Người Trung Quốc 'lách luật' mua đất: Thu hồi được không?
TTO - Trong báo cáo trả lời chất vấn cử tri gửi tới Quốc hội mới đây, Bộ Quốc phòng cho biết người Trung Quốc đang sở hữu hơn 162.000 ha đất tại Việt Nam, trong đó có khoảng 6.300 ha đất biên giới, ven biển.
Khu đô thị Our City (Hải Phòng), nơi ở của nhiều người Trung Quốc - Ảnh: T.THẮNG
Việc sở hữu đất này thông qua hai hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất. Nhiều chuyên gia cho rằng đã có sự "lách luật", gian dối trong mua quyền sử dụng đất nên cần xử nghiêm.
Việc “núp bóng” người Việt để “sở hữu” đất đai là quan hệ bất chính, có dấu hiệu lừa dối, có thể quy vào tội rửa tiền, bất hợp pháp. Phải quy vào các hành vi này thì mới có thể thu hồi đất, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý đất đai. Làm như vậy thì người nước ngoài khác mới không lợi dụng kẽ hở để sở hữu đất đai trong nước.
Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC
Có vi phạm quy hoạch
Các tỉnh, thành người Trung Quốc tập trung "sở hữu" đất đai thời gian qua là Đà Nẵng 22 trường hợp, Quảng Ninh 17, Hải Phòng 16, Bình Định 9, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh có 5 trường hợp.
Thời hạn thuê đất của người Trung Quốc từ 5 - 50 năm, lĩnh vực hoạt động chủ yếu của người Trung Quốc tại khu vực biên giới đất liền và ven biển là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thủy sản, da giày, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử.
Hầu hết các lô đất thuộc "sở hữu" của người Trung Quốc đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Trung Chính - phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai - nhấn mạnh theo luật thì người nước ngoài không được quyền mua đất tại Việt Nam, họ chỉ được mua nhà ở.
Nhưng hiện chưa có quy định quản lý việc nhà đầu tư nước ngoài liên doanh, tăng vốn, mua cổ phần doanh nghiệp trong nước để sở hữu đất đai các dự án.
Việc nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần doanh nghiệp trong nước không thể hiện bằng đất mà thể hiện bằng giá trị nên họ chỉ tuân thủ các quy định về mua bán phần vốn doanh nghiệp.
Vị đại diện của Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định theo Luật đất đai, nhà đầu tư sở hữu vốn doanh nghiệp qua kênh mua cổ phần muốn sở hữu đất đai vẫn phải làm các thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, việc yêu cầu nhà đầu tư thực hiện điều này giữa hai bên (Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Tài nguyên và môi trường - PV) còn lúng túng.
Trong quá trình kiểm tra thực trạng người nước ngoài sở hữu đất đai tại TP Đà Nẵng, Tổng cục Quản lý đất đai cũng phát hiện các vi phạm về quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đất quốc phòng. Tổng cục đã chuyển thông tin về Bộ Quốc phòng để tiếp tục xử lý.
Ông Đào Trung Chính cho rằng thời gian tới cần phân định rõ nhà đầu tư sở hữu đa số cổ phần doanh nghiệp có được mở rộng hay thu hẹp mô hình doanh nghiệp không, nếu họ được quyền này đương nhiên liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.
Vệt đất cạnh sân bay Nước Mặn (Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có liên quan đến người Trung Quốc - Ảnh: HỮU KHÁ
Sửa luật để ngăn lách luật
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo cấp vụ của Bộ Kế hoạch - đầu tư cho biết Luật đất đai quy định nhà đầu tư nước ngoài không được mua đất đai từ người Việt. Nói cách khác, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần ở bất kỳ tỉ lệ nào đều không có quyền "sở hữu" đất đai.
Để khắc phục tình trạng người Trung Quốc "lách luật" mua đất, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang dự thảo Luật đầu tư sửa đổi theo hướng bổ sung quy định nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp có quyền sử dụng đất ở khu vực biên giới, hải đảo và các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia thì phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư cấp tỉnh.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký việc thực hiện góp vốn để cơ quan đăng ký đầu tư xem xét các điều kiện, thủ tục góp vốn có đáp ứng yêu cầu hay không.
Kể cả trường hợp doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại các khu vực này thời gian tới đều phải lấy ý kiến và được sự đồng ý của các bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao, vị lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng khẳng định nếu chỉ sửa riêng Luật đầu tư thì chưa thể ngăn chặn hết tình trạng người Trung Quốc "núp bóng" để mua đất đai thời gian qua.
"Cần xem lại tổng thể hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh, trong đó có Luật đất đai, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, các quy định liên quan tới cư trú, đi lại của người nước ngoài" - vị này nói.
Số doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực biên giới Việt Nam, tính đến hết tháng 11-2019 Nguồn: Bộ Quốc phòng - Đồ họa: N.KH.
Xử lý ra sao?
Dự thảo Luật đầu tư sửa đổi đã quy định việc chấm dứt dự án đầu tư trong trường hợp "nhà đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo…".
Quy định này tạo cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng chế tài xử lý trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động "đầu tư chui", "đầu tư núp bóng".
Luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch HĐQT Công ty luật BASICO, cho rằng tình trạng người Trung Quốc "núp bóng" người Việt để mua đất xuất phát từ việc cấp giấy tờ về quyền sử dụng đất thiếu đồng bộ, biết chủ sở hữu không rõ ràng vẫn cấp.
Pháp luật đang quy định theo hướng bảo vệ quyền sở hữu, ai chứng minh được sở hữu thật thì được bảo vệ, nên trường hợp mua đất nhưng không đứng tên sở hữu đất khi bị thu hồi vẫn được quy đổi ra vật chất, ra tiền, rất vô lý.
Để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng pháp luật, không để xảy ra tình trạng vi phạm, lách luật để "sở hữu" đất đai, luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm với trường hợp người Trung Quốc lách luật để "sở hữu" đất đai, trước hết cần xử lý hành chính, không thừa nhận quyền "sở hữu". Trường hợp họ chứng minh được việc gửi tiền đầu tư đất đai thì có thể trả lại tiền cho họ.
"Không có chuyện thừa nhận tài sản đất đai nên nếu mảnh đất đó giờ có lên giá thì người Trung Quốc cũng không được hưởng" - luật sư Đức nhấn mạnh.
Rà soát tổng thể các dự án liên quan Trung Quốc
Trong báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri Hải Phòng đề ngày 15-1-2020, Bộ Quốc phòng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập của Luật đầu tư, Luật đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở, không để cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng hoạt động.
Tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với cơ quan công an rà soát các hoạt động của người Trung Quốc ở địa bàn đơn vị đảm nhiệm.
Chú ý các hoạt động lợi dụng vỏ bọc đầu tư, liên kết, núp bóng để hoạt động chống phá. Kịp thời báo cáo Bộ Quốc phòng tham mưu Chính phủ chỉ đạo xử lý, ngăn chặn.
Xem thêm