Căn cốt của vỉa hè Sài Gòn(*)

26/09/2022 | 418 |

– Những năm 1860 đánh dấu sự khởi đầu chuyển đổi của Sài Gòn, từ một khu định cư lầy lội với những căn nhà ván, mái lá trở thành một thành phố với những vỉa hè lát đá, nhà cửa theo kiến trúc thuộc địa. Trong chương trình kiến tạo Sài Gòn như một đô thị “Paris nhiệt đới”, “Paris nhỏ”, người Pháp xem phố xá vỉa hè như một phần hết sức quan trọng…

Lật lại lịch sử vỉa hè Sài Gòn từ thời Pháp thuộc, tác giả Annette M. Kim đã mở ra một hướng nghiên cứu “vi lịch sử đô thị” khá thú vị bằng phương pháp “dân tộc ký không gian” (spatial ethnography). Vỉa hè với tính chất “sidewalk” (kết hợp hai yếu tố “side”- lề/mặt và “walk” – tản bộ) có thể nói đúng với “căn cốt” vỉa hè Sài Gòn: “không gian vừa năng động vừa lười biếng”, theo cách nhìn của tác giả.

Điều này có thể hiểu là từ vỉa hè Sài Gòn, có thể nhận ra nhịp sống bon chen buôn bán mưu sinh, sự tranh thủ từng tấc mặt đường để tổ chức làm ăn buôn bán, nhưng cũng có thể là nơi người ta dừng chân lơ đãng nhìn đời hay ngồi bên một ly cà phê đốt thì giờ không biết chán.

Sài Gòn ôm trong mình một di sản thiết kế đô thị kiểu Pháp, qua thời gian, cấu trúc của thành phố có những thay đổi đáng kể, nhưng những thói quen, căn cốt của vỉa hè mang tính “bản địa”, theo khảo sát của tác giả, thì không thay đổi là mấy. Ở đây cho thấy văn hóa bản địa, tập quán sinh hoạt và buôn bán có một sức mạnh lạ kỳ.

Mỗi một thời kỳ, các nhà chức trách đều tìm cách quản lý và đưa vỉa hè vào “nền nếp” mà họ muốn, xem đó là lề lối văn minh đô thị một cách lý tính, thậm chí là áp đặt quyết liệt, nhưng thực tế đời sống vỉa hè vẫn diễn ra theo cách của nó với đầy đủ sắc thái tự nhiên, sống động, lắm khi là với một diện mạo ngổn ngang đặc thù.

Về Sài Gòn trong thời Pháp thuộc, tác giả viết: “Các quy định của thực dân Pháp đã cố gắng kiểm soát chặt chẽ hành vi của người Việt ngày nay cũng đã tồn tại từ thời đó: bán hàng rong, xe kéo tay và bày hàng ra bán.

Một số hoạt động bị cấm hoàn toàn. Cảnh sát được quyền tịch thu bất kỳ đồ đạc, thùng hàng hoặc đồ vật nào trên vỉa hè. Đối với các hoạt động khác của người Việt được cho phép, người Pháp hướng dẫn chi tiết cách hành xử phù hợp” (trang 56).

 

Description: https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2022/01/Via-he-lanh-gio-_-MinhLe.jpg Vỉa hè Sài Gòn – nơi nghỉ chân của bao cuộc đời. Ảnh: N.K

Tuy nhiên, cũng như bây giờ, không nhà chức trách nào đủ nguồn nhân lực công vụ để thực thi các quy định, khi mà nội sinh văn hóa và thói quen sinh hoạt cộng đồng luôn có một sự âm ỉ, thậm chí giỏi xoay xở để chống lại sự ấn định từ bên trên. Tác giả khảo sát trên những bức ảnh chụp vỉa hè Sài Gòn thập niên 1940 cho thấy người Việt sống trong đô thị kiểu Pháp vẫn “ngồi, bán hàng và giải trí trên vỉa hè”.

Tại Sài Gòn cũng như Chợ Lớn, “cuộc sống vẫn tiếp diễn trên đường phố”. Vào thập niên 1940, theo một ghi nhận của Edward: “Hầu như con phố nào cũng có ít nhất một quán cà phê vỉa hè, cũng như những quầy hàng tạm bợ bán đủ thứ, từ ổ bánh mì Pháp, dịch vụ sửa giày cho đến những con thú nhồi bông nhìn rất thảm”. Bên cạnh đó, vẫn âm thanh đặc thù – những tiếng rao “đặc biệt có thể vang vọng tới cả những ngôi nhà cách xa mặt đường”.

Những biến động về dân cư và sự bất ổn chính trị, bùng nổ chiến tranh khoảng giữa thập niên 1955 cho đến cuối thập niên 1960 tạo ra một lớp áp lực khác lên vỉa hè cũng là một phát hiện thú vị được tác giả đưa vào cuốn sách. Vỉa hè thanh bình hiền hòa trở thành nỗi hoài niệm của giới trung lưu trong khi chiến tranh bùng phát, còn những người bình dân thì coi đây là “những năm tốt lành”, khi ở đó phát sinh một kiểu thị trường chợ đen và nền kinh tế mở rộng cùng sự tiêu xài của binh lính…

Một mảng chủ đề thú vị khác mà tác giả điền dã ghi chép được từ thực tế cho thấy sự “linh động” của phương thức buôn bán vỉa hè qua các biểu tượng hay dấu hiệu nhận biết các mặt hàng một khi hàng hóa buộc phải ẩn đi để qua mắt sự kiểm soát của nhà chức trách.

Chẳng hạn việc đặt một viên gạch và một cái chai để chào bán xăng, hay một chiếc vỏ lốp xe nói rằng ở đây có người bơm, vá xe… Tất cả những hiện tượng đó làm nên ngôn ngữ và bức tranh sinh động của đời sống vỉa hè, nhưng sâu xa hơn, nó được hình thành từ nhiều thời kỳ lịch sử các biến động xã hội, đặc biệt, là sự vận động của một nền kinh tế phi chính thức.

Ở đây, tác giả và nhóm nghiên cứu của mình cũng có những điều tra xã hội học: phỏng vấn 275 người bán hàng vỉa hè – những “chủ nhân thường trực của vỉa hè”, để lắng nghe họ nói về các cách thức họ thương lượng với cán bộ nhằm giữ lại một chỗ mưu sinh trên lề đường, trên hè phố vào những thời điểm có các lệnh cấm nghiêm ngặt. Tác giả viết: “Chính phủ Việt Nam đã liên tục trải qua các chu kỳ thực thi cứng rắn rồi lại nới lỏng bởi có sự đồng cảm chung đối với những người bán hàng [trên vỉa hè]” (trang 81).

Khi thừa nhận nền kinh tế vỉa hè, cũng có nghĩa là phải nhận diện lại một cách đầy đủ nhất phương diện lịch sử và văn hóa của nó.

Vỉa hè Sài Gòn có thể xem là một hiện tượng văn hóa đô thị đặc biệt mà tác giả Anntette M. Kim gọi là “một ngoại lệ”, tạo nên các giá trị bản sắc trong khung cảnh đô thị thời toàn cầu hóa. Vì lẽ đó, đây là một cuốn sách hàm chứa nhiều tài liệu nhân học đô thị đầy thú vị và nhiều gợi mở không chỉ cho những ai quan tâm tới văn hóa đô thị mà còn cho cả người làm kinh tế và người làm chính sách.


Tin tức liên quan

Bình luận