Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường
(TBKTSG) - Cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 rồi cũng sẽ qua đi, nó để lại cho nhân loại nhiều bài học quý báu, đặc biệt trong sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. GS.BS. Đinh Xuân Anh Tuấn, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp tại Bệnh viện Cochin Paris, đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
TBKTSG: Dịch Covid-19 khiến chúng ta suy ngẫm lại về mối quan hệ giữa con người và môi trường. Cái giá của phát triển kinh tế là sự tàn phá môi trường. Liệu có giải pháp nào cho sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ hệ sinh thái? - GS.BS. Đinh Xuân Anh Tuấn: Covid-19, cũng như SARS trong những năm 2002-2004, hay MERS là những bệnh lây nhiễm, gây ra bởi những con virus thông thường nơi các loài thú nhưng trên nguyên tắc không có khả năng lây lan qua người. Tuy nhiên, vì một sự cố nào đó, sự lây lan từ thú qua người đã xảy ra với mức độ nguy hiểm rất cao vì chế độ miễn dịch của loài người đã không đủ thời gian tiếp cận để tìm ra phương cách khắc phục những loại vi khuẩn mới, chưa từng gặp. Nhận thức được việc này, có thể thấy rằng bảo vệ môi trường không những sẽ mang đến những kết quả tốt về lâu về dài cho đời sống và sức khỏe con người, mà còn có khả năng ngăn ngừa những nguy cơ lây lan vi khuẩn từ thú qua người như đã đề cập ở trên. Một cách cụ thể, chúng ta có thể nói rằng nếu loài người đã không xâm lấn quá mức vào khoảng không gian sinh thái của loài dơi, vốn là động vật có khả năng nuôi sống tự nhiên từ hàng chục triệu năm qua rất nhiều loại virus thuộc hệ Corona như SARS-CoV (gây ra bệnh SARS) hay SARS-CoV-2 (gây ra bệnh Covid-19), thì những con virus này sẽ không lây nhiễm qua con người và gây bệnh cho con người. Những năm đầu thế kỷ 21, chúng ta nhận thức rằng sự phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, như thế cả hai lĩnh vực mới có thể song hành một cách lâu dài, theo đúng nghĩa của sự phát triển bền vững. Hôm nay, chúng ta lại càng nhận thức rõ ràng hơn mối nguy hại của việc hủy diệt môi trường với Covid-19 và những hậu quả tức thời đã và sẽ còn tiếp tục gây tử vong cho rất nhiều người, chưa kể đến những ảnh hưởng trầm trọng sẽ đến với nền kinh tế toàn cầu. TBKTSG: Covid-19 đã thúc đẩy quá trình số hóa nhanh hơn bình thường, không chỉ trong lĩnh vực thương mại điện tử mà ngay cả trong khám chữa bệnh. Các công ty bảo hiểm lớn đều có gói bảo hiểm chi trả cho việc khám chữa bệnh từ xa. Ông có nghĩ đây là xu hướng khám chữa bệnh trong tương lai? - Khám chữa bệnh từ xa chỉ phản ảnh một phần trong rất nhiều sự thay đổi đang đến với chúng ta. Trong đại dịch Covid-19, việc khám chữa bệnh từ xa có những ưu điểm đương nhiên và rõ ràng khi giúp cho bác sĩ và bệnh nhân tránh nguy cơ truyền bệnh và lây bệnh. Tại các quốc gia như Việt Nam, khám bệnh từ xa sẽ là một giai đoạn sàng lọc tốt để chẩn bệnh và phân loại nặng nhẹ cho bệnh tình của mỗi người, từ đó có thể điều phối số bệnh nhân nhập viện một cách hữu hiệu hơn, hầu giảm thiểu tình trạng quá tải. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, việc khám bệnh từ xa cũng chỉ là phương cách hỗ trợ chứ không thể thay thế cho việc khám bệnh tại chỗ, mặt đối mặt giữa bác sĩ và bệnh nhân, nhất là đối với những trường hợp bệnh phức tạp hay cần phải xử lý hay can thiệp chữa trị ngay tức thời. TBKTSG: Ông có cho rằng dịch Covid-19 sẽ quay lại do virus biến đổi không ngừng và việc nghiên cứu vaccin chưa theo kịp? Làm sao có thể ngăn chặn điều đó? - Hiện có rất nhiều giả thuyết về khả năng biến hóa của virus SARS-CoV-2 và quá trình của bảy loại coronavirus đã và đang gây bệnh nơi người. Trước hết, nói đến bệnh Covid-19, các nhà khoa học đều đồng ý là khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2 sẽ giảm và sẽ ngừng khi số người có kháng thể đông hơn số người chưa mắc bệnh. Tuy nhiên tình trạng này chỉ có được khi hơn quá bán dân cư trên thế giới hoặc đã bị bệnh hoặc đã được tiêm chủng bằng vaccin hữu hiệu. Việc bào chế và thử nghiệm vaccin hiện đang là vấn đề ưu tiên hàng đầu của thế giới. Bằng không, số tử vong - cho dù chỉ là 1% trên tổng số người bị nhiễm, cũng sẽ rất cao (35-38 triệu người). Dĩ nhiên đây là điều chúng ta không thể chấp nhận. Một khi tìm ra được vaccin để ngăn ngừa sự lây lan của SARS-CoV-2, chúng ta còn phải mong rằng con virus này sẽ không biến dạng, và chuyển đổi bộ gen hầu nâng cao khả năng xâm nhập và hủy hoại tế bào trong cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, cũng có những giả thuyết khác lạc quan hơn, cho rằng SARS-CoV-2 cũng có thể biến dạng để trở thành một loại virus thông thường, không gây tử vong. Giả thuyết này dựa trên những nghiên cứu chứng minh rằng bên cạnh ba loại coronavirus ác tính hiện nay là SARS-CoV, MERS-CoV và SARS-CoV-2, còn bốn loại coronavirus khác thuộc loại “lành” chỉ gây ra cảm cúm thông thường. Trong đó có virus OC43 với tiền thân là một loại coronavirus ác tính đã gây tử vong cho hơn một triệu người vào cuối thế kỷ 19 nhưng nay đã biến thành một loại virus không làm chết người. TBKTSG: Tham gia ban huấn luyện Hack4growth lần này có ý nghĩa gì với ông? Ông có lời khuyên nào dành cho các đội tham gia? - Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu - AVSE Global có trụ sở tại Paris, tiên phong trong tư vấn chiến lược, đào tạo quản lý cấp cao và tổ chức diễn đàn chuyên môn thông qua kết nối chuyên gia, trí thức người Việt toàn cầu để đóng góp cho Việt Nam. AVSE Global có mặt trên 20 quốc gia, với hơn 300 hội viên quy tụ hơn 2.000 chuyên gia và là mạng lưới của trên 10.000 chuyên gia toàn cầu. Hack4Growth là một cuộc thi về ý tưởng, giải pháp, sản phẩm đổi mới sáng tạo do AVSE Global tổ chức bao gồm 2 đợt. Đợt 1: Kiến tạo nền tảng và Văn hóa đổi mới, sáng tạo vì Việt Nam. Đợt 2: Chung tay tìm ra giải pháp và truyền cảm hứng, niềm tin hành động vượt qua khó khăn kinh tế, xã hội trong và hậu Covid-19. Hạn chót nộp bài: 30-6-2020. Tôi xin chúc tất cả các bạn may mắn. Sẽ có đội thắng, đội thua nhưng tôi tin rằng tất cả sẽ giàu thêm kinh nghiệm và kiến thức sau cuộc thi này. Và tất cả đều sẽ thắng khi đã khắc phục và vượt lên cao hơn những giới hạn của chính mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi Đổi mới sáng tạo Hack4Growth - Covid Endgame
|
Xem thêm