Đừng "bắt", mà hãy cùng con

18/05/2020 | 408 |

TTO - Gần gũi, đồng hành cùng con trong học tập, vui chơi, cha mẹ sẽ giúp con mở ra những bầu trời mới về tư duy, sáng tạo.

 

Đừng bắt, mà hãy cùng con - Ảnh 1.

Không nên để trẻ “đơn độc” trong hành trình tìm kiếm, chinh phục tri thức. Trong ảnh: cùng con mua sách - Ảnh: N.HUY

Trong những ngày giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, tôi nhận khá nhiều tin nhắn hỏi "Anh ơi, anh có bài thơ mới nào không cho em xin để đọc cho con nghe?", hoặc "Em cần bài thơ về chủ đề này mà em tìm không thấy, anh cho em xin nhé"... Nhiều người khác kể và gửi cho tôi những tấm hình hoặc video ghi lại cảnh con cháu tập đọc, tập viết những bài thơ từ tập thơ của tôi.

Cần sự dẫn dắt

Có 3 trường hợp tôi ấn tượng nhất. Đó là một bà mẹ ngồi cùng con, vừa dạy con đọc thơ, vừa dạy con viết chính tả từ những bài thơ tôi viết. Chị trả lời hoặc kết nối với tôi để giảng giải cho con từng câu, từng ý, từng hình ảnh mà trẻ chưa biết, chưa hiểu.

Trường hợp khác là một gia đình người Việt sống tại Nhật Bản. Để dạy con học tiếng Việt, họ mua sách của tôi. Ngày ngày, bà mẹ giao cho hai con trước tiên là tự đọc những bài thơ, sau đó bà mẹ sẽ chỉnh âm, chỉnh vần, chỉnh dấu sao cho đúng. Rồi chị ghi lại những video đó để cho con nghe lại và có thể tự học.

Cuối cùng là về những người lập nhóm trên mạng xã hội để tổ chức đọc thơ và mời tôi tham gia đọc thơ, giảng thơ để truyền cảm hứng cho trẻ.

Tôi kể như vậy để thấy sự dẫn dắt của người lớn trong khi học, khi chơi với trẻ thường ngày có ý nghĩa quan trọng với trẻ con nhường nào. Trên thực tế thì đó không phải là điều mới mẻ gì, nhưng không phải ai cũng biết, cũng hiểu được ý nghĩa, giá trị quan trọng đó và cũng không phải ai cũng để tâm, chú ý thực hiện.

Khơi nguồn tư duy

Anh bạn tôi làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, một ngày trò chuyện với tôi rằng: "Hôm trước tôi bất ngờ quá. Cu con nhà tôi đọc thơ của ông rồi đòi tôi làm cái chong chóng và bắt tôi đưa ra bờ đê chạy chong chóng y như bài thơ ông viết. Tự dưng thấy thương chúng nó!".

Rồi một chị khác thì bảo: "Tôi đến mệt. Bé nhà tôi đọc thơ ông viết xong cứ liên mồm hỏi mo cau là gì? Đi bắt ve sầu như thế nào? Sao lại chơi cỏ gà? Bài nào tôi giải thích được thì nó vui lắm, nó bảo nhiều trò hay thế. 

Nhưng có hôm về hỏi thì bảo: chú này viết buồn cười, trâu bò, cây cỏ với mây gió có nói chuyện được đâu mà cứ bảo đấy là "bạn của con người". Con chả hiểu. 

Đến khi tôi giải thích với đại ý những loài cây, con vật hay hiện tượng tự nhiên đều có ích, thân thiết với cuộc sống đều là bạn của con người thì cu cậu hiểu ra và cười rất vui, thậm chí còn hóm hỉnh gọi: "Ê bạn cá ơi, ra đây chơi" khi đùa với con cá cảnh trong bể nước".

Đúc rút từ những câu chuyện thực tế, tôi thấy rằng sự dẫn dắt và truyền cảm hứng của các ông bố, bà mẹ chính là sự khơi nguồn tư duy cho trẻ. Nếu như chỉ dừng lại ở việc "bắt con đọc sách", khi đó trẻ có thể đọc đúng nhưng chưa chắc đã hiểu và cảm nhận được kiến thức, hình ảnh cũng như vẻ đẹp của ngôn ngữ và vần điệu thơ ca - mặc dù thơ là thể loại dễ đọc và đọc dễ với trẻ. 

Khi trẻ vấp phải những điều chưa tiếp cận, chưa biết - kiểu như cỏ gà, mo cau, sao hôm, sao mai... - thì sẽ không hiểu và ngay lập tức cả bài thơ trở nên vô nghĩa. Nhưng nếu có người dẫn dắt và giảng giải để trẻ hiểu thì mọi việc trở nên trọn vẹn.

Những bài thơ đầu tay

Có hai bà mẹ gửi cho tôi hai bài thơ do những đứa con dưới 10 tuổi của mình viết. Những câu chữ còn vụng về, những câu thơ đôi chỗ còn lệch vần... nhưng tràn đầy sự hồn nhiên, trong sáng.

Đó là những bước chập chững đầu tiên của nhịp chuyển từ tư duy tiếp nhận ngôn ngữ, hình ảnh, kiến thức bên ngoài qua kênh chú tâm và sự phấn khích sang kỹ năng hiểu, sử dụng và trở thành "cái của mình".

Hai bà mẹ cho biết những bài thơ đầu tay đó là kết quả của quá trình mẹ con đọc thơ, bình thơ cùng nhau, qua đó con được truyền cảm hứng và khám phá ra những năng lực đặc biệt của mình.

Không để trẻ đơn độc

Cùng là đọc thơ và nghe, nhưng khi bạn tôi mở những bài thơ thu âm từ YouTube thì đứa con hoặc không nghe, hoặc nghe nhưng để bài đọc trôi qua trơn tuột. Nhưng cũng bài thơ ấy, bạn tôi ngồi bên cạnh và đọc, chú bé lắng nghe, hỏi han, trao đổi, thậm chí là nhận xét và bày tỏ quan điểm hay - không hay, thích - không thích và liền bảo "mẹ đọc bài tiếp đi"...

Hơn thế nữa, khi trực tiếp dẫn dắt và truyền cảm hứng, trẻ sẽ cảm nhận được tình cảm, trách nhiệm qua giọng đọc của người thân cũng như những hành động trìu mến từ người lớn dành cho mình.


Tin tức liên quan

Bình luận