Chàng trai 24 tuổi Boyan Slat đã dọn được rác đại dương
TTO - Không ai nhắc tới Boyan Slat khi mùa Nobel đến. Nhưng chàng trai người Hà Lan đã thực sự vượt qua chính mình trong cuộc chiến với rác thải tại Thái Bình Dương.
Cơ chế hoạt động của Ocean Cleanup
Boyan không phải một cái tên xa lạ đối với cộng đồng quốc tế. Thậm chí nhiều người tin rằng lẽ ra anh phải nổi tiếng hơn nhà hoạt động môi trường 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg, ứng viên Nobel hòa bình năm nay.
Muốn dọn sạch các đảo rác
Ước tính mỗi năm có khoảng 600.000-800.000 tấn rác bị ngư dân bỏ hoặc thất lạc trên biển. Khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa khác trôi ra biển từ các bãi biển.
Tuần trước, Boyan thông báo một tin vui: hệ thống làm sạch đại dương của anh đã hoạt động và chính thức gom về số lượng rác đầu tiên thải ra biển ở khu vực giữa California và Hawaii.
Hệ thống làm sạch đại dương này là dự án Ocean Cleanup của công ty cùng tên do chính Boyan sáng lập. Trên Twitter, anh viết: "Hệ thống làm sạch đại dương của chúng tôi cuối cùng đã gom được rác nhựa, từ rác cả tấn cho tới hạt nhựa nhỏ".
Ocean Cleanup ra đời nhằm mục tiêu gom rác thải nổi tại Great Pacific Garbage Patch, cụm từ được dùng để chỉ khu vực rác thải đại dương tập trung ở Thái Bình Dương. Rác thải của con người theo gió và các dòng hải lưu đã tập trung một cách tự nhiên tại một số điểm ở Thái Bình Dương, hình thành các "đảo rác" khổng lồ với kích thước lớn gấp ba lần nước Pháp.
Ý tưởng của Boyan là thiết kế một hệ thống tự gom rác tại khu vực này, sau đó nhờ sự hỗ trợ của các tàu chở rác đưa về đất liền, phân loại rồi tái chế thành đồ dùng sinh hoạt.
Hệ thống của Boyan gồm một đường dây trang bị phao nổi trên mặt nước dài 600m. Đường phao này sẽ tự động biến thành hình chữ U do tác động của gió và dòng nước, nó trôi tới đâu thì rác bị cuốn trong hình chữ U ấy trôi tới đó, không lọt ra ngoài.
Bên dưới đường phao này là tấm chắn sâu 3m, ngăn được các loại rác và mảnh vỡ có kích thước rất nhỏ. Việc này nhằm đảm bảo rác hơi chìm xuống bên dưới cũng bị cuốn theo, nhưng độ sâu vừa đủ cũng khiến nó không biến thành tấm lưới ngăn sinh vật dưới biển.
Boyan Slat - Ảnh: AFP
Vượt qua khó khăn
Trong thực tế, Boyan đã nổi lên từ lâu như một "cậu bé vàng" của Hà Lan và thế giới. Đam mê kỹ thuật từ nhỏ, Boyan năm 14 tuổi từng lập kỷ lục Guinness bằng việc tổ chức sự kiện phóng 213 quả tên lửa vận hành bằng nước tại Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan).
Năm 2011, thời điểm Boyan 16 tuổi, anh chàng đã nảy ra ý tưởng xây dựng một hệ thống tự hoạt động dựa trên dòng nước để dọn rác thải đại dương. Bài thuyết trình của Boyan về ý tưởng này ở diễn đàn TEDx Talk lừng danh năm 2012 và sau đó là 2014 đã gây sốt.
Boyan đưa ra quyết định được đánh giá liều lĩnh khi bỏ học tại TU Delft để tập trung hoàn toàn cho dự án dọn rác đại dương. Năm 2013, chàng trai gầy gò này sáng lập công ty phi lợi nhuận Ocean Cleanup, và gây quỹ được 2,2 triệu USD từ 38.000 nhà tài trợ trên 160 quốc gia.
Nhưng có thành công nào đến dễ dàng. Năm 2014, hai nhà hải dương học Kim Martini và Miriam Goldstein tuyên bố mô hình của Boyan không khả thi sau khi thẩm định. Năm 2018, thử nghiệm hệ thống Ocean Cleanup đã liên tiếp thất bại, một phần liên quan tới yếu tố kỹ thuật trong vận hành, và một phần nữa hệ thống bị vỡ khi hoạt động dưới biển. Trong cả năm qua, Ocean Cleanup chẳng dọn được mảnh rác nào.
Tuy nhiên với diễn biến mới nhất, Ocean Cleanup của Boyan đã bước đầu cho thấy hiệu quả. Và quan trọng nhất là Boyan có thể chiến thắng chính mình. Có lẽ chưa cần giải Nobel để vinh danh nhà phát minh trẻ tuổi này. Vì chính câu chuyện của anh đã là một phần thưởng.
Gương mặt nổi bật
Năm 2014, Boyan được trao giải thưởng Champions of the Earth (người bảo vệ Trái đất), thuộc chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc. Nhà vua Na Uy Harald V cũng trao cho Boyan giải thưởng doanh nhân trẻ Young Entrepreneur Award năm 2015. Một năm sau, Boyan lọt vào top 30 gương mặt tiêu biểu của tạp chí Forbes. Những năm qua, Boyan tiếp tục được vinh danh ở nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác nhau
Xem thêm