Công nghệ Haravan, cho biết thời gian qua người tiêu dùng có thể truy cập, tìm kiếm thông tin sản phẩm ở nhiều kênh bán hàng khác nhau, nhưng khi “chốt” đơn hàng thì chủ yếu thực hiện trên sàn TMĐT hoặc các trang web bán hàng. Điều đó chứng tỏ hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thời gian qua.

Đến bán mì gói qua... điện thoại

Dịch Covid-19 đã ít nhiều làm thay đổi cách thức mua sắm của người tiêu dùng, thay vì đến siêu thị hay ra chợ, tiệm tạp hóa mua chục gói mì thì nay họ chỉ cần bấm điện thoại mua hàng qua mạng, chờ người giao hàng tận nhà. Covid-19 đã tạo ra ba tháng tập dượt về thói quen mua hàng trên mạng cho hàng chục triệu người tiêu dùng ở Việt Nam.

Anh Minh Đức, một nhân viên kế toán ở quận Bình Thạnh (TPHCM), cho biết trước đây anh thường đi siêu thị mua thực phẩm nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, ra đường phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, anh phải làm quen với việc đặt và mua hàng qua mạng hoặc gọi điện kêu siêu thị giao mì gói, sữa hộp... đến tận nhà.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nhận xét đại dịch Covid-19 đã vô tình tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT. “Nhiều người trước đây chỉ quen xách xe chạy ra siêu thị mua đồ, nay do ảnh hưởng của dịch nên đã bắt đầu học cách mua hàng qua mạng. Việc hình thành thói quen này sẽ góp phần thúc đẩy cơ hội bán hàng trực tuyến cũng như chuyển dịch hoạt động kinh doanh sang môi trường trực tuyến đối với các doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

Trong một bản báo cáo về thói quen tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT, đại diện Shopee Việt Nam cho rằng, người dùng đang chuyển sang mua sắm trực tuyến cho mọi nhu cầu hàng ngày và đây cũng là một trong bốn xu hướng lớn của TMĐT trong năm nay.

Cũng theo Shopee Việt Nam, tổng thời gian mua sắm trung bình trên Shopee trong một tuần của người dùng Việt Nam thời gian qua tăng hơn 25%. Điều này cho thấy TMĐT đang chiếm vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với các loại nhu yếu phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và nhiều sản phẩm khác.

Hiện tại, người mua hàng trực tuyến đang có xu hướng chọn mua sản phẩm ở các kênh bán hàng được đầu tư một cách chuyên nghiệp về thương hiệu, chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng, giao nhận tức thời... Đây chính là thế mạnh của các sàn TMĐT lớn như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo... đã giúp họ tăng mạnh số lượng đơn hàng trong thời gian qua.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, nhận xét: “Đã có sự thay đổi về cách sống, cách làm việc và mua sắm trực tuyến trong năm 2020. Các thương hiệu và nhà bán hàng đẩy mạnh việc ứng dụng số hóa trong mọi hoạt động và TMĐT đã trở thành kênh bán hàng quan trọng. Trong thời điểm này, càng có nhiều người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến các mặt hàng từ nhu yếu phẩm cho đến đồ gia dụng”.

Các chuyên gia tiếp thị - truyền thông cho rằng việc người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn là cơ hội giúp các doanh nghiệp thúc đẩy các kênh bán hàng qua mạng của mình. 


Tin tức liên quan

Bình luận