Ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống thiên tai

31/08/2019 | 369 |

Ngày 16-8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức hội thảo ứng dụng khoa học - công nghệ trong PCTT.

 

                                                                                                               Ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống thiên tai

Tiếc ruộng lúa bị chết cháy, người dân ở xã Đại Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) cắt lúa về làm thức ăn cho trâu. Ảnh: NGỌC PHƯƠNG

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến hệ thống thử nghiệm cảnh báo sớm lũ, lũ quét cho một số lưu vực ở hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái; công nghệ cảnh báo sớm lũ bùn đá tại bản Khoang, huyện Sa Pa (Lào Cai); ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý đê điều và giới thiệu về tuyến đê kiểu mẫu, ứng dụng các giải pháp công nghệ xử lý xói lở bờ biển đồng bằng sông Cửu Long.

* Ngày 16-8, tại tỉnh Bình Thuận, Tổng cục Thủy lợi phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức hội thảo ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ sử dụng hiệu quả nguồn nước, đẩy mạnh tưới tiết kiệm nước cho cây trồng khu vực Nam Trung Bộ. Nam Trung Bộ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 1,2 triệu ha, trong đó cây trồng cạn chiếm 75%. Để giải bài toán thiếu nước, các đại biểu cho rằng, cần hỗ trợ, mở rộng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; ứng dụng công nghệ trong vận hành công trình thủy lợi; dự báo và xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước; quy hoạch, chuyển đổi sản xuất, cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý.

* Theo thống kê, từ tháng 7 đến nay, tại các tỉnh Nam Trung Bộ có 16 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp bị hạn hán, thiếu nước tưới và hơn 50 nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất cũng như cung cấp nước cho nhân dân.

* Trong hai ngày 15 và 16-8, ở phía bắc, một số nơi có lượng mưa lớn như: Sìn Hồ (Lai Châu) 46 mm, Phù Yên (Sơn La) 49 mm, Bắc Ninh 63 mm, Hoài Đức (Hà Nội) 80 mm. Dự báo, do ảnh hưởng của hội tụ trên cao cho nên hôm nay (17-8) ở Bắc Bộ có mưa rào và dông diện rộng, vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 30 đến 70 mm/24 giờ, có nơi hơn 100 mm/24 giờ).

* Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho biết, mực nước các sông trên hệ thống sông Hồng, Thái Bình biến đổi chậm. Đến 7 giờ ngày 
17-8, mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội có khả năng ở mức 2,60 m. Đến 19 giờ ngày 17-8, mực nước hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại có khả năng ở mức 1,25 m. Hiện nay, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình dao động trong ngày cao nhất đạt 2.960 m3/giây và đang có xu hướng giảm dần; các hồ khác còn ở mức thấp.

* Tại tỉnh Bắc Cạn vừa xảy ra mưa to, dông lốc ở huyện Bạch Thông làm 126 nhà dân bị tốc mái, sập đổ, một số diện tích hoa màu bị hư hại, ước thiệt hại khoảng 165 triệu đồng. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

* Tại tỉnh Kiên Giang, trong vụ hè thu năm nay, mưa lớn, gió giật, lốc xoáy làm đổ ngã, ngập nước hơn 20.260 ha lúa ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, Hòn Đất, Gò Quao… ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa, gạo. Ngoài ra, trên địa bàn có hơn 27.000 ha lúa bị lem lép hạt, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá, rầy nâu... Vụ hè thu năm nay, sản xuất lúa ở tỉnh Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn do liên tục bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, hạn hán. Do vậy, dự kiến năng suất bình quân chỉ đạt từ 45 đến 46 tạ/ha, thấp hơn vụ hè thu 2018 từ 0,6 đến 1,6 tạ/ha.

Qua kiểm tra sơ bộ hiện nay ở một số huyện như Diễn Châu, Nghi Lộc, Yên Thành (Nghệ An) có khoảng 3.000 ha lúa bị lép hạt, nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng. Riêng huyện Nghi Lộc có 300 ha lúa mất trắng vì hạn hán kéo dài và 1.700 ha lúa bị ảnh hưởng năng suất do nghẽn đòng.

* Tại tỉnh Quảng Bình, hiện có hàng trăm hộ dân sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông, trong đó, huyện Quảng Ninh có bốn điểm sạt lở, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của gần 200 hộ dân. UBND huyện đã lên kế hoạch di dời người dân đến nơi an toàn. Còn tại xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, hơn 300 hộ nằm trong khu vực dễ sạt lở cũng đang được các cơ quan chức năng lên kế hoạch di dời đến nơi an toàn.

* Trước tình trạng sạt lở và xâm thực bờ biển làm mất rừng phòng hộ ven biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư gần 300 tỷ đồng kè lát mái đê bảo vệ 7.581 m đê xung yếu. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục kè lát mái thêm 741 m đoạn đê xung yếu đang bị xâm thực nghiêm trọng.

* Sau gần một tháng thi công, ngày 16-8, cầu treo Bản Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai) đã hoàn thành, bàn giao cho địa phương, bảo đảm việc đi lại cho nhân dân. Trước đó, trận lũ xảy ra ngày 24-6 làm lật nghiêng cầu treo duy nhất bắc qua suối vào trung tâm xã Bản Hồ khiến nhiều thôn bị cô lập.

* Ngày 16-8, tại TP Rạch Giá, UBND huyện Phú Quốc phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức họp báo cung cấp thông tin tình hình ngập lụt và việc khắc phục hậu quả. Đợt mưa lớn vừa qua làm ngập hơn 63 km đường với độ sâu trung bình 0,7 m, có nơi ngập tới 2 m, làm ngập 8.424 nhà dân… thiệt hại hơn 107 tỷ đồng. UBND huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng cho khảo sát quy hoạch đồng bộ hệ thống sông, suối, thoát nước trên địa bàn; nâng cấp hệ thống thoát nước của thị trấn Dương Đông…

* Ngày 16-8, tại tỉnh Lâm Đồng, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội hỗ trợ 50 triệu đồng ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng do đợt mưa lũ vừa qua. Công ty Xăng dầu Hà Giang vừa đến xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh (Hà Giang) thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do lốc, sét xảy ra trên địa bàn. Tại đây, công ty đã hỗ trợ năm triệu đồng cho gia đình có người bị sét đánh chết; hỗ trợ 32 triệu đồng cho 12 hộ dân bị thiệt hại.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (17-8) ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa tiếp tục có nắng nóng, có nơi có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 37oC, có nơi hơn 37oC. Cảnh báo, từ ngày 18-8, nắng nóng có xu hướng mở rộng ra các tỉnh ven biển Trung Bộ.


Tin tức liên quan

Bình luận