Hành trình mang cà phê Việt đến Úc

29/04/2023 | 103 |

Cô gái đã cùng ba đi đến những vùng trồng cà phê nổi tiếng trong nước, tự mình lựa chọn từng hạt cà phê để mang đến Úc với khát khao quảng bá thương hiệu cà phê Việt ra nước ngoài.

Võ Ngọc Như Quỳnh (26 tuổi) kể bạn từng sử dụng dịch vụ đăng ký cà phê để khám phá các loại cà phê đặc sản khác nhau từ các nhà rang trên khắp nước Úc, nhưng chưa bao giờ nhận được bất kỳ gói cà phê nào từ Việt Nam. Và cô bạn đang định cư tại Úc ấy bắt đầu hành trình hiện thực hóa ý tưởng "Viet Coffee Project" (tạm dịch: Dự án cà phê Việt).

Đi tìm hạt cà phê đặc sản

Tháng 4-2022, Quỳnh bắt đầu hành trình đi tìm hạt cà phê đặc sản Việt Nam. Tìm đến một vài quán cà phê ở Sydney, bạn chỉ nhận lại cái lắc đầu với câu trả lời: "Chất lượng cà phê thấp". Làm sao có thể chấp nhận câu trả lời đó khi Việt Nam xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Quỳnh nhớ đến hương vị tuyệt vời của những ly cà phê mỗi dịp về thăm quê hương.

"Tôi muốn thay đổi nhận thức về cà phê Việt, bắt tay vào dự án "Viet Coffee Project". Làm sao nhiều người biết Việt Nam không chỉ sản xuất số lượng cà phê lớn mà còn sản xuất cà phê đặc sản chất lượng cao và phải có tên trong số những nước sản xuất cà phê đặc sản chứ" - Quỳnh nói.

Ông Võ Thanh Hải (ba Quỳnh) chính là nguồn ủng hộ lớn nhất. Trước khi con gái về nước, ba Hải đã tự mình từ Biên Hòa (Đồng Nai) lên vùng đất Lâm Đồng gõ cửa từng nông trại với câu hỏi: "Liệu ông, bà có muốn cùng chúng tôi xuất khẩu cà phê sang Úc không?".

Nhận được cái gật đầu của các nông trại, cuối năm 2022, Quỳnh về nước và cùng ba rong ruổi khắp các trang trại cà phê khi vào mùa thu hoạch. Cô đặt khá nhiều câu hỏi cho các nơi để nắm rõ quy trình sản xuất. "Tiêu chí của chúng tôi phải là trang trại xanh khi hợp tác, không hủy hoại môi trường, mức lương và chỗ ở cho người làm công cùng những điều kiện khác phải tốt" - Quỳnh cho biết.

Cà phê đặc sản được chấm thang điểm 100. Quỳnh lấy mẫu cà phê nhân xanh (chưa rang) của mỗi trang trại mang về thử nếm và đánh giá chất lượng. Các trang trại nồng nhiệt chào đón khi thấy cô gái nhỏ nhắn từ Úc về Việt Nam trực tiếp tìm hạt cà phê. Bởi họ cũng mong "Viet Coffee Project" sẽ mở ra cơ hội để các nông trại đưa hạt cà phê Việt Nam xuất khẩu qua Úc.

Thương hiệu cà phê đặc sản "ra lò"

Gần một năm qua, cô gái 9X Như Quỳnh đã đi về giữa Úc và Việt Nam để tìm hạt cà phê đặc sản - Ảnh do nhân vật cung cấp

Quá trình xuất khẩu là thử thách lớn nhất. Yêu cầu bắt buộc là cà phê được kiểm tra kỹ lưỡng, không sâu bệnh. Bạn tốn rất nhiều thời gian thử nghiệm các hương vị và cách rang khác nhau cho hạt cà phê Việt Nam với nhà rang ở Sydney. Cuối cùng quyết định sẽ rang cà phê Việt Nam ở Úc để bảo quản chất lượng, không làm mất mùi vị trong quá trình vận chuyển.

Tuy nhiên, thị trường cà phê đặc sản tại Úc rất cạnh tranh. Suốt 9 tháng, Quỳnh tập trung cho việc xây dựng thương hiệu thông qua thiết kế nhận diện bao bì để phân biệt sản phẩm của mình với các thương hiệu khác. Quỳnh lập tài khoản Instagram để thu hút sự tò mò của mọi người đến thử cà phê đặc sản có xuất xứ Việt Nam.

May mắn khi người dân nơi đây rất thích khám phá và trải nghiệm sản phẩm mới. Nhất là khi Việt Nam không phải quá xa lạ, nhiều người Úc đã đến Việt Nam nghỉ dưỡng và từng thưởng thức cà phê sữa đá trước đó. Nên khi nghe cô gái Việt giới thiệu về cà phê đặc sản Việt Nam, họ hào hứng và muốn thưởng thức.

"So với những thương hiệu cà phê ở Úc, điểm khác biệt của chúng tôi có lẽ là cuộc trò chuyện về cà phê. Khi khách hàng tiếp cận "Viet Coffee Project", họ có cơ hội học hỏi về ngành cà phê nói chung và cà phê Việt Nam nói riêng, nghe những trải nghiệm của chúng tôi với người nông dân mỗi lần về Việt Nam thăm nông trại" - Quỳnh nói.

Cô cho biết hiện tại đang làm việc trên một website mới để đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến. Dự kiến đến tháng 4, website sẽ hoạt động và chính thức giới thiệu sản phẩm cà phê đặc sản Việt Nam ra thị trường.

Điều ít người biết là Như Quỳnh đang làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Úc. Nghe có vẻ chẳng liên quan gì đến cà phê mà lại chọn khởi nghiệp, Quỳnh cười: "Đúng là có vẻ công nghệ thông tin và cà phê không liên quan với nhau, nhưng thật ra công việc này giúp tôi phát triển nhiều kỹ năng cần thiết để khai triển dự án cà phê của mình".

Ở đó, cô gái 9X ấy thêm hiểu biết về kinh doanh, tiếp cận thị trường và tận dụng công nghệ thông tin trong phương thức kinh doanh. Điều mong mỏi lớn nhất chính là qua dự án của mình, Quỳnh nuôi giấc mơ góp phần quảng bá, đẩy mạnh thương hiệu cho cà phê đặc sản Việt Nam.

Chờ đón những câu chuyện khởi nghiệp

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp còn có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được quảng bá đến công chúng. Một số start-up tiêu biểu được chọn và hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, No.1, Thái Bình Group, IDICo, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức... Trong đó, suất hỗ trợ đặc biệt cho start-up được Hội đồng thẩm định bình chọn trị giá 100 triệu đồng từ GIBC.

Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có câu chuyện thiết thực về những chân dung khởi nghiệp, có thể gửi bài viết giới thiệu về địa chỉ email: tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn.


Tin tức liên quan

Bình luận