Cần đánh giá kỹ tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam

30/10/2019 | 419 |

Ngày 15-10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe, thảo luận báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

 

Đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, chúng ta hoàn thành toàn diện các mục tiêu kế hoạch phát triển năm 2019.

Đây là năm thứ hai liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, trong đó 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt. Tăng trưởng kinh tế đạt khá, trong khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, chất lượng cuộc sống người dân.

Cần đánh giá kỹ tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam ảnh 1Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về kinh tế - xã hội. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8%, hoàn thành mục tiêu ở mức cao theo nghị quyết của Quốc hội. Quy mô GDP tăng lên khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đạt 2.786 USD/người. Năng suất lao động đạt khá. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng; từng bước chuyển sang dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức 2,7% - 3%. Thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối ổn định, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Tổng thu ngân sách nhà nước ước vượt 3,3% dự toán; tổng chi cân đối ước đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng; bội chi khoảng 3,4%GDP; nợ công giảm còn 57%GDP. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33,8%GDP, đạt mục tiêu đề ra.

Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, tồn tại và khó khăn, thách thức như kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm; tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, còn xảy ra thất thu, trốn thuế...

Trên cơ sở dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước, Chính phủ xác định mục tiêu năm 2020 là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Kiểm soát tiền, tài sản để chống tham nhũng

Thảo luận về báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua đã làm quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nét mới của công tác phòng, chống tham nhũng năm qua đã chứng minh được yếu tố chiếm đoạt, khởi tố một số vụ, điển hình là vụ án liên quan đến ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn. Việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng khá hơn; nhiều kết luận thanh tra nghiêm minh, kịp thời.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ lập tổ chuyên trách nghiên cứu để chỉ ra được con đường đi của các vụ đại án tham nhũng là ở đâu. “Nếu cứ mải mê đi chống tham nhũng mà không tìm ra được con đường tham nhũng thì không hiệu quả.

Mặt khác, phải quản được đường đi của tài sản, của tiền thì mới chống tham nhũng được. Các quốc gia chống tham nhũng được là do họ kiểm soát được đường đi của tiền, tài sản”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt cả 12 chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, bức tranh tổng thể là đẹp; chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ tác động của thế giới đối với nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2020, nhất là tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để có giải pháp, kịch bản để ứng phó.

Cùng với đó là đánh giá kỹ tình hình biển Đông; tình hình an ninh trật tự (mua bán ma túy, tai nạn giao thông..); biến đổi khí hậu, bão lũ thiên tai; ô nhiễm môi trường; nợ công, bội chi.. để có những giải pháp hiệu quả nhất cho năm 2020.

Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đề nghị, cần chú ý nhiều hơn đến các vấn đề xã hội như: dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tránh sự ách tắc, trì trệ...

“Vấn đề ô nhiễm môi trường, nước, không khí, rác thải.. cần được công khai minh bạch. Cần xử nghiêm để tránh tình trạng doanh nghiệp giấu giếm như vụ cháy tại Công ty Bóng đèn Rạng Đông, ô nhiễm ở Công ty nước sông Đà...”


Tin tức liên quan

Bình luận