Giảm rác nhựa thiếu giải pháp mạnh

18/10/2019 | 428 |

TTO - Trong khi các đô thị Việt Nam đang ô nhiễm, rác chất đống, nhiều đô thị láng giềng đang áp dụng mạnh mô hình kinh tế mới, giúp giảm rác, giảm đốt rác...

 

Giảm rác nhựa thiếu giải pháp mạnh - Ảnh 1.

Các sản phẩm tái chế của doanh nghiệp Thái Lan bày bán - Ảnh: NGỌC HIỂN

Thay vì thải loại những hộp giấy, thùng cactông đã qua sử dụng, một hệ thống siêu thị lớn tại Thái Lan đã hợp tác với doanh nghiệp sản xuất bao bì để thu gom toàn bộ rác thải này để tái chế. Những loại hộp giấy, túi giấy tái chế với độ bền cao được đưa ngược lại siêu thị để thay thế túi nhựa, bao bì nilông.

Hệ thống siêu thị này cũng ngừng sử dụng hộp xốp đựng thực phẩm, thay vào đó là các hộp bằng chất liệu có thể tái chế 100%. Cùng việc hạn chế phát túi nilông, siêu thị giảm giá, tăng tích điểm cho khách hàng mang theo túi vải hoặc sắm túi giấy có thể tái sử dụng...

Tại hội nghị kinh tế tuần hoàn được tổ chức mới đây ở Thái Lan, đại diện Tập đoàn SCG (Thái Lan) cho biết việc hình thành mô hình thu gom, tái chế giấy đã qua sử dụng ở các siêu thị mà doanh nghiệp này đang hợp tác đã giúp giảm đáng kể rác thải bởi được triển khai trên 2.000 siêu thị Thái.

Năm 2018, những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên (lấy rác thải của ngành này làm nguyên, nhiên liệu cho ngành khác) đã giúp doanh nghiệp này chuyển đổi 313.000 tấn chất thải công nghiệp thành nguyên liệu thô tái tạo, biến 131.000 tấn chất thải công nghiệp thành nhiên liệu.

Còn tại Việt Nam, mới chỉ có một số doanh nghiệp áp dụng tốt mô hình kinh tế tuần hoàn, như doanh nghiệp đồ uống có 99% phế thải, phụ phẩm được tái sử dụng, tái chế hoặc tạo ra thức ăn chăn nuôi, phân bón... Ngoài ra, mô hình khu công nghiệp sinh thái thí điểm tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ đã mang lại hiệu quả khi tiết kiệm hơn 6,5 triệu USD. Các doanh nghiệp hướng đến sự "cộng sinh" để tận dụng chất thải, phế liệu của nhau trong sản xuất...

Theo nhiều chuyên gia, giảm rác thải nhựa ở Việt Nam còn thiếu giải pháp mạnh. Nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện chỉ lẻ tẻ áp dụng ở một số doanh nghiệp lớn bằng sự tự nguyện.

Một liên minh của các nhà sản xuất thiết bị điện tử đã ra đời tại Việt Nam với mục đích thu hồi sản phẩm do họ sản xuất dù ban đầu khá xôm tụ nhưng hiện còn vỏn vẹn 2 doanh nghiệp. Mới đây có thêm liên minh khác: các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bao bì đã hợp tác để đến năm 2030 sẽ thu gom, tái chế toàn bộ bao bì sản phẩm do họ sản xuất.

Đây là tín hiệu tích cực, song cũng mới chỉ là bước khởi đầu hiếm hoi, mang tính tự nguyện dù chính các nhà sản xuất cũng là "thủ phạm" đẻ ra rác.

TS Nguyễn Hoàng Nam (Viện Chiến lược, chính sách và môi trường) đánh giá hiện Việt Nam đã có một số chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn, nhưng còn phân tán. Do đó, việc xây dựng một luật riêng về kinh tế tuần hoàn sẽ tạo sự kết nối tốt hơn, dẫn dắt doanh nghiệp và cộng đồng cùng thực hiện, tránh tình trạng hô hào, khẩu hiệu hay mỗi ngành thực hiện một cách riêng lẻ.

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam phát sinh 2,5 triệu tấn rác thải là bao bì, túi nilông không được tái chế, tái sử dụng buộc phải chôn lấp, đó là chưa kể lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương đứng hàng đầu thế giới.

Nếu có sự ràng buộc bằng hành lang pháp lý sẽ không còn mạnh ai nấy làm, các doanh nghiệp buộc phải liên kết, tạo nên hệ sinh thái tuần hoàn và buộc phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình sản xuất. Từ đó, bài toán cạn kiệt tài nguyên và vấn nạn ô nhiễm rác thải sẽ phần nào có lời giải khi rác được "lên đời" thành tài nguyên.

Thực trạng ô nhiễm ở Việt Nam giờ không chỉ cần cảnh báo nữa, mà cần hành động.


Tin tức liên quan

Bình luận