122 nước ủng hộ điều tra nguồn gốc virus corona
TTO - Trung Quốc dự kiến phải đối mặt sức ép lớn tại hội nghị trực tuyến của Đại hội đồng y tế thế giới (WHA) diễn ra tuần này ở Geneva (Thụy Sĩ), khi ít nhất 122 quốc gia đã ủng hộ điều tra nguồn gốc dịch bệnh COVID-19.
Hai người đàn ông đeo khẩu trang bảo vệ tại nhà ga London Victoria (Anh) hôm 18-5 - Ảnh: Reuters
Dự thảo nghị quyết đề xuất mở cuộc điều tra độc lập về đại dịch COVID-19 do Úc và EU khởi xướng sẽ được WHA đưa ra bàn thảo ngày 19-5 với điều kiện nhận được 2/3 trong số 194 thành viên của WHA ủng hộ, tương ứng với ít nhất 129 nước.
Bắc Kinh nói "quá sớm" để điều tra
Tính đến chiều 18-5 (giờ Việt Nam), theo báo The Guardian, đã có 122 quốc gia ủng hộ, bao gồm Anh, Indonesia, Nhật, Nga, New Zealand, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.
Có một điểm đáng lưu ý, dự thảo nghị quyết điều tra về đại dịch của Úc và EU không đề cập cụ thể tới Trung Quốc hay thành phố Vũ Hán của nước này. Trong đó chỉ nêu kiến nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nên hợp tác với Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới để thực hiện các sứ mệnh hợp tác khoa học tại thực địa nhằm xác minh "nguồn gốc lây từ vật sang người của virus và con đường lây lan sang người, bao gồm cả nguồn gốc có thể có của các vật chủ trung gian".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 18-5 cho biết nước này ủng hộ "đánh giá toàn diện" về phản ứng toàn cầu trước dịch bệnh sau khi đã kiểm soát được dịch. Theo ông, cuộc điều tra nên chú trọng vào việc rút kết kinh nghiệm và cải thiện những thiếu sót.
Theo Hãng tin Reuters, trong cuộc họp báo trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói phần lớn các nước trên thế giới cho rằng dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, do đó sẽ là quá sớm để ngay lập tức mở cuộc điều tra lúc này.
Bắc Kinh đã nhiều lần nêu quan điểm các nhà nghiên cứu vẫn chưa khẳng định được nguồn gốc của virus corona và thậm chí còn đề cập khả năng chủng virus này có thể bắt nguồn từ một nơi khác, không phải ở Vũ Hán.
Đài Loan lỡ hẹn hội nghị WHA
Trung Quốc cũng đang chịu sức ép từ việc một liên minh do Mỹ dẫn đầu đang ra sức vận động giúp Đài Loan có được một ghế quan sát viên tại WHA. WHA - cơ quan điều hành WHO - tổ chức hội nghị trực tuyến 2 ngày, bắt đầu từ 18-5. Nội dung chính được bàn thảo sẽ là đại dịch COVID-19, WHO và các thành viên của tổ chức này đã xử lý dịch bệnh như thế nào?
Trong suốt thời gian chuẩn bị hướng tới hội nghị, Trung Quốc đã nhiều lần quy kết các nước thành viên đã chính trị hóa cuộc họp của WHA khi vận động hành lang cho tư cách quan sát viên của Đài Loan bất chấp phản đối của Trung Quốc.
Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày 17-5 phát đi bản tin nói "Mỹ và các nước khác" cứ nhất định thảo luận về những đề xuất liên quan tới Đài Loan chỉ vì mục đích duy nhất: chính trị hóa các vấn đề y tế và đạt được lợi ích của họ dẫn tới việc "bắt cóc" WHA và gây tổn hại cho sự hợp tác toàn cầu.
Những tháng qua, trong khi dư luận chỉ trích Trung Quốc ngày càng tăng trên thế giới thì sự ủng hộ quốc tế với Đài Loan, vùng lãnh thổ được khen ngợi vì khả năng xử lý dịch thành công, cũng tăng lên.
Bà Jessica Drun, học giả tại tổ chức nghiên cứu Project 2049 chuyên về vấn đề an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cắt nghĩa vì sao lúc này Đài Loan đang được ủng hộ nhiều hơn hẳn so với những lần trước: "Tôi nghĩ chủ yếu là vì Đài Loan đã trở thành một kiểu mẫu không chỉ trong việc họ đã phòng chống dịch bệnh hiệu quả như thế nào trên mặt trận trong lãnh thổ, mà còn trong việc chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất thông qua các kênh không chính thức với cộng đồng quốc tế".
Dù vậy, trong ngày khai mạc hội nghị trực tuyến tuần này của WHA (18-5), Cơ quan Ngoại giao Đài Loan thông báo họ vẫn chưa nhận được thư mời tham gia của WHA, cũng nói họ đồng ý tạm hoãn vấn đề này lại cho tới nửa sau năm nay.
Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar tại cuộc họp WHA tiếp tục cáo buộc "thất bại" của WHO làm chết nhiều người và đòi buộc trách nhiệm tổ chức này.
Thế nan giải của Bắc Kinh
Ông Ho-Fung Hung, giáo sư kinh tế chính trị học tại ĐH Johns Hopkins, cho rằng việc Trung Quốc không muốn cho cộng đồng quốc tế tham gia điều tra về dịch bệnh, cũng như cách họ hăng hái tạo ra đủ loại thuyết âm mưu đề cập tới những nguồn gốc của virus không phải từ Trung Quốc chỉ khiến thế giới càng nóng lòng muốn biết câu trả lời.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc có những quốc gia đồng minh của Trung Quốc ủng hộ cuộc điều tra độc lập quốc tế về dịch bệnh khiến Bắc Kinh rơi vào thế nan giải. Đó là nước này rất khó để phản đối cuộc điều tra này mà không làm tổn hại thêm hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
Xem thêm