Không lo thiếu “cái ăn thức uống”, chuẩn bị sẵn thời cơ sau dịch

31/03/2020 | 412 |

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Việt Nam là nước nông nghiệp, không lo thiếu “cái ăn thức uống”. Điều quan trọng hiện nay là phải chuẩn bị sẵn nguồn cung, điều kiện để đón thời cơ nhu cầu thị trường bùng nổ sau dịch bệnh.

Dịch bệnh trên người, vật nuôi rồi thiên tai, hạn hán... đã tác động không nhỏ tới sản xuất nói chung, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Nhiều người lo mất thị trường xuất khẩu, khan hiếm hàng hóa - thực phẩm trong nước. Song, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Việt Nam là nước nông nghiệp, không lo thiếu “cái ăn thức uống”. Điều quan trọng hiện nay là phải chuẩn bị sẵn nguồn cung, điều kiện để đón thời cơ nhu cầu thị trường bùng nổ sau dịch bệnh.

PHÓNG VIÊN: Thưa Bộ trưởng, dịch Covid-19 hiện nay đang tác động như thế nào tới sản xuất nông nghiệp và nguồn cung thị trường nông sản, thực phẩm?

Bộ trưởng NGUYỄN XUÂN CƯỜNG: Trước hết, phải khẳng định, không chỉ có dịch Covid-19 mà những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, các loại dịch bệnh nói chung sẽ luôn là những rủi ro, có nguy cơ xảy ra, chúng ta đã - đang và sẽ phải đối mặt. Dịch Covid-19 rõ ràng đã có những tác động đến tình hình xuất khẩu nông sản, một số mặt hàng, nhất là trái cây gặp khó khăn do khâu kiểm soát ngặt nghèo hơn để phòng ngừa dịch bệnh.

Việc đóng chợ biên giới khiến hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch bị tạm dừng. Trước những khó khăn thách thức này, Bộ NN-PTNT đang tập trung cùng Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp quyết tâm khắc phục khó khăn, thách thức để tổ chức sản xuất ở quy mô cao nhất, đợi đến khi dịch chấm dứt sẽ cung cấp đủ cho sự bùng nổ của thị trường.

Theo đánh giá, có 2 nhóm hàng quan trọng nhất hiện nay cần quan tâm là nhóm hàng lương thực và thực phẩm. Đối với dịch Covid-19, không chỉ trong nước mà cả toàn cầu, nhu cầu lương thực, thực phẩm luôn là thiết yếu, vì vậy phải đảm bảo trong mọi hoàn cảnh cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho người dân.

Liệu chúng ta có đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm hiện nay hay không, thưa ông?

Đất nước chúng ta có gần 100 triệu dân, nhu cầu lương thực, thực phẩm rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta là nước nông nghiệp nên đảm bảo chắc chắn cung cấp đủ trong mọi hoàn cảnh. Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chuẩn bị kết thúc vụ lúa đông xuân với 1,54 triệu ha, năng suất khoảng 6,9-7 tấn/ha; khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên với 310.000ha lúa, năng suất ước đạt 6,8-7 tấn/ha; còn tại Đông Nam bộ có 77.000ha lúa, phần lớn đã thu hoạch, năng suất khoảng 5,9 tấn/ha. Bên cạnh đó, từ Trung bộ trở ra phía Bắc, với 1,2 triệu ha lúa đang ở giai đoạn làm đòng, hứa hẹn sẽ cho năng suất cao.

Bộ NN-PTNT đã báo cáo Chính phủ về tình hình sản xuất và cung ứng lương thực. Theo tính toán, trong thời gian 6 tháng đầu năm, toàn bộ lúa vụ đông xuân của cả nước sẽ được thu hoạch, sản lượng dự kiến đạt khoảng 20,1 triệu tấn lúa. Còn trong 6 tháng cuối năm, toàn bộ lúa vụ hè thu, lúa mùa, lúa thu đông của cả nước được thu hoạch với sản lượng dự kiến là 23,4 triệu tấn lúa. Mặc dù tại ĐBSCL vừa qua xảy ra hạn mạn gay gắt trên diện rộng nhưng hiện nay, nguồn nước ngọt đang trở lại, hạn mặn đang giảm. Vì vậy, theo kế hoạch, trong vụ thu đông năm nay, toàn vùng ĐBSCL sẽ duy trì diện tích 750.000ha.

Theo dự báo của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), sản lượng lúa của thế giới năm 2020 có thể giảm khoảng 2,7 triệu tấn, nhu cầu tăng 3,7 triệu tấn; trong khi dịch Covid-19 có thể tác động đến sản xuất, xuất khẩu của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ nên dự báo nhu cầu nhập khẩu lúa gạo sẽ tăng trong thời gian tới. Cả nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có thể sẽ tăng do một số quốc gia và người dân có thể mua để tích trữ. Do đó, Bộ NN-PTNT sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường, cần thiết có thể điều chỉnh, tăng diện tích lúa thu đông lên tới 800.000ha nếu có thể. Trước mắt, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung chỉ đạo xác định khung thời vụ, vùng xả lũ, cơ cấu giống cây trồng và các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho vụ thu đông, đảm bảo duy trì diện tích, năng suất và khung thời vụ thu hoạch tốt nhất để có thể sản xuất sớm vụ đông xuân 2020 - 2021.

Tại sao cần thiết đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch lây lan hiện nay?

Sở dĩ cần tranh thủ thúc đẩy sản xuất ngay thời điểm này là để đến khi dịch lắng xuống, chúng ta sẽ tận dụng tốt nhất cơ hội từ các thị trường vì theo dự báo, nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, nhu cầu nhập khẩu chắc chắn sẽ bùng nổ sau dịch. Nếu làm được việc này sẽ đảm bảo được mục tiêu kép, là giữ vững ổn định an ninh lương thực, cung ứng đủ thực phẩm cho 100 triệu dân, đồng thời chuẩn bị đủ điều kiện tốt nhất để khi có thời cơ là hoàn thành mục tiêu xuất khẩu ở mức cao nhất trong năm nay.

Nhưng cũng có nhiều người cho rằng, năm nay thị trường xuất khẩu sẽ gặp khó khăn, không chỉ khó đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 42 tỷ USD mà nông sản sẽ không tiêu thụ được?

Theo dự báo thì nhu cầu của thị trường thế giới sẽ tăng cao. Điều quan trọng là chúng ta phải liên tục tái cơ cấu để đổi mới thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Chẳng hạn như mặt hàng gạo, vào năm 2018, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 50% thị phần, nhưng khi nhu cầu từ thị trường này giảm, ngay lập tức chúng ta điều chỉnh, đi tìm những thị trường mới. Hiện thị trường Trung Quốc chỉ còn chiếm 5% nhưng mục tiêu xuất khẩu gạo của chúng ta vẫn đạt và năm 2019, sản lượng xuất khẩu gạo vẫn đạt 6,7 triệu tấn. Bên cạnh 5 thị trường chủ lực, hiện nay, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương đang tích cực mở rộng các thị trường khác như Nga, Brazil và khai thác hiệu quả các thị trường như EU, Nhật Bản, Mỹ…

Tiềm năng thị trường còn rất lớn, chúng ta không sợ dư thừa, các doanh nghiệp cần sáng tạo, đầu tư mạnh cho khâu chế biến. Đầu tháng 2, khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên bị ảnh hưởng, trái cây xuất khẩu bị ách tắc. Nhiều doanh nghiệp đã lập tức chuyển hướng sang phát triển các sản phẩm chế biến. Doanh nghiệp vào cuộc tích cực, người dân, các cơ sở sản xuất cũng có những sáng tạo, thúc đẩy liên kết với vùng sản xuất nên những khó khăn dần được tháo gỡ. Bánh mì thanh long, bún dưa hấu… là những sản phẩm của sự sáng tạo, là đòi hỏi của thị trường chứ không phải là sản phẩm tức thời của giải cứu. Trong thách thức luôn có cơ hội, nhiều chuỗi sản xuất tập hợp lại sẽ tạo ra những con sóng lớn thúc đẩy thị trường.


Tin tức liên quan

Bình luận