Giảm rủi ro từ biến đổi khí hậu

06/09/2019 | 406 |

TPHCM là một trong 10 thành phố lớn bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, bao gồm cấp thoát nước, công nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, nông nghiệp và các hệ sinh thái tự nhiên. Trong đó, sản xuất nông nghiệp được đánh giá là chịu nhiều hậu quả nặng nề.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng châu Á (ADB), nông nghiệp của TPHCM sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự gia tăng phạm vi, độ sâu và thời gian ngập đối với ngập thường xuyên, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra.

Nếu không có các biện pháp kiểm soát ngập, gần 60% diện tích nông nghiệp sẽ có thể rủi ro bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các nguồn nước kênh bị ô nhiễm tràn vào đất nông nghiệp và các diện tích công cộng trống khi ngập cực đoan, có thể tạo ra mối đe dọa đối với sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, trong các điều kiện hạn hán được dự báo đến 2050, vùng ảnh hưởng mặn sẽ ảnh hưởng đến Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè nên có thể ảnh hưởng các cánh đồng nông nghiệp, rừng sản xuất và khu bảo tồn những huyện này.

Trong khi đó, các hệ sinh thái tự nhiên ở lưu vực sông Đồng Nai cung cấp các dịch vụ bao gồm giảm ngập lụt, tránh bão, điều tiết dòng chảy thủy văn, phục hồi nước ngầm, lọc nước điều tiết khí hậu, kiểm soát xói mòn, sản xuất lương thực, cung cấp gỗ và chất đốt... lại đang bị tổn thương nghiêm trọng do con người gây ra, như thay đổi hình thức sử dụng đất và phá rừng dẫn đến tăng lũ quét và xói mòn đất.

Sự phát triển nhanh của đô thị dẫn đến sự tăng nhiệt độ thông qua hiệu ứng đảo nhiệt và gây ngập. 

Giảm rủi ro từ biến đổi khí hậu ảnh 1

Biến đổi khí hậu tác động nhiều đến nông nghiệp ở thành phố

Để hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp, TPHCM cần thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng rừng, bảo đảm khai thác hiệu quả các loại rừng để duy trì và nâng cao khả năng phòng chống thiên tai, suy thoái đất; tăng cường bảo vệ, quản lý và phát triển rừng ngập mặn, các hệ sinh thái đất ngập nước.

Đặc biệt, thành phố cần tập trung các giải pháp thích nghi như: trồng các vùng đệm dọc theo các đê bao bờ sông, bao gồm các đê bao liên quan đến hệ thống chống ngập được đề xuất; quản lý và phục hồi hệ sinh thái ở huyện Cần Giờ, bao gồm sử dụng các loài hoặc giống chịu được mặn và nhiệt độ cao hơn; cải thiện quản lý tài nguyên nước và tưới tiêu, bao gồm thực hiện các biện pháp về giá, bảo tồn một cách hữu hiệu và nghiêm cấm việc sử dụng nước nhiễm mặn để tưới tiêu.

Đồng thời tái tạo rừng trong lưu vực sông Đồng Nai và thực hiện các chiến lược quản lý dòng chảy môi trường trên toàn lưu vực. Phục hồi các vùng đất ngập nước trong đô thị và phục hồi các kênh rạch, dòng sông.  

Liên quan đến lĩnh vực này, đại diện Sở TN-MT TPHCM cũng cho biết, với  mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó, thích nghi với những tác động của biến đổi khí hậu gây ra, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo sự phát triển bền vững các lĩnh vực chuyên ngành nông nghiệp - nông thôn, sở này sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN-PTNT đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cộng đồng về biến đổi khí hậu.

Đồng thời chú trọng đến việc đảm bảo sản xuất nông nghiệp đô thị ổn định, phù hợp quy hoạch tổng thể, ít phát thải; an toàn hệ thống đê điều, tăng cường mảng xanh và bảo tồn đa dạng sinh học khu vực Cần Giờ để giữ “lá phổi xanh” cho thành phố.

HẢI MINH


Tin tức liên quan

Bình luận