'Máy bấm' nước ngọt của Út Chen
TTO - Út Chen gắn 3 vòi bơm 60mm kéo ra lộ. Ống nước được đóng trên các trụ cao 3m. Mỗi trụ có sẵn remote điều khiển. Người cần lấy nước thì bấm chữ B nước chảy ra, bấm chữ A khi đã lấy đủ nước…
Nông dân Lê Văn Chen (ở ấp Tân An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Hàng trăm hộ dân Bến Tre đã thoát khỏi cảnh khó khăn cùng cực về nước trong mùa hạn mặn nhờ "máy bấm" nước ngọt độc đáo của anh nông dân Út Chen (Lê Văn Chen, 44 tuổi, ở ấp Tân An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).
Tưởng mình tui cùng Út Chen “bao đồng”. Không ngờ đã có gần 40 trai tráng gần xa tới ủng hộ Út Chen. Gã nông dân hiền như cục đất, ít lời mà được nhiều người ủng hộ quá xá.
Anh LÂM QUANG TUYÊN
"Dự án máy bấm" nghĩa tình
Hàng chục xe chở những chiếc bồn nhựa lũ lượt nối đuôi nhau. Đêm xuống, đoàn xe cứ dài thêm. Chính quyền xã phải cử lực lượng hướng dẫn các xe xếp hàng trật tự. Từng người chờ tới phiên mình hứng nước từ chiếc vòi treo. Tiếng máy bơm, tiếng nước chảy, tiếng rú của những chiếc xe no nước tủa đi làng trên xóm dưới… huyên náo cả một vùng quê oi bức.
Hơn nửa tháng nay, những chuyến xe xin nước gần xa cứ chực chờ đến nhà anh nông dân Út Chen - nơi có "máy bấm" được dựng lên để tặng nước ngọt miễn phí cho người dân. Long Thới là làng quê được bao quanh bởi con sông Tiền, sông Cái Gà, sông Vàm Mơn… nặng phù sa cho vùng đất vốn nổi tiếng nghề trồng giống cây ăn trái.
Từ tháng chạp năm ngoái, dòng nước mặn đầu tiên lạc vào vùng ngọt khiến dân tình xôn xao. Thế nhưng, chỉ vài hôm thì dòng mặn biến mất. Nông dân thở phào. Bởi ở vùng cây trái này mà có nước mặn thì nguy.
Nhưng ngày vui chẳng bao lâu, dòng mặn quay lại như chơi trò trốn tìm. Khác lần trước, lần này nước mặn ở lì, chiếm lĩnh các con sông. Điều lo ngại đã xảy ra. Út Chen nói dân ở đây ai cũng sống nhờ vườn tược. Nước mặn vào, cây lá héo úa. Mà người còn không có nước ngọt dùng, nói gì đến cây. Có lần anh thấy nhà hàng xóm, lớn bé đều xách thau đi hứng từng giọt nước mà xót.
Tối đó, Út Chen về thủ thỉ với vợ hay là dùng số tiền huê lợi từ mùa mít năm ngoái để xin địa phương khoan cây nước ngầm cho cả xóm cùng xài. Anh mừng như trúng mùa khi chị vợ gật đầu mà không cần nghĩ ngợi. Vậy là Út Chen lặn lội kiếm thợ về khoan tìm nguồn nước giải ngọt cho xóm làng. Nhưng khi gặp được giếng nước ngầm, chưa kịp mừng thì thợ khoan lại lắc đầu thất vọng: giếng ngầm cũng nhiễm mặn. Đành rút mũi khoan cùng hi vọng của vợ chồng anh nông dân.
Út Chen kể may mắn là vợ chồng cùng một lòng. Không tìm được nguồn nước ngầm, anh ngần ngại nói với vợ cho xin… 50 triệu để anh đào ao chứa nước ngọt rồi bơm cho bà con xài. Lần này thì vợ anh lại xúi anh nếu làm thì… làm nhanh, để sớm chấm dứt cảnh cùng cực của bà con chòm xóm vì thiếu nước ngọt. Vợ chồng anh lại chạy về hỏi xin mẹ.
Bà Đặng Thị Bích (84 tuổi), mẹ Út Chen, nói nghe con xin đào ao chứa nước ngọt để chia sẻ khó khăn với chòm xóm mà bà mừng rơi nước mắt. Không những vậy, bà còn "chỉ thị" cho anh chị em, con cháu trong nhà ủng hộ Út Chen làm việc nghĩa. Vậy là người chị thứ hai tuyên bố Út Chen cần bao nhiêu tiền để mua nước, mua ống chị sẽ góp. Các cháu trong nhà cũng xung phong làm đội chở nước miễn phí.
"Dự án máy bấm nước ngọt" được duyệt với trưởng ban chỉ đạo là mẹ; chủ đầu tư là vợ chồng Út Chen; cùng các thành viên trong gia đình, người góp của, người góp công… Chỉ mấy ngày, ao chứa gần 400m3 nước được đào xong. Út Chen háo hức gắn 3 vòi bơm 60mm kéo ra lộ. Ống nước được đóng trên các trụ cao 3m.
Ở mỗi trụ đều có sẵn remote điều khiển. Người cần lấy nước thì bấm chữ B nước sẽ chảy ra, bấm chữ A khi lấy đủ nước… Hệ thống cấp nước đã xong. Vấn đề còn lại là tìm đâu nguồn nước ngọt. Út Chen dặn ghe tàu qua lại, bà con sống ven sông nếu thấy sà lan thì cho hay để anh mua.
Người dân đến lấy nước chở đi - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Hàng trăm nhà được nhờ
Chuyện nhà Út Chen đào ao bơm nước ngọt cho người dân gặp khó khăn về nước được truyền miệng. Cô giáo Trang ở trường xã lên mạng thấy có nhóm bạn chở nước đi cho cũng gọi báo cho Út Chen. Tận An Giang, những người có lòng cũng chở cho vài ghe nước…
Nhưng có nước rồi, Út Chen lại lo chuyện… cho. Anh thiệt bụng: "Đâu phải mình có nước rồi muốn cho là cho. Phải nói năng tử tế để bà con vui vẻ nhận mà không mặc cảm bố thí. Sợ nhất là không khéo bà con buồn, nói mình "phách" rồi mắng vốn là mẹ tui buồn lắm. Nên mấy ngày đầu cho nước mà tui hồi hộp. Dặn anh em chở nước phải lễ phép. Gặp gia đình neo đơn, người già yếu thì phải đem tận nơi".
Không ngờ, chỉ một hai ngày "máy bấm" nước ngọt được đưa vào hoạt động, chòm xóm kéo đến xin nước đông như hội. Thanh niên gần xa thì gặp anh xin đi chở nước hay làm việc gì góp sức là làm. Từ xóm lan ra ấp, ra xã, ra xã bên… "Máy bấm" nước lan tỏa ngày càng xa. Hơn 200 hộ dân trong vùng nhờ "máy bấm" nước ngọt của Út Chen mà qua cơn khát. Hôm tôi ghé nhà, người mẹ già đưa tay quẹt mắt: "Đi đâu cũng nghe người ta cảm ơn thằng Út. Nó cho mà chẳng đếm xỉa cho ai, chẳng cần người ta cảm ơn…".
Đến đây, Út Chen nói nhỏ anh cũng biết có nhiều gia đình khó khăn. Thỉnh thoảng anh cho tiền mẹ, rồi mẹ âm thầm giúp người ta lúc thắt ngặt. Thấy túi mẹ vơi, vợ chồng anh làm có tiền là lén nhét vô. Anh biết mẹ anh cao tuổi, đâu có xài gì. Tiền bạc có là bà giúp người nghèo khó. Anh cũng chưa từng hỏi mẹ đã giúp ai…
Gặp tôi khi đang cho xe chở nước, anh Lâm Quang Tuyên (43 tuổi) nói thấy Út Chen làm "máy bấm" nước ngọt, anh cũng "nổi hứng" xin vợ cho sắm chiếc xe, chất cái bồn 1m3 rồi chạy qua nhà Út Chen chở nước đi phát cho người dân. Để thuyết phục vợ, anh Tuyên hứa sau mùa hạn chở nước giúp bà con, anh sẽ dùng xe đó để chở cây trái mướn. Vậy là vợ anh gật 28 triệu để mua cả xe lẫn bồn.
Út Chen tâm sự ao nước ngọt của anh hơn nửa tháng nay chưa bao giờ đầy, bởi bà con mong nước ngọt quá. Hễ có ghe nước nào tới, bơm lên ao thì cũng có hàng chục xe bồn xếp sẵn. Ghe nước bơm tới khuya thì các xe bồn cũng túc trực tới khuya để chờ lấy nước tủa đi cho...
Lúc nào cũng có xe chở bồn đến lấy nước ngọt miễn phí của Út Chen - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Được nhiều người sẻ chia
Út Chen tình thiệt là "ngân quỹ" vợ cấp cho 50 triệu đã cạn từ lâu. Vợ anh lo chồng ngại nên đã mở lời, nói anh cứ mua nước cho bà con, thiếu tiền thì chị… "duyệt" thêm. "Nói vậy chứ, chị Hai tui thấy em làm được nên chị cũng cho tiền để tui mua nước. Hễ có nước là tui mua. Vì người dân lúc nào cũng cần" - anh chia sẻ. Và cũng mừng là có nhiều người sẵn lòng sẻ chia, hỗ trợ anh.
Xem thêm