Bền vững không chỉ có mỗi ‘xanh’
Ba trụ cột của bền vững – kinh tế, môi trường và xã hội – được ghi nhận và thúc đẩy trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Phát triển bền vững bao hàm sự bảo tồn và tăng trưởng tổng thể các loại vốn khác nhau như vốn sản xuất, vốn tự nhiên, và vốn xã hội…
Vốn xã hội yếu không thể có phát triển bền vững
Nếu không có sự gắn kết xã hội, sẽ rất khó đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Triết lý của phát triển bền vững dựa trên một vài ý tưởng cơ bản, chẳng hạn như huy động nguồn lực, phân cấp, trao quyền và sự tham gia tối đa của cộng đồng. Khi được áp dụng trong một môi trường có sự gắn kết xã hội mạnh mẽ, những ý tưởng sáng tạo cải thiện cộng đồng sẽ phát huy hiệu quả. Cũng như khi mọi người có nhiều khả năng tự tổ chức thành các ủy ban, hiệp hội và cộng đồng với mức độ tin cậy cao và kết nối mạng lưới mạnh mẽ, điều này khuyến khích phát triển các giải pháp xã hội, nhờ đó, chất lượng cuộc sống trong cộng đồng được nâng cao. Ngược lại, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng đáng kể khi chất lượng của vốn xã hội suy giảm.
Ngoài ra, vốn xã hội thấp khiến chi phí tài chính tăng cao, cũng là một trong những tác nhân kéo lùi chất lượng sống. Trong kinh tế, muốn biết giá của tiền thì nhìn vào lãi suất. Và một trong những yếu tố cấu thành lãi suất ngoài lợi nhuận, lạm phát thì phần còn lại là rủi ro. Vốn xã hội thấp làm người ta không tin nhau, hay nói cách khác xã hội không tin nhau khiến chi phí bù đắp rủi ro kinh doanh tăng lên, được cấu thành vào lãi suất (giá của tiền). Ngược lại, chi phí giao dịch thấp hơn khi mức độ tin cậy cao và văn hóa hợp tác phát triển.
Vốn xã hội nghèo nàn, vốn con người không thể thăng hoa
Theo Fukuyama (1995), xây dựng vốn xã hội là cần thiết để có được nguồn vốn cạnh tranh mạnh bởi vì các kết nối xuyên qua tất cả các loại biên giới và nền tảng của các tổ chức sẽ được thực hiện nhờ bán kính tin cậy rộng hơn. Dù về mặt học thuật cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về khái niệm vốn xã hội, nhưng tất cả học giả đều chia sẻ chung một luận điểm rằng: lòng tin là trụ cột quan trọng trong việc hình thành nên vốn xã hội.
Để xây dựng thành phố chia sẻ – một trong những nhân tố quan trọng hình thành nên thành phố bền vững (sustainable city) thì nguồn vốn xã hội phải mạnh. Bởi một khi niềm tin xã hội thấp, người ta không thể chia sẻ với nhau vì những lợi lạc chung.
Như vậy, trong một môi trường vốn xã hội thấp, niềm tin của con người với nhau thấp, người tài thường có xu hướng tự cắt đứt khỏi những mạng lưới xã hội không lành mạnh, và do vậy không thể tận dụng được vốn con người (kỹ năng và kiến thức) của họ cho mục tiêu phát triển chung. Khi vốn con người không được khai thác đạt mức tiềm năng, sẽ là lãng phí lớn cho xã hội đó.
Bên cạnh vốn con người, thể chế và các nguồn lực xã hội cũng rất quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và tính bền vững của quá trình phát triển. Vốn xã hội không chỉ dựa vào lòng tốt hay thiện ý cá nhân, mà chính yếu được hình thành nên nhờ các định chế xã hội. Một hệ thống luật pháp yếu kém cũng như thiếu công bằng sẽ triệt tiêu nguồn vốn xã hội và gia tăng sự ngờ vực giữa các công dân và giữa công dân và nhà nước.
Đa dạng, hòa nhập và công bằng làm giàu vốn xã hội cho doanh nghiệp
Trong thời đại ngày nay của nền kinh tế kỹ thuật số dựa trên tri thức, sự khác biệt cốt lõi là kết quả của một môi trường thúc đẩy quyền tự chủ, khuyến khích sự đa dạng và thúc đẩy tự do sáng tạo. Nó hoàn toàn khác với suy nghĩ của thời đại công nghiệp dựa trên các nguồn lực, quy trình và các nhà lãnh đạo tập trung vào các tiêu chuẩn công việc.
Kinh tế tri thức không phải là thu hút tuyển dụng và trả lương cao cho người có tri thức hay săn đầu người để ngồi đó nghe chỉ đạo mà là tạo điều kiện để tri thức được chia sẻ và nhân lên từ bên trong. Qua đó, những tài năng không phân biệt giới tính, độ tuổi đều được phát hiện, nuôi dưỡng và phát triển từ nội bộ. Tri thức là sự kết tinh và thăng hoa không ngừng từ những môi trường cộng hưởng sự đa dạng, tự chủ, sáng tạo lành mạnh và trao quyền. Đầu tư vào con người và phát triển tổ chức là một phần thiết yếu của kinh doanh ngày nay.
Trạm chia sẻ xe đạp ở Thụy Điển, nơi đang tạo ra các cơ sở thử nghiệm cho nền kinh tế chia sẻ thuộc hàng tốt nhất trên thế giới.
Thuật ngữ “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (CSR), bao gồm nhiều hoạt động liên quan đến việc tạo ra và sử dụng vốn xã hội của doanh nghiệp. Chẳng hạn, việc phát triển thương hiệu của nhà tuyển dụng và các thành phần cấu thành của nó đều liên quan đến nguồn vốn xã hội, vốn lãnh đạo được hình thành qua sự tin tưởng của các thành viên vào hệ giá trị, tầm nhìn của doanh nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ các sáng kiến của nhân viên trong học tập và phát triển nghề nghiệp, tạo điều kiện làm việc thuận lợi, các mối quan hệ làm việc thoải mái, hỗ trợ và tương tác giữa công việc và cuộc sống, đều có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh hấp dẫn cũng như giảm thiểu lãng phí bởi biến động nhân sự.
Doanh nghiệp có vốn xã hội và vốn lãnh đạo cao có khả năng tăng cường sự gắn kết trong hành động nhờ sự hiểu biết chung, gia tăng sự ổn định của tổ chức và hiệu quả kinh doanh trong dài hạn.
Vốn xã hội xây dựng thành phố chia sẻ
Các thành phố hiện đang phải đối mặt với nhiều mối quan tâm về tính bền vững do quá trình đô thị hóa ngày càng tăng và chất lượng sống suy giảm. Theo Các mục tiêu phát triển bền vững, được cộng đồng quốc tế thông qua vào năm 2015 (Thỏa thuận Paris), giải quyết vấn đề bền vững đô thị cũng đòi hỏi phải đạt được các mục tiêu quan trọng khác bao gồm bảo vệ đa dạng sinh học, cắt giảm ô nhiễm môi trường và thúc đẩy công bằng xã hội. Những vấn đề này có thể được giảm thiểu khi nền kinh tế chia sẻ được ưu tiên phát triển, hình thành nên thành phố chia sẻ (sharing city).
Nền kinh tế chia sẻ cung cấp các cách sáng tạo để chia sẻ, thuê và thay thế các tài sản ít được sử dụng, thường xuyên sử dụng nền tảng kỹ thuật số cung cấp thông tin về cung và cầu.
Các nền tảng chia sẻ lớn như Airbnb, Uber và TaskRabbit có nguồn gốc từ khu vực vịnh San Francisco – được coi là nơi sản sinh ra nền kinh tế chia sẻ và tiêu dùng hợp tác. Cả người dân địa phương và du khách đến San Francisco thường sử dụng các nền tảng chia sẻ nhà như Airbnb và VRBO cũng như các công ty mạng lưới giao thông (TNC) như Lyft và Uber (tuyệt vời hơn khi có xe điện chia sẻ nữa). Tương tự như vậy, không gian làm việc chung là phổ biến.
Ví dụ khác là thư viện đồ chơi đầu tiên ở Thụy Điển, Leksaksbiblioteket, được khai trương tại Göteborg vào năm 2018, nơi mọi người có thể mượn đồ chơi trẻ em và trẻ sơ sinh nếu là thành viên. Đồ chơi được lựa chọn cẩn thận cho mục đích giáo dục và không độc hại tới sức khỏe và môi trường.
Hay một nền tảng kỹ thuật số và thư mục cho nền kinh tế chia sẻ khu vực ở Göteborg được gọi là Smarta Kartan (Bản đồ thông minh), được giới thiệu vào năm 2016, là kết quả của sự hợp tác giữa thành phố Göteborg và tổ chức xã hội dân sự Kollaborativ Ekonomi Göteborg. Các thành phố khác muốn tạo các phiên bản bản đồ thông minh tùy chỉnh của riêng họ đều được hoan nghênh sử dụng phần mềm mã nguồn mở miễn phí.
Tại Stockholm, Gothenburg, “Sharing Cities” Thụy Điển đang tạo ra các cơ sở thử nghiệm cho nền kinh tế chia sẻ thuộc hàng tốt nhất trên thế giới về các dịch vụ chia sẻ và giải pháp kỹ thuật số. Các thử nghiệm đang phát triển các dịch vụ chia sẻ liên quan đến: 1) sử dụng không gian (như tòa nhà, nhà ở, cơ sở hạ tầng xanh, khu vực công cộng dùng chung…) và 2) sử dụng các sản phẩm và dịch vụ (dụng cụ, quần áo, đồ chơi, đồ thủ công mỹ nghệ…). Giao thông công cộng và xe đạp chia sẻ được khuyến khích.
Chia sẻ dịch vụ giúp giảm sử dụng năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cũng như chia sẻ dịch vụ sáng tạo sẽ hỗ trợ nhiều loại dịch vụ khác nhau trong nền kinh tế.
Để xây dựng thành phố chia sẻ – một trong những nhân tố quan trọng hình thành nên thành phố bền vững (sustainable city) thì nguồn vốn xã hội phải mạnh. Bởi một khi niềm tin xã hội thấp, người ta không thể chia sẻ với nhau vì những lợi lạc chung. Việc chia sẻ những thứ với người khác mà chúng ta có thể không sử dụng thường xuyên rất hữu ích giúp giảm thiểu rác thải, giảm dần khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nền kinh tế chia sẻ, nền kinh tế ngang hàng hoặc tiêu dùng hợp tác đều có thể áp dụng hiệu quả vào quan hệ đối tác công tư, liên doanh thương mại đến các chương trình của chính quyền địa phương.
Trong những lúc khó khăn như đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân Việt Nam nói chung và người dân TPHCM nói riêng đã thể hiện rõ tinh thần chia sẻ, tương thân tương nhân ái, và cần được khuyến khích quản lý chuyên nghiệp, thay vì mang tính tự phát. Nhà nước và chính quyền đô thị có tác động mạnh mẽ lên việc phát triển nền kinh tế chia sẻ, thành phố chia sẻ và cộng đồng sẻ chia bền vững qua việc tạo điều kiện chính sách cho phát triển, và thậm chí là cùng làm với người dân. Hơn nữa, mô hình thành phố chia sẻ, đô thị nghĩa tình sẽ phát triển nhanh chóng và thăng hoa khi lòng tin xã hội được củng cố và làm giàu, chất lượng mối quan hệ của con người được quan tâm, hun đúc và các mạng lưới doanh nghiệp ngày càng hợp tác hiệu quả vì phúc lợi chung, lợi ích cộng đồng.
Xem thêm