Kinh tế Trung Quốc đối mặt khủng hoảng

25/07/2019 | 425 |

 

Sau khi Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy tăng GDP của Trung Quốc trong quý 2-2019 chỉ đạt 6,2%, mức thấp nhất trong gần 30 năm, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra với Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa có lối thoát.

Kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Mỹhttp://www.sggp.org.vn/kinh-te-trung-quoc-doi-mat-khung-hoang-605713.html

Kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ

Chưa có giải pháp khả thi

Theo tờ Le Figaro của Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hãm phanh là do áp lực của Mỹ và môi trường thiếu lành mạnh trong nước. Hàng ngàn công ty Trung Quốc đã phá sản nhưng Bắc Kinh dường như chưa có giải pháp khả thi. Trước hết, các biện pháp kích cầu đều thất bại. Tháng trước, Trung Quốc đã bơm vào thị trường 300 tỷ USD, không kể 80 tỷ USD được giải ngân hồi năm trước để hỗ trợ đầu tư qua chương trình xây dựng đường sắt, nhà máy điện và sân bay. Chiến lược này đã từng được áp dụng trong 2 lần khủng hoảng trước là năm 2009 và 2015. Tiếp đến, giải pháp giảm lãi suất để kích thích đầu tư đã được dự kiến, nhưng khó tránh được hệ quả làm suy yếu hệ thống ngân hàng và làm tăng lạm phát, có thể khiến người dân bất mãn.

Theo chuyên gia tài chính Edward Moya của Công ty Oanda có trụ sở tại New York (Mỹ), kinh tế Trung Quốc bị thiệt hại nặng do chiến tranh thương mại. Bức tranh còn u ám hơn vì nợ chiếm đến 250% GDP. Vụ ngân hàng Baoshang bị tái cấu trúc và ngân hàng nhà nước phải bơm vào hệ thống tài chính 127 tỷ USD là một dấu hiệu báo động. Nhật báo kinh tế Les Echos thì tiên đoán kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tăng trưởng trước 3 cú sốc cùng lúc: công nghệ, tài chính và chiến tranh thương mại. Do vậy, các biện pháp mới thúc đẩy tăng trưởng sẽ càng ngày càng ít hiệu quả.

Đối mặt làn sóng “di tản”

Tờ Les Echos nhận định bị Mỹ tấn công, Trung Quốc giờ mới thấm thía ý nghĩa câu “đất lành chim đậu”. Làn sóng doanh nghiệp “di tản” khỏi Trung Quốc chưa có thống kê chính thức nhưng thực sự đã tác động đến nhiều lĩnh vực. Paul Arling, Tổng Giám đốc Universal Electronics của Mỹ, cho biết công ty này đang điều chỉnh theo tình hình thực tế. Universal Electronics đang sản xuất điều khiển từ xa cho ti vi và một số sản phẩm khác ở Trung Quốc nhưng đã chuyển một nửa sản lượng từ cơ sở sản xuất ở Trung Quốc sang Mexico vào cuối tháng 6 vừa qua.

Goertek, hãng sản xuất đồ điện tử có quy mô lớn của Trung Quốc đang lắp ráp tai nghe AirPod của Apple, đã bắt đầu xây dựng một nhà máy ở khu vực phía Bắc Việt Nam với chi phí 260 triệu USD. Ngoài ra, còn một danh sách các tập đoàn có danh tiếng, từ xe hơi đến sản phẩm tiêu dùng chạy qua Đông Nam Á và lãnh thổ Đài Loan. Do ngày càng có nhiều nhà sản xuất Trung Quốc áp dụng các biện pháp tương tự để bảo vệ hoạt động của mình trước mức thuế suất cao nên Trung Quốc bắt đầu chịu thiệt hại nặng nề hơn.

Tuy nhiên, trang mạng ftchinese.com cho rằng vào lúc tình hình thế giới bên ngoài diễn biến phức tạp, nền kinh tế Trung Quốc đang tích cực chuyển sang phát triển hướng nội để tìm kiếm động lực tăng trưởng ở bên trong. Nhờ xu thế phát triển kinh tế hướng nội, trong 6 tháng cuối năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể ổn định ở mức 6,4%.

Các chuyên gia cho rằng cuộc đối đầu giữa Mỹ - Trung Quốc sẽ còn dai dẳng bởi tình trạng đối địch này vượt ra khỏi vấn đề thương mại, mà thay vào đó là cuộc tranh giành vị trí tối cao về kinh tế, công nghệ và quân sự toàn cầu. Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường vào năm 2050 và Mỹ muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của nước này. Một nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới khi trả lời phỏng vấn tờ The Straits Times nhận định căng thẳng giữa 2 nước chủ yếu là do sự khác biệt về hệ thống chính trị, kinh tế giữa hai nước và các cách tiếp cận hết sức khác nhau của họ.


Tin tức liên quan

Bình luận