Ứng phó hiệu quả với thiên tai

08/11/2019 | 429 |

Biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai trong những năm gần đây đang là vấn đề hết sức cấp bách, đặc biệt khi những tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan, đã gây ra thiệt hại nặng nề cả về kinh tế - xã hội và con người.

 

Biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai trong những năm gần đây đang là vấn đề hết sức cấp bách, đặc biệt khi những tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan, đã gây ra thiệt hại nặng nề cả về kinh tế - xã hội và con người.

Ước tính, ở Việt Nam mỗi năm thiên tai gây thiệt hại khoảng 1,5% GDP (tương đương khoảng 1,3 - 1,5 tỷ USD/năm). Thực trạng thiên tai đang diễn ra hết sức khốc liệt, đòi hỏi chúng ta cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ mới có thể ứng phó kịp thời và giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mức độ thiệt hại và chi phí khắc phục từ những đợt thiên tai gần đây cho thấy, thách thức lớn của Việt Nam hiện nay là hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, không đủ khả năng chống chịu với lũ lụt, bão và hạn hán…

Đặc biệt, hệ thống đê điều, công trình thủy lợi và giao thông thủy tại nhiều địa phương đã xuống cấp nghiêm trọng. Mức an toàn công trình và phi công trình thường thấp hơn các tiêu chuẩn quốc tế đã được chấp nhận, làm gia tăng rủi ro và những bất trắc phát sinh bởi thay đổi thủy văn do biến đổi khí hậu và xả lũ hồ chứa thượng nguồn ở nước ngoài.

Thiên tai ảnh hưởng đến nguồn sinh kế và tài sản của người dân, khiến cho các hộ dân bị ảnh hưởng khó phục hồi, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, vốn có khả năng thích ứng kém nhất.

Hiện tượng El-Nino kéo dài gây ra hạn hán và xâm nhập mặn vào năm 2015-2016, trận bão Damrey năm 2017 và lũ lụt năm 2018 đã cho thấy tác động nghiêm trọng của cả thiên tai diễn biến chậm và bất ngờ ở Việt Nam.

Hàng chục triệu người dân Việt Nam đang phải sống chung và tìm cách thích ứng với thiên tai. Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về ứng phó và cứu trợ nhân đạo, song vẫn còn nhiều việc phải làm. 

Để giải quyết được nhiều thách thức về kinh tế do tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai gây ra, đòi hỏi phải lập kế hoạch với thông tin về rủi ro ở nhiều ngành, nhiều cấp chính quyền và nhiều cơ quan, tổ chức.

Điều quan trọng là từng cá nhân, bộ, ngành của cả khối nhà nước và tư nhân đều phải có hành động cụ thể để hiểu được rủi ro, quan tâm tới nhóm dễ tổn thương và đưa ra được kế hoạch phát triển. Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, chiến lược bảo vệ tài chính phải là một phần của chương trình tổng thể quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu chung.

Các cơ chế chính sách, pháp luật, thể chế và vận hành cũng như hoạt động thực chất của các quỹ này cần được Việt Nam rà soát, nhằm tăng cường khả năng chống chịu về tài chính của các địa phương.

Khu vực tư nhân là đối tác thiết yếu đóng góp về vốn, chuyên môn kỹ thuật và các giải pháp tài chính sáng tạo, để bảo vệ tốt hơn cho chính quyền và xã hội trong đối phó với thiên tai.


Tin tức liên quan

Bình luận