Chàng trai trẻ với dự án khởi nghiệp văn hóa độc đáo

18/06/2020 | 384 |

Với “Đại Nam hội quán’, Tính không dám khẳng định có thể kéo cộng đồng quay về với văn hóa truyền thống mà chỉ hi vọng đây là cầu nối giúp người trẻ có cái nhìn lạc quan hơn về văn hóa Việt xưa.

 

 

Với “Đại Nam hội quán’, Tính không dám khẳng định có thể kéo cộng đồng quay về với văn hóa truyền thống mà chỉ hi vọng đây là cầu nối giúp người trẻ có cái nhìn lạc quan hơn về văn hóa Việt xưa.

 

Đại Nam hội quán là dự án của Lương Hoài Trọng Tính (sinh viên năm cuối Trường ĐH Tôn Đức Thắng). Thông qua dự án này, Tính còn nghĩ đến chuyện khởi nghiệp từ văn hóa để có nguồn thu những buổi workshop, chương trình văn hóa… phục vụ cho đam mê.

Dự án độc đáo

May mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo tại Trà Vinh nên từ nhỏ, cậu sinh viên Lương Hoài Trọng Tính đã được ông bà dạy về văn hóa xưa, từ cách đi đứng, ăn mặc cho đến lời ăn tiếng nói hằng ngày. Ban đầu, Tính thấy đây là một điều cứng nhắc, nhàm chán, khô khan, khó thực hiện. Nhưng, khi bước vào ngưỡng cửa đại học, phải sống trong cảnh xa nhà, không còn được ông bà chỉ dạy nữa, Tính mới thấy sao mình yêu quá đỗi những nét văn hóa đặc trưng của người Việt.

 

 

Lương Hoài Trọng Tính

Đam mê ngày một lớn dần, từ nền tảng ban đầu, Tính dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu, thu thập tài liệu. Qua mỗi chuyến đi về các tỉnh miền Tây, ngoài việc tìm hiểu về văn hóa, nếp sống của người dân, Tính còn nhờ những người lớn tuổi kể lại nếp sống ngày xưa. Ghi chép cẩn thận từng lời kể, đối chiếu với sách vở và lọc ra những thông tin đáng tin cậy để chia sẻ trên trang fanpage mang tên “Đại Nam hội quán” do Tính xây dựng.

Thấy dự án của Tính hấp dẫn, độc đáo, nhiều bạn trẻ dù làm những công việc khác nhau, nhưng cũng dành thời gian gia nhập nhóm. Đến nay, số thành viên của nhóm đã lên hơn 10 bạn, đa số ở độ tuổi 9X.

Không chỉ chia sẻ thông tin dự án lên mạng xã hội, Tính và nhóm của mình còn bỏ tiền túi tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, giao lưu để tái dựng những nét văn hóa hay, đánh vào sự tò mò của mọi người. 

“Ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… có nền công nghiệp văn hóa rất phát triển, bởi vì họ có cách lan tỏa văn hóa truyền thống, nhất là khi đưa nét đặc sắc này vào học đường, phim ảnh. Nước mình muốn vậy phải khơi gợi, giúp đỡ những người yêu thích văn hóa để khi họ bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu mà không bị đơn độc” - Tính chia sẻ.

Để “lôi kéo” được các bạn trẻ, trước khi thực hiện chương trình, nhóm tổng hợp nhiều video liên quan đưa lên fanpage trước khoảng 1 tháng, sau đó thường xuyên nhắc nhở mọi người sự kiện sắp tới. Để mọi người có thể tìm hiểu chương trình trước khi diễn ra và tránh trường hợp “treo đầu dê, bán thịt chó”, các thành viên trong nhóm còn viết những bài viết nhỏ để mọi người lướt facebook có thể nắm bắt.

“Bằng cách này, tụi mình mới có thể đánh vào tâm lý tò mò của khán giả vì ai cũng có niềm yêu văn hóa, lịch sử, nhưng chưa có chất xúc tác và người “truyền lửa” nên chưa thấy được cái hay, hứng thú. Do đó, thông qua các video, thông tin được đăng tải “sương sương” họ có thể hình dung, thấy được sự độc đáo của các phong tục Việt để đặt câu hỏi và tìm đến chương trình” - Tính bật mí.

 

 

 

Các thành viên trong dự án Đại Nam hội quán và khách tham dự trong chương trình “Kể chuyện xưa nghe chơi”

Nhớ lại những ngày đầu, Tính kể nhóm bạn phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi mua cái này, thuê cái kia để làm sao bày biện đúng kiểu xưa. Chương trình nhấn mạnh nhạc lễ, y phục, bởi muốn tìm hiểu văn hóa, đầu tiên, mọi người phải hiểu về âm nhạc, trang phục...

"Niềm vui sướng nhất là những buổi ban đầu diễn ra thành công tốt đẹp, với lượng khách tham dự hơn 70 người, trong đó hơn 50% khách là người nước ngoài, chương trình có người phiên dịch. Xong chương trình có người còn ở lại hỏi, tư vấn về phong tục, tập quán, cách ăn ở của người Việt Nam”, Tính hào hứng.

Tính chuyện khởi nghiệp

Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, dự án “Đại Nam hội quán” đang tạo được lòng tin trong đông đảo bạn trẻ, những người quan tâm đến văn hóa Việt xưa. Mới đây, Tính cùng những người bạn trong dự án đã tổ chức một chương trình biểu diễn tái dựng lễ cưới xưa tại nhiều vùng miền khiến người xem thích thú, trong đó nổi bật nhất là đám cưới của người Nam Bộ. Khoác lên mình bộ trang phục truyền thống xưa, cô dâu chú rể cùng nhau bước vào bàn nghi lễ, trong không gian ấm cúng với bộ kỷ đèn, mâm quả, lễ cưới đậm chất Nam bộ xưa hiện ra trước mắt khán giả thật sinh động và chân thực. 

 

 

Các thành viên trong dự án đang giới thiệu về đám cưới xưa

Không chỉ được tận mắt nhìn thấy những lễ nghi của đám cưới Nam bộ xưa, trải nghiệm không khí vui tươi, rộn rã tại đám cưới, các khán giả tham gia chương trình còn được thưởng thức các món ăn truyền thống và được nghe giải thích một cách bài bản, cụ thể về từng lễ nghi, phong tục. Người xem bị lôi cuốn bởi những điều quá mới mẻ, thậm chí xa lạ trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

“Dự án sẽ kéo dài tới 10 năm, hiện đã đi được giai đoạn đầu (3 năm). Kể từ năm sau, nhóm sẽ hướng đến học sinh ở các trường học trên địa bàn TP.HCM thông qua những chương trình làm lễ trưởng thành cho các em theo phong cách xưa, tạo điều kiện cho các em trải nghiệm, quay về hoài cổ. Đây là vấn đề khó nhưng nhóm sẽ cố gắng để các em hiểu biết hơn về văn hóa truyền thống và tự hào hơn về văn hóa Việt Nam” - Tính khẳng định.

Cậu bạn cũng chia sẻ, khi mọi thứ ổn thỏa, tạo được thương hiệu, nhóm sẽ tính tới việc khởi nghiệp bằng cách bán vé để tạo thu nhập trang trải cuộc sống, vé không quá đắt, chỉ với giá sinh viên, nên ai cũng có khả năng mua được.

 


Tin tức liên quan

Bình luận