Thúc đẩy quản trị điện tử

04/05/2020 | 434 |

Theo bảng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2019 được Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố trực tuyến ngày 28-4, có 16 tỉnh thành, với phổ điểm từ 44,8 - 46,74 điểm, thuộc nhóm điểm tốt nhất

 

Theo bảng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2019 được Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố trực tuyến ngày 28-4, có 16 tỉnh thành, với phổ điểm từ 44,8 - 46,74 điểm, thuộc nhóm điểm tốt nhất. Trong đó, Bến Tre, Đồng Tháp và Quảng Ninh là 3 tỉnh đạt mức điểm tổng hợp cao nhất trên bảng chỉ số (trên 46,6 điểm). Bến Tre có điểm cao nhất là 46,74 điểm, với 7 chỉ số thành phần có điểm ở mức cao nhất, trừ chỉ số Chính phủ điện tử có điểm trong nhóm thấp.

Nhóm có điểm số cao gồm 16 tỉnh, phổ điểm 43,72 - 44,72. TPHCM nằm trong nhóm này với 43,79 điểm, tăng hơn mức điểm 42,4 của năm 2018, nhờ tăng điểm ở 4 chỉ số: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; cung ứng dịch vụ công; quản trị điện tử; trách nhiệm giải trình với người dân. Có 2 chỉ số của TPHCM nằm trong nhóm điểm số cao nhất nước là cung ứng dịch vụ công (7,47 điểm) và quản trị điện tử (4,33 điểm). Nhóm điểm số trung bình thấp có 15 tỉnh, dải điểm 42,38 - 43,7. Trong 16 tỉnh còn lại nằm trong nhóm điểm số thấp nhất, có Hà Nội với mức điểm 42,53; Hải Phòng 41,54 điểm; Hưng Yên 41,25 điểm. Thấp nhất trong bảng xếp hạng điểm tổng hợp là Bình Định với 40,84 điểm.

PAPI năm 2019 được xây dựng trên cơ sở khảo sát 14.138 công dân Việt Nam (được lựa chọn ngẫu nhiên ở 63 tỉnh thành) về 8 chỉ số nội dung, gồm 6 chỉ số nội dung gốc (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công) và 2 chỉ số nội dung mới bổ sung từ năm 2018 (quản trị môi trường và quản trị điện tử). Nhìn vào chuỗi chỉ số gốc nhiều năm trở lại đây, điểm số trung bình cấp tỉnh của 6 lĩnh vực này tăng (từ 34 điểm năm 2015 lên 37,4 điểm năm 2019) cho thấy, xu hướng cải thiện trong hiệu quả quản trị cấp tỉnh của nhiệm kỳ Chính phủ năm 2016-2021. Trong đó, tiến bộ lớn nhất được ghi nhận là ở lĩnh vực kiểm soát tham nhũng khu vực công và nâng cao công khai, minh bạch trong việc ra quyết định. Tỷ lệ người dân nhận định năm 2019 tham nhũng giảm mạnh ở cấp quốc gia và cấp xã phường tăng 5% so với năm 2018.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn không có địa phương nào trong cả nước đạt điểm tối đa (80 điểm) và số điểm các tỉnh thành đạt được so với điểm tối đa vẫn còn khá xa. Tuy vẫn đứng đầu cả nước, nhưng với 46,74 điểm, năm 2019, Bến Tre đã giảm 0,76 điểm so với năm 2018 (47,5 điểm). Dù thành quả kiểm soát tham nhũng được người dân ghi nhận nhưng vẫn còn một tỷ lệ đáng kể (từ 20%-45%) người dân cảm nhận tham nhũng “còn phổ biến” trong một số dịch vụ công. Cũng không khó để nhìn thấy đói nghèo - lao động - việc làm vẫn nằm trong nhóm vấn đề quan ngại lớn hơn cả kể từ năm 2015 đến nay, bất chấp việc trong năm 2019, nền kinh tế đã tăng trưởng nhanh và tạo ra nhiều việc làm mới. Trong những tháng tới, kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nên chắc hẳn những lo ngại này vẫn chưa thể lắng dịu.

Đáng nói là, tuy việc Chính phủ ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia vào tháng 12-2019 và được đánh giá là bước tiến quan trọng trong định hướng đẩy mạnh Chính phủ điện tử, song điểm số của lĩnh vực thủ tục hành chính công gần như không thay đổi, thậm chí còn giảm nhẹ trong năm 2019. Trong bối cảnh dịch Covid-19, đã cho thấy hơn bao giờ hết, khả năng quản trị điện tử có tầm quan trọng rất lớn. Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, nhận xét, PAPI năm 2019 chỉ ra rằng, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và thúc đẩy quản trị điện tử cần được ưu tiên trong chương trình đổi mới của Chính phủ.

Được khởi xướng từ năm 2009, trong suốt hơn 10 năm qua, báo cáo PAPI thường xuyên nhắc nhở chúng ta rằng, mặc dù xu hướng chung là đáng lạc quan nhưng nhiệm vụ cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công vẫn còn rất nặng nề, để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển cho chặng đường 10 năm và xa hơn nữa.


Tin tức liên quan

Bình luận