Đẩy nhanh chuyển đổi số ngành y tế, hướng tới quốc gia số
Ngành thông tin và truyền thông và ngành y tế đã chủ động cùng phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Thêm hai ứng dụng mới
Ngày 18/4, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19 do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế tổ chức. Đây là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của các chuyên gia công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam trong chiến dịch phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa do Viettel chủ trì đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa theo quy định của Bộ Y tế ban hành gồm: Tư vấn y tế từ xa; Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.
Sự ra đời của nền tảng này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp các bệnh viện nhanh chóng thiết lập kênh hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh cho người dân, giảm chi phí đầu tư hệ thống ban đầu, bệnh viện không cần có sẵn đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin tại chỗ để vận hành, duy trì. Nền tảng giúp triển khai đồng loạt hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hàng ngàn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu, vì vậy, hết sức có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Các bệnh viện khi triển khai thêm kênh khám, chữa bệnh từ xa sẽ giúp giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm bệnh nhân dồn về tuyến trên giúp xã hội và ngành y tế tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Người dân ở bất kỳ đâu cũng được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất.
Trong giai đoạn tiếp theo, khi phổ cập công nghệ 5G tại Việt Nam với khả năng kết nối vạn vật và xử lý thời gian thực, nền tảng sẽ còn phát triển khả năng phẫu thuật từ xa. Bác sỹ ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân ở tại Việt Nam.
Còn với ứng dụng bảo vệ cộng đồng trước đại dịch Covid-19 có tên Bluezone, mỗi người dân có thể cài ứng dụng này trên điện thoại, nhằm bảo vệ mình và cộng đồng, giúp kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của virus. Cơ quan chức năng có thể phản ứng nhanh, chính xác và kịp thời với tình hình trong khi người dân yên tâm với cuộc sống sinh hoạt bình thường, loạt bỏ tâm lý e ngại, hoang mang không cần thiết.
Bluezone là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Các smartphone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu. Nếu có F0, cơ quan y tế có thẩm quyền nhập dữ liệu F0 vào hệ thống. Hệ thống sẽ gửi dữ liệu F0 đến tất cả các smartphone trong cộng đồng Bluezone.
Khi đó, lịch sử tiếp xúc với F0 sẽ được Bluezone trên máy phân tích, so sánh. Nếu có sự trùng khớp, ứng dụng sẽ lập tức cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp. Bluezone cũng có thể giúp cảnh báo người thuộc nhóm F2 (tiếp xúc gần với F1).
Ý tưởng này ở Việt Nam được hình thành từ sớm. Nhóm Memozone trong thành phố Hồ Chí Minh đưa ra ý tưởng dùng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (BLE) gần như cùng lúc với nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm ra mắt ngày hôm nay tập hợp được trí tuệ từ nhiều nhóm phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gồm: Memozone, VNPT, MobiFone và BKAV.
Tuy chúng ta không phải quốc gia đầu tiên dùng giải pháp này, nhưng phần mềm của chúng ta đã giải quyết được cơ bản các lỗi của phần mềm trước đây đã được phát triển. Trong một vài ngày tới, sau khi App Store và Google Play đưa Bluezone lên hệ thống của mình, người sử dụng có thể cài đặt ứng dụng này. Những ai muốn trải nghiệm ngay vẫn có thể tải ứng dụng về thông qua chương trình mời sử dụng tại website bluezone.vn.
Thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế
Dịch bệnh Covid-19 đặt ra nhiều thách thức cho xã hội như vấn đề giảm tải, tránh tập trung đông người ở bệnh viện để giảm nguy cơ lây nhiễm, trang bị cho người dân công cụ để tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng và khi xuất hiện ca lây nhiễm mới, cơ quan chức năng có thể nhanh chóng xác định và thông báo cho những người tiếp xúc gần về nguy cơ lây nhiễm.
Tuy nhiên, Covid-19 cũng tạo ra cơ hội “trăm năm” cho chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã kêu gọi cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tận dụng thời cơ, nhanh hơn, quyết liệt hơn, đột phá hơn và cùng chung tay, chung sức, đồng lòng tạo ra các nền tảng và các ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng một Việt Nam số, đi đầu trong nhóm các nước xây dựng quốc gia số.
Tại Lễ khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc ra mắt ứng dụng hôm nay hết sức có ý nghĩa, kịp thời cung cấp cho người dân thêm một công cụ để tự bảo vệ chính mình cũng là bảo vệ cộng đồng. Đây cũng là xu hướng chung mà nhiều nước, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang thực hiện trong phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khoẻ và phòng bệnh dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh.
“Chúng ta hãy cùng coi đây là dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn hơn nhiều, đó là chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số” - Thủ tướng nói và mong muốn 14.000 cơ sở y tế trên toàn quốc tổ chức thành công nền tảng được khai trương hôm nay.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Covid-19 đã thúc đẩy cả ngành y tế đến lựa chọn phải chuyển đổi số nhanh nhất có thể. Việc giảm tải cho các bệnh viện sẽ giúp huy động nguồn lực khám chữa cho bệnh nhân Covid-19, đặc biệt dự phòng chuẩn bị cho những kịch bản dịch bệnh diễn biến xấu hơn.
Việt Nam có thuận lợi là có những doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin lớn mạnh, có hạ tầng rộng khắp toàn quốc, có nguồn lực tài chính và nhân lực, có thể tạo ra những hạ tầng mang tính nền tảng giúp cho chuyển đổi số nhanh những lĩnh vực lớn và quan trọng như giáo dục, y tế.
Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y Tế kêu gọi các doanh nghiệp khác cùng tham gia, không chỉ là các nền tảng, mà còn đặc biệt là các ứng dụng để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành y tế. Hai Bộ sẽ phối hợp ban hành các chuẩn mở để các hệ thống nền tảng, các ứng dụng tuân thủ các tiêu chuẩn và kết nối được với nhau.
Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục công bố các phần mềm phòng chống dịch Covid-19, cũng như các phần mềm chuyển đổi số cho các lĩnh vực, nhằm giúp Việt Nam thiết lập một trạng thái bình thường mới, góp phần đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường. |
Xem thêm