Nhen lên tình yêu cây xanh

28/07/2020 | 410 |

TTO - Vài câu chuyện gần đây quanh số phận các cây cổ thụ cho thấy một tình yêu đặc biệt với cây xanh đang dần được nhen lên, nảy nở mạnh.

Đây thật sự là một cây di sản, phải bảo tồn - Ảnh 1.

Cây si ở sân biệt thự số 54 Trần Hưng Đạo, Hà Nội vừa được cứu - Ảnh: TIẾN VŨ

1. Mới đây, công trình trụ sở mới của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam đã phải chậm tiến độ khởi công tại khu đất biệt thự số 54 Trần Hưng Đạo, Hà Nội chỉ vì để cứu một cây si cổ ở đó. 

Ông Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam - cho biết vào phút cuối chuẩn bị khởi công xây dựng trụ sở mới vào cuối năm ngoái, ông bất ngờ nhận ra công trình mới này khiến cây si cổ trước sân phải bị chặt bỏ.

Đó là gốc si già mà thời điểm cựu hoàng Bảo Đại làm cố vấn tối cao Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam những năm 1945-1946, mỗi lần tới Hà Nội và sống ở căn biệt thự số 54 Trần Hưng Đạo, thường hay trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 "Đây thật sự là một cây di sản, là chứng nhân của lịch sử, phải bảo tồn". Nghĩ vậy và ông Hữu Thỉnh quyết định điều chỉnh bản thiết kế của tòa nhà, bất chấp việc xây dựng bị chậm tiến độ.

2. Mấy hôm nay, thông tin về cây xà cừ cổ thụ trước sân Cung Thiếu nhi Hà Nội từng gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Hà Nội bỗng nhiên bị chặt bỏ được lan truyền trong giới kiến trúc sư và những người làm việc với không gian công cộng ở Hà Nội.

Nhiều câu hỏi được đặt ra về "cái chết" của cây. Sau khi Cung Thiếu nhi Hà Nội cho biết lý do họ phải chặt cây là vì cây bị chết, các kiến trúc sư và những người yêu Hà Nội vẫn tiếp tục bàn luận về những giải pháp đẹp hơn cho cái cây và cộng đồng, so với việc chỉ đơn giản là chặt bỏ hoàn toàn.

Họ cùng bàn luận về một giải pháp vừa chặt cây giữ an toàn, vừa tận dụng cơ hội để tiếp tục duy trì ký ức về cái cây và mảnh hồn của nơi chốn mà cái cây từng tồn tại, hi vọng có thể áp dụng được cho những trường hợp phải chặt cây sau này.

PGS.TS Phạm Thúy Loan - viện phó Viện Kiến trúc quốc gia thuộc Bộ Xây dựng, người đầu tiên lên tiếng về việc chặt cây cổ thụ này - cho biết ở Nhật Bản họ có cách xử lý những câu chuyện tương tự rất hay. Đó là với những cây phải chặt bỏ, họ giữ lại khoảng 3m gốc cây, biến nó thành một tác phẩm điêu khắc, một biểu tượng, gắn thêm biển giới thiệu về cây.

3. Gần như đồng thời với câu chuyện ồn ào chặt cây cổ thụ ở Cung Thiếu nhi Hà Nội, chủ tịch xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An - ông Phạm Xuân Bang - vừa có thư ngỏ gửi đến những người con của xã Diễn Kim ở khắp mọi miền đất nước kêu gọi đóng góp tiền của để cứu cây gạo cổ thụ của xã đang bị bệnh.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Bang cho biết cây gạo có tuổi đời hàng trăm năm, từ lâu đã trở thành biểu tượng của làng bởi cây rất cao lớn, như ngọn hải đăng trăm năm bền bỉ dẫn đường cho những người con quê hương biết tìm về làng. 

Hai năm nay cây bắt đầu đổ bệnh, dần héo úa, dân làng đã tìm nhiều "bác sĩ" để cứu chữa cho cây. Mới đây, một "bác sĩ" giỏi hứa có thể chữa được bệnh cho cây, dân làng rất mừng rỡ. 

Vậy là không ai bảo ai, trong làng xã, người 30.000 đồng, người 50.000 đồng mang đi góp quỹ cứu cây. Cùng với sự hỗ trợ từ những người con thành đạt xa quê, chỉ sau ít ngày gửi thư ngỏ, quỹ cứu cây gạo đã nhận được hơn 100 triệu đồng.

Chẳng riêng cây gạo ở Diễn Kim nhận được yêu thương nồng hậu của người dân địa phương như vậy, vài năm trước, một cây gạo cổ thụ ở xã Diễn Trường cùng huyện cũng được cứu sống bằng tiền quyên góp của một dòng họ trong xã.

Những câu chuyện cứu cây rất "dễ thương" và cảm động này không được mấy người biết tới, nhưng chúng vẫn từng ngày được nhân lên trong cộng đồng như một tín hiệu đẹp đẽ cho một cuộc sống giàu văn hóa và nhân văn hơn trong xã hội.


Tin tức liên quan

Bình luận