Cải thiện PCI nhìn từ vị trí cuối bảng
Đề án Nâng cao PCI tỉnh Dăk Nông giai đoạn 2016-2020; tổ chức hội thảo đánh giá hàng năm với sự tham vấn của nhóm chuyên gia đánh giá bộ chỉ số PCI; sau đó, ban hành chương trình, kế hoạch hành động phân công chi tiết tới từng sở ngành theo kết quả đầu ra. Nhưng kết quả vẫn giậm chân tại chỗ, nhiều năm liền Dăk Nông nằm ở nhóm cuối bảng xếp hạng PCI. Đâu là lý do khiến tỉnh này không thể bứt phá thứ hạng để lọt vào nhóm cao hơn?
Cải thiện PCI nhìn từ vị trí cuối bảng |
(TBKTSG) - Trong những năm gần đây, bằng quyết tâm cải cách, tỉnh Dăk Nông đã triển khai nhiều hoạt động ngắn hạn cũng như chiến lược nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) như: Đề án Nâng cao PCI tỉnh Dăk Nông giai đoạn 2016-2020; tổ chức hội thảo đánh giá hàng năm với sự tham vấn của nhóm chuyên gia đánh giá bộ chỉ số PCI; sau đó, ban hành chương trình, kế hoạch hành động phân công chi tiết tới từng sở ngành theo kết quả đầu ra. Nhưng kết quả vẫn giậm chân tại chỗ, nhiều năm liền Dăk Nông nằm ở nhóm cuối bảng xếp hạng PCI. Đâu là lý do khiến tỉnh này không thể bứt phá thứ hạng để lọt vào nhóm cao hơn? Rượt đuổi thứ hạng khốc liệt Qua 13 năm triển khai (2006-2018), điểm trung vị PCI của các tỉnh, thành trong xu thế tăng (11 điểm), với hơn 95% số tỉnh thành có điểm số tốt hơn so với năm 2006. Trong khi đó, điểm số nhóm cuối bảng (Min) ở xu thế gia tăng rất mạnh (tăng 21,4 điểm), biểu hiện mức độ cạnh tranh điểm số, rượt đuổi thứ hạng của các địa phương trong nhóm này rất khốc liệt. Vì thế, tuy tích cực gia tăng điểm số (tăng 19,25 điểm), nhưng Dăk Nông vẫn chậm hơn xu thế nên không cải thiện được thứ hạng. Tình trạng này tựa như “bẫy điểm số thấp”. Nếu không có những bứt phá thoát ra, Dăk Nông rất khó cải thiện thứ hạng để lọt vào nhóm trung vị và cao hơn. Khoảng cách giữa nhóm có điểm số cao nhất, thấp nhất so với điểm trung vị đang trong xu hướng thu hẹp, cho thấy độ nhạy điểm số và thứ hạng ngày càng cao (khoảng cách điểm số cách biệt theo thứ hạng ngày càng nhỏ), thể hiện cuộc rượt đuổi thứ hạng giữa các nhóm cũng như nội nhóm ngày càng quyết liệt, nhất là nhóm cuối bảng và nhóm trung bình. Do vậy, trong quá trình cải thiện PCI, dễ xuất hiện yếu tố nhảy vọt, đột biến về thứ hạng, không còn mang tính tuần tự như trước đây. Thực tiễn cho thấy, chỉ sau một năm, một số địa phương thăng hạng nhảy vọt như: Vĩnh Long năm 2013 thăng 48 bậc (tăng 8,87 điểm); Tây Ninh năm 2015 thăng 46 bậc (tăng 9,2 điểm), Quảng Ngãi năm 2011 thăng 37 bậc (tăng 10,03 diểm); Bình Định năm 2013 thăng 34 bậc (tăng 4,92 điểm)... Ngược lại, cũng có một số địa phương tụt hạng rất sâu như: Bắc Giang năm 2013 rớt 37 bậc (giảm 9,79 điểm); Lâm Đồng năm 2011 rớt 32 bậc (giảm 6,51); Bến Tre năm 2011 rớt 20 bậc ( giảm 3,21)... Đáng lưu ý, phần lớn sự thay đổi lại diễn ra trong giai đoạn 2010-2013. Cũng chính trong giai đoạn này, Dăk Nông đạt thứ hạng cao nhất (48 - năm 2012). Phải chăng trong bối cảnh môi trường vĩ mô lẫn vi mô hội tụ những điều kiện “cần và đủ” nào đó, ngay cả địa phương kém phát triển cũng có thể tạo nên sự đột phá về chỉ số PCI? Thấy gì trong cuộc đua ngắn hạn? Theo số liệu PCI 2018, nhóm 12 địa phương cuối bảng bao gồm: Hà Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Hải Dương, Sơn La, Cao Bằng, Hưng Yên, Kon Tum, Bắc Kạn, Bình Phước, Lai Châu, Dăk Nông. Trước mắt, đây là nhóm “đối thủ” Dăk Nông phải cạnh tranh trong ngắn hạn. Dữ liệu bốn địa phương (Hà Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Hải Dương) có thứ hạng năm 2018 từ 52-55 cho thấy, suốt bề dày lịch sử (2006-2018), các tỉnh này đều có khoảng cách biệt khá xa so với Dăk Nông, bình quân 18 bậc (=60-42). Vì thế, cạnh tranh không phải là cuộc chơi dễ dàng với Dăk Nông. Bảy tỉnh còn lại có thứ hạng từ 56-62, nhìn chung, cả giai đoạn 2006-2018, vị trí thứ hạng bình quân nhóm không cách biệt lớn so với Dăk Nông. Do vậy, trong ngắn hạn, bên cạnh sự gia tăng điểm số, thứ hạng PCI Dăk Nông còn bị tác động khả dụng bởi nỗ lực cải thiện của nhóm bảy “đối thủ” này. Trong đó, đáng lưu ý, Hưng Yên tuy chỉ trên Dăk Nông 5 bậc, nhưng có lịch sử cải cách rất đáng gờm, cách biệt đến 23 bậc (=60-37); tương tự, Bình Phước (20 bậc = 60-40)... Ở mức độ khả thi, trong điều kiện không có gì đột phá như hiện nay, Dăk Nông chỉ có thể lựa chọn năm đối thủ cạnh tranh còn lại, nên việc đặt ra mục tiêu tăng 5 bậc trong các kế hoạch hàng năm là phù hợp theo quan điểm cải thiện tuần tự. Tính hiện thực của giấc mơ Chưa tính chuyện cạnh tranh với các địa phương khác, đến năm 2018, ngoài ba chỉ số thành phần Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, còn lại sáu chỉ số, chưa bao giờ Dăk Nông vượt qua chính thành tích của mình. Điều này cho thấy sự ràng buộc, thách thức lớn của “bẫy điểm số thấp” như đã đề cập. Nếu giữ được những thành quả cao nhất trong quá khứ về điểm số thành phần, theo phương châm “lấy lại những gì đã mất”, kỳ vọng Dăk Nông sẽ đạt 65,53 điểm thuần, 63,09 điểm có trọng số và ở vị thứ 33 trong bảng xếp hạng PCI năm 2019. Dù là điểm kỷ lục nhưng còn thấp so với cả nước nên dư địa cải thiện của Dăk Nông còn rất lớn. Nhìn lại mô hình cải cách PCI Điểm số tăng lên, thứ hạng tụt xuống thật sự là mối lo tụt hậu, không còn là “căn bệnh thành tích” địa phương. PCI xuống hạng, chứng tỏ môi trường đầu tư kinh doanh không thuận lợi so với cả nước. Đương nhiên, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế địa phương sẽ suy giảm; chuyển dịch đầu tư, kinh doanh sang nơi khác sẽ là xu hướng tất yếu. Dăk Nông có đủ các yếu tố đầu vào để cải thiện PCI qua việc triển khai các hành động sau: Thứ nhất, thay đổi phương thức tổ chức mô hình, trọng tâm là tăng cường tính kiểm soát tuân thủ và chỉ dẫn. Cần tổ chức tư vấn đánh giá và kiểm soát độc lập từ quá trình hoạch định kế hoạch, triển khai hành động và đánh giá kết quả. Bởi nếu để chính đối tượng bị đánh giá PCI tự xây dựng kế hoạch, tự phân tích đánh giá mà không có ai kiểm soát thì đề án cải thiện PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tư vấn cũng không phát huy hiệu quả. Thứ hai, xây dựng và triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, huyện thị định kỳ ít nhất 2 lần/năm nhằm đo lường và phát hiện sớm. Đồng thời, cải cách mô hình cà phê doanh nhân theo hướng có tính hệ thống và pháp chế, không còn là nơi “tọa đàm” uống cà phê giữa doanh nhân và quan chức mà trở thành môi trường làm việc thân thiện, thực sự hiệu quả giữa lãnh đạo địa phương với cộng đồng doanh nhân và Hiệp hội Doanh nghiệp. Thứ ba, tăng cường trách nhiệm giải trình và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cũng như các thành viên liên quan trong hệ thống theo kết quả đầu ra bằng thiết chế pháp lý nghiêm minh. Thứ tư, thiết lập cơ chế thực sự tạo động lực cho cải cách PCI. Thứ năm, kiện toàn công tác tổ chức nhân sự bộ máy theo yêu cầu của chế độ chức nghiệp thực tài, tận tụy và cống hiến. |
Xem thêm