Kinh tế xanh chìa khóa của phát triển bền vữn

21/01/2020 | 474 |

Phát triển kinh tế xanh hay còn gọi là phát triển bền vững đang được coi là xu hướng lựa chọn cho một tương lai thân thiện với môi trường. Chính vì thế, năm quốc tế về năng lượng bền vững 2012 đã lựa chọn chủ đề "Kinh tế Xanh: Có vai trò của Bạn" cho Ngày Môi trường thế giới 5/6. Mục tiêu của chương trình hành động này là nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng nền kinh tế xanh hướng tới sự nghiệp phát triển bền vững cho nhân loại.


 

Thế nào là Kinh tế Xanh?

Vậy, Kinh tế xanh là gì? Kinh tế Xanh là nền kinh tế ở đó con người là trung tâm, trong đó có các chính sách tạo ra các nguồn lực mới về tăng trưởng kinh tế bền vững và bình đẳng. Thúc đẩy nền Kinh tế Xanh và cải tổ quản lý môi trường là hai nhân tố căn bản đảm bảo tiến trình phát triển bền vững của mỗi nước nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung.

Đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, Kinh tế Xanh tuy còn khá mới mẻ song bước đầu đã có sự chuyển hướng đầu tư vào các công nghệ sản xuất sạch hơn, một trong các tiêu chí của nền Kinh tế Xanh.

Hưởng ứng chủ đề này, Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động mang tầm quốc gia tại Quảng Ninh như: Lễ mít tinh quốc gia và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2012; hội thảo - diễn đàn Kinh tế Xanh; đối thoại, giao lưu văn nghệ về bảo vệ môi trường; phát động phong trào và triển khai các dự án cải thiện môi trường;

Chúng ta đã “ngược đãi” tự nhiên

Tại cuộc họp báo hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5.6 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hà Nội, ông Patrick Jean Gilabert - GĐ chương trình phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc tại Việt Nam - đưa ra những con số cảnh báo giật mình: 40% dân số thế giới hiện đang dùng nguồn năng lượng hóa thạch là than và gỗ để nấu ăn. Đây là nguồn năng lượng xả ra nhiều khí nhà kính - nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, đẩy con người vào nguy cơ thiếu lương thực. Mặt khác, nền “kinh tế nâu” cũng thúc đẩy khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch một cách mạnh mẽ, đồng thời xả ra môi trường một lượng khí nhà kính cực lớn. Trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá, bị khai thác kiệt quệ làm nhiệt độ trái đất nóng lên, kéo theo nước biển dâng, bão lũ, động đất và sóng thần... Việt Nam sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu nước biển dâng. Theo tính toán, nếu nước biển dâng 1m, có thể giảm đến 10% GDP.

Về năng lượng, ông Patrick Jean Gilabert nhấn mạnh: Còn 20% số người dân trên trái đất (1,3 tỉ người) hiện chưa được dùng điện, vậy mà nguồn năng lượng của trái đất được dự báo là đang kiệt quệ. Những công trình thủy điện đang làm méo mó sự cân bằng chọn lọc tự nhiên hàng tỉ năm của trái đất, nguy cơ làm cạn kiệt các dòng sông. Việc khai thác than, dầu quá mức khiến giảm khả năng tái tạo nguồn năng lượng. Vấn đề năng lượng đang trở nên cực kỳ quan trọng với sự tồn tại của loài người.

Tương tự, ở Việt Nam hiện tại, kinh tế tăng trưởng dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên với hiệu quả sử dụng thấp, phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, công nghệ sản xuất còn lạc hậu...

Kinh tế xanh - lựa chọn thông minh

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến khẳng định: Kinh tế Xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh học. Đây được xem là một mô hình mới, góp phần giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi mô hình Kinh tế Xanh sẽ mang lại hiệu quả lâu dài cho Việt Nam. Mặt khác, đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ môi trường, đầu tư phát triển một số ngành Kinh tế Xanh mũi nhọn như nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, công nghiệp tái chế, năng lượng sinh học, tái sinh rừng tự nhiên... Lựa chọn nền Kinh tế Xanh là phương án tối ưu cho sự phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam.

Ông Tuyến nhấn mạnh thêm: Việt Nam đã và đang tiếp cận kinh tế xanh bằng nhiều chương trình cụ thể. Điều này khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu kinh tế trong phát triển bền vững, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã chỉ rõ đến năm 2020, các cơ sở sản xuất kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải.

Đặc biệt, chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 tập trung vào 3 mục tiêu: Giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng. Tuy nhiên, phát triển theo hướng bền vững, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất là thiếu hụt nguồn lực. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu, hình thành môi trường pháp lý, có những cơ chế chính sách thuận lợi để kinh tế Việt Nam phát triển đúng hướng xanh.


Tin tức liên quan

Bình luận