BÁO ĐỘNG AN TOÀN THỰC PHẨM TẾT: ÔI, LẠP XƯỞNG!
Lạp xưởng phục vụ dịp tết được chế biến trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Cơ quan chức năng còn phát hiện nguyên liệu biến chất.
Lạp xưởng phục vụ dịp tết được chế biến trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Cơ quan chức năng còn phát hiện nguyên liệu biến chất.
Nguyên liệu biến chất
Hôm 12.1, đoàn Thanh tra Sở Y tế (TP.HCM) tiếp tục kiểm tra các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán. Trong số các cơ sở được kiểm tra, đáng lưu ý nhất là cơ sở sản xuất lạp xưởng Ngọc Linh (nằm trên đường Trịnh Đình Thảo, P.Phú Trung, Q.Tân Phú). Ngay phía sau cánh cổng của tòa nhà là khu mặt bằng dùng để sơ chế các nguyên liệu, từ lóc phân chia mỡ, thịt nạc, cá… cho đến nhồi nguyên liệu tạo thành những ống dài trước khi cắt thành từng đoạn lạp xưởng ngắn đem sấy.
|
Cùng ngày, đoàn Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành niêm phong hơn 500 chai sâm dứa (sản phẩm của cơ sở sâm dứa Tân Đại Hải, ở đường Lò Gốm, P.9, Q.6) để đem đi tiêu hủy. Sản phẩm này không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm - bị nhiễm vi khuẩn hiếu khí và nấm mốc. Thanh tra đình chỉ hoạt động đối với cơ sở này. Loại nước giải khát phục vụ dịp tết này được làm từ nước lọc, hương sâm, dứa tổng hợp, và được cung cấp cho các chợ nhỏ. |
|
Nếu ai nhìn thấy “công nghệ”, điều kiện sơ chế nguyên liệu, đến khâu nhân viên ngồi nhồi lạp xưởng ở nơi đây thì sẽ không… muốn thưởng thức món ăn này nữa. Bởi vì, phía trên mặt sàn nhầy nhụa nước, là các nhân viên không mặc đồng phục bảo hộ, không đeo khẩu trang (quy định phải có) ngồi nhồi nguyên liệu tạo thành từng ống lạp xưởng dài rồi cho vào thau không hề che đậy. Các thau đựng nguyên liệu (mỡ, thịt, cá) để ngổn ngang trên sàn nhà. Vào bên trong, đoàn phát hiện hai bao chứa mỡ nguyên liệu nặng 70 kg bị biến chất, chuyển sang màu xanh, bốc mùi hôi thối. Các cán bộ thú y của Q.Tân Phú được mời tới hiện trường để làm rõ. Và, chỉ nhìn cảm quan bên ngoài thôi, phía thú y đã cho lập biên bản ra quyết định buộc đưa 70 kg mỡ biến chất về Bình Hưng Hòa để tiêu hủy!
Kiểm tra sâu hơn, đoàn phát hiện có 4 nhân viên chế biến không qua khám sức khỏe, 5 nhân viên không qua tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; chủ cơ sở không xuất trình được xét nghiệm nguồn nước dùng chế biến lạp xưởng; các phẩm màu, ruột heo (dùng bao ngoài lạp xưởng) cũng không trình được hóa đơn để chứng minh nguồn gốc; tủ bảo quản thịt nguyên liệu cũng không đảm bảo vệ sinh; đóng gói lạp xưởng trên sàn nhà, không có bàn theo quy định; khu vực sấy lạp xưởng cũng không tuân thủ quy trình vệ sinh một chiều.
Đoàn thanh tra kết luận, tình trạng vệ sinh: từ cơ sở, dụng cụ chế biến, đến vệ sinh trong chế biến và bảo quản của cơ sở sản xuất lạp xưởng Ngọc Linh tất cả đều không đạt. Ngoài ra, nhãn mác cũng không ghi đúng thành phần so với hồ sơ công bố sản phẩm ban đầu.
Ruột heo Trung Quốc (?)
Ngoài nguyên liệu bị biến chất, phẩm màu không rõ nguồn gốc…, có một nguyên liệu khác gây chú ý cho các thành viên đoàn thanh tra: đó là vỏ dùng làm bao ngoài của thân lạp xưởng. Đại diện cơ sở cho biết đó là loại ruột heo có xuất xứ từ Trung Quốc (?). Nhưng, nhiều người thắc mắc ruột heo gì mà thẳng tắp đều đặn, và trông rất giống được làm từ chất liệu nylon. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được hóa đơn mua ruột heo. Vì nghi ngờ, đoàn thanh tra đã lấy một đoạn “ruột heo” này để về kiểm nghiệm xem có đúng là thật hay không. Cơ quan chức năng còn lấy các mẫu lạp xưởng thành phẩm, các loại nguyên liệu để về kiểm nghiệm; đồng thời lập biên bản, yêu cầu chủ cơ sở đến Sở Y tế xử lý. Bác sĩ Phạm Kim Bình - Phó chánh Thanh tra Sở Y tế (trưởng đoàn thanh tra) yêu cầu chủ cơ sở lạp xưởng Ngọc Linh phải cho khắc phục lại ngay tất cả các khâu không đảm bảo vệ sinh, mới được sản xuất tiếp, và giao cho y tế địa phương giám sát việc này.
Thanh Tùng (Theo Thanh niên
Xem thêm