Hi vọng mong manh của người thất nghiệp
TTO - Gần như không có dự báo chắc chắn nào cho những người có thu nhập thấp, còn được gọi là "những người dễ bị tổn thương nhất" nước Mỹ trong cơn khủng hoảng do dịch COVID-19 lần này.
Người dân bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế ở thành phố Chicago (tiểu bang Illinois) sẽ được cấp một khoản tài trợ 1.000 USD/người - Ảnh: Reuters
Tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ - một trong những thành công trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump - đang có nhiều nguy cơ bị đại dịch COVID-19 làm cho phá sản.
Thậm chí đã có dự báo là tình hình còn thê thảm hơn giai đoạn 2008 - 2009 được coi là khủng hoảng tài chính - kinh tế nặng nề nhất của Mỹ khi có tới 10% lao động Mỹ thất nghiệp.
Theo thông tin từ Ủy ban Lao động Mỹ, số người lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày có lệnh cách ly cộng đồng đã vượt qua con số 4 triệu.
Chiều 28-3 (sáng 29-3, giờ VN), Thống đốc bang Illinois J.B. Pritzker thừa nhận trong cuộc họp báo là đã có trên 130.000 người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, con số này dường như chẳng nói lên điều gì.
Con số thực tế còn cao hơn rất nhiều khi người lao động Mỹ cho biết họ không thể nào kết nối được với sở lao động của tiểu bang khi không chỉ đường điện thoại mà cả trang web của bộ phận này luôn tắc nghẽn.
Với cộng đồng người Việt ở Mỹ, số lượng người lao động tự do chiếm tỉ lệ khá lớn là nhóm làm trong các nhà hàng, tiệm làm móng, chăm sóc sắc đẹp... Ngay từ khi có lệnh cách ly cộng đồng, lực lượng lao động này là những người bị tổn thương nhất khi ngay lập tức phải ngừng làm việc. Cuộc sống lập tức bị đảo lộn.
Nhưng thiệt hại nặng hơn có lẽ là các ông bà chủ. Khi buộc phải đóng cửa tiệm, nhà hàng..., họ không chỉ mất nguồn thu nhập mà còn phải trả tiền thuê tiệm, tiền điện, nước, gas, Internet và khoản tiền trời ơi là tiền rác (làm gì có rác mà đổ)!
Đã có những mẫu đơn dành cho các chủ tiệm, nhà hàng xin miễn, giảm tiền thuê mặt bằng. Nhưng phần lớn đều bị từ chối bởi các chủ cho thuê mặt bằng (là doanh nghiệp hẳn hoi) cũng đang gặp khó khăn.
Hiện nay trong cộng đồng người Việt ở Mỹ đang truyền nhau "bí quyết" xin khất nợ hoặc trả chậm (dễ được chấp nhận hơn) để tạm qua cơn khủng hoảng này. Cho đến hôm nay (28-3), ngày thứ 7 của lệnh cách ly xã hội, chỉ mới nghe nói chính quyền tiểu bang Florida có gói ngân sách cho các doanh nghiệp nhỏ vay 50.000 USD không tính lãi.
Để hỗ trợ cuộc sống cho những người lao động có thu nhập thấp đang hưởng chế độ nhà chính phủ (housing), chính quyền nhiều tiểu bang đã quyết định bãi bỏ lệnh trục xuất (vi phạm nội quy hoặc thiếu nợ liên tục các loại phí).
Đặc biệt các bộ phận dịch vụ điện nước, gas, Internet đều cam kết không ngưng phục vụ cho người thu nhập thấp, dù họ thiếu tiền ít nhất cho đến hết tháng 4.
Cũng như các tiểu bang khác, bang Illinois nơi tôi ở có tới 86.000 người vô gia cư, tức những người gần như không có khả năng tự cách ly.
Chính quyền dự tính trang bị các điều kiện tối thiểu cho 2.800 căn hộ chưa có người ở trong bang để làm "nhà cách ly" cho những người sống trên đường phố.
Chiều 28-3, có thông tin tích cực từ thị trưởng thành phố Chicago, thành phố đông dân nhất tiểu bang Illinois.
Bà Lori Lightfoot cho biết thành phố này sẽ cấp một khoản tài trợ 1.000 USD một lần cho những cư dân bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế nhưng không nói rõ là đối tượng nào, cũng như đây là khoản tiền ứng trước từ tiền hỗ trợ của chính phủ hay là khoản riêng của thành phố.
Rõ ràng, dịch COVID-19 không chỉ làm lung lay hệ thống y tế Mỹ mà còn làm cho nền kinh tế của siêu cường này rối tung.
Khoản tiền trợ cấp trong đại dịch có thể giúp sống tằn tiện (dù chưa nhận được) trong một đến hai tháng. Nhưng sau đó thì sao? Nhất là khi các khoản nợ từ nhà, xe, học phí, bảo hiểm các loại ngày một chất chồng...
Xem thêm