Triển vọng kinh tế toàn cầu 2024

17/01/2024 | 68 |

Các nhà phân tích chỉ ra mặc dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm hơn vào năm 2024, nhưng những kịch bản tồi tệ nhất có lẽ đã qua.

Năm 2023 kinh tế thế giới đối mặt nhiều cơn "gió ngược", từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng cho tới lạm phát tăng vọt khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất lên rất cao. 2023 cũng là năm chứng kiến sự tăng trưởng chậm hơn mong đợi ở Trung Quốc cùng các tác động đi kèm.

Lãi suất và lạm phát

Nhận định với Hãng tin Anadolu, ông Ken Wattret, phó chủ tịch phụ trách kinh tế toàn cầu tại Công ty S&P Global Market Intelligence, cho rằng đã có sự cải thiện trong một số lĩnh vực.

"Lạm phát đang giảm với tốc độ khác nhau ở các nước, nhưng xu hướng chung là giảm. Chúng ta đang tiến gần hơn đến thời điểm các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu giảm lãi suất, và hy vọng là hầu hết các đợt tăng lãi suất đều đã ở lại phía sau chúng ta", ông Wattret nói.

Vừa qua Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất chính sách 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm.

Ngân hàng Anh cũng giữ lãi suất chính sách ở mức 5,25%, trong khi Ngân hàng trung ương châu Âu duy trì các hoạt động tái cấp vốn chính, cơ sở cho vay cận biên và cơ sở tiền gửi lần lượt ở mức 4,5%, 4,75% và 4%.

Thống kê gần đây cho thấy xu hướng lạm phát giảm nhanh ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (ở mức 2,4%), ở Mỹ (3,1%) và Anh (4,6%). Các ngân hàng trung ương, chủ yếu tại các nền kinh tế lớn, cho biết họ vẫn sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài nữa, cho đến khi có thể đưa lạm phát về mức mong muốn 2%.

Một số nhà kinh tế hàng đầu dự đoán các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào giữa năm 2024, nhưng mức cắt giảm khó có thể mạnh như những đợt tăng lãi suất trong các tháng gần đây.

Ông Ahmet Ihsan Kaya, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia của Anh (NIESR), cho rằng quyết định của các ngân hàng trung ương về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất sẽ là những động lực chính cho kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

Ông dự đoán: "Khi lạm phát tiếp tục giảm, các cơ quan tiền tệ ở cả các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi sẽ bắt đầu rút lại những chính sách hạn chế từ nửa cuối năm 2024. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng quá trình này sẽ diễn ra dần dần vì mức lạm phát cơ bản vẫn quá cao so với mục tiêu đề ra".

Bớt những cơn "gió ngược"

Công ty S&P Global Market Intelligence dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ ở mức 2,3%, thấp hơn mức ước tính 2,7% của năm 2023. Còn Công ty Fitch Ratings cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 chỉ ở mức 2,1%, giảm so với ước tính 2,9% của năm 2023.

Theo báo The National (UAE), các nhà phân tích chỉ ra mặc dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm hơn vào năm 2024, nhưng điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua và các trở lực dự kiến sẽ giảm.

Ông Wattret cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho toàn cầu trong năm tới. Ông nhấn mạnh sẽ có những khác biệt quan trọng trong khu vực, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng đang chậm lại của Trung Quốc.

Theo dự báo của Công ty Fitch Ratings, GDP của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 4,5% trong năm 2024. 

Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc có thể tiềm ẩn rủi ro với tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này.

Ông Kaya lưu ý các thị trường mới nổi đang hoạt động tốt hơn các nền kinh tế tiên tiến, nhưng một số nước cũng sẽ tăng trưởng chậm lại. 

Nhà kinh tế này chỉ ra rủi ro trung hạn và dài hạn chính đối với các nước châu Á là sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc do các mối quan hệ thương mại chặt chẽ.

Ông dự đoán cả Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng trưởng chậm hơn so với những thập niên trước do lãi suất cao và các yếu tố khác.

Về Mỹ và châu Âu, ông Wattret không nghĩ sẽ xảy ra suy thoái ở Mỹ, nhưng "có lẽ giai đoạn tiếp theo là nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại giống như những gì chúng ta đã thấy ở các khu vực khác, gồm cả châu Âu".

Theo ông, hầu hết khu vực Tây Âu đã rơi vào suy thoái. Ông Brian Coulton, nhà kinh tế trưởng của Fitch Ratings, cho rằng nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ chỉ phục hồi nhẹ vào năm 2024.

Yếu tố nào quyết định?

Theo nhật báo The National (UAE) ngày 26-12, căng thẳng địa chính trị, sức khỏe của kinh tế Mỹ và Trung Quốc, biến động giá dầu, chênh lệch tăng trưởng ngày càng lớn, mức độ nợ nần toàn cầu cao đáng lo ngại và cái giá phải trả ngày càng tăng về vấn đề khí hậu... là một vài trong số những yếu tố quyết định liệu nền kinh tế toàn cầu có "hạ cánh mềm" (tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng không rơi vào suy thoái) vào năm 2024 hay không.


Tin tức liên quan

Bình luận