Làn sóng sa thải trong ngành công nghệ liệu có ảnh hưởng đến kinh tế?
Sau nhiều năm tăng trưởng đáng kinh ngạc, các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon giờ đây đang phải đối mặt với những đợt sa thải quy mô lớn. Làn sóng này liệu có lan rộng ra toàn nền kinh tế Mỹ?
Làn sóng sa thải
Theo DW, trong suốt thời kỳ đại dịch Covid-19 khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng, những công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Microsoft, Google, Amazon hay Meta – công ty mẹ của Facebook đã hưởng lợi lớn nhờ nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ tăng vọt.
Doanh số tăng cao đã thúc đẩy các công ty tiến hành các đợt tuyển dụng quy mô lớn, để đáp ứng nhu cầu kinh doanh bùng nổ.
Tuy nhiên giờ đây, khi cuộc sống đã dần trở lại bình thường, những công ty công nghệ này lại đang phải chứng kiến lợi nhuận của mình bị siết chặt do nhu cầu mua sắm, giải trí, hay làm việc trực tuyến đã suy giảm đáng kể. Thung lũng Silicon không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm nhân sự dư thừa.
Các thông báo về việc sa thải hàng loạt được tung ra gần như hàng ngày tại các công ty công nghệ lớn. Mới đây nhất, đến lượt tập đoàn công nghệ máy tính IBM và nhà cung cấp dịch vụ phát nhạc trực tuyến Spotify cũng gia nhập làn sóng cắt giảm việc làm.
Theo thống kê của nền tảng nghiên cứu TrueUp, các đợt cắt giảm này đã nâng tổng số việc làm bị cắt giảm tại các công ty công nghệ trong vòng 12 tháng qua lên con số 330.000. Trong đó, chỉ riêng tháng đầu năm nay, số vị trí việc làm bị cắt giảm đã lên tới gần 90.000.
Quyết định hợp lý hay sai lầm?
Có khá nhiều sự tương đồng trong tuyên bố cắt giảm nhân sự của các hãng công nghệ lớn. Cả Meta, Google và Microsoft đều cho biết đã phát triển nhanh chóng trong đại dịch, nhưng đến nay buộc phải sa thải bớt nhân viên khi nhu cầu của thị trường ngày càng giảm. Những thông điệp với màu sắc tương đồng cũng đã được ghi nhận trong các thông báo của Amazon, Stripe, Spotify hay Salesforce.
Tuy nhiên, theo The Verge, các quyết định cắt giảm việc làm tại các công ty công nghệ hiện nay giống như một trào lưu: họ làm vậy vì công ty khác cũng làm như vậy. Bởi trên thực tế, không có công ty nào trong số những cái tên kể trên đang mấp mé bên bờ vực phá sản.
Ngược lại, nhiều doanh nghiệp thậm chí vẫn có doanh thu tốt và đã tích lũy được những khoản tiền khổng lồ sau đại dịch.
Theo Michael Cusumano, Phó trưởng khoa trường Quản lý MIT Sloan, nguyên nhân có thể là do sự thay đổi trong cách nhà đầu tư đánh giá hoạt động của các công ty. Ông cho biết, “Trước đây, khi doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu ở mức 20-30% mỗi năm, sẽ không ai quan tâm đến lợi nhuận. Tuy nhiên, thời kỳ tăng trưởng mạnh đã qua, và các nhà đầu tư đang dần trở nên thận trọng hơn”.
Ông Cusumano cho biết “các công ty phần mềm như Microsoft nên có doanh thu trên mỗi nhân viên là 500.000 hoặc ít nhất là 300.000 đô la Mỹ. Khi con số này giảm xuống dưới mức đó, họ bắt đầu lo lắng về việc có quá nhiều nhân viên. Đó là điều mà nhà đầu tư xem xét hàng năm, thậm chí hàng quí”.
Trên lý thuyết, việc sa thải nhân sự sẽ giúp tiết kiệm tiền cho công ty mặc dù chi phí bồi thường hợp đồng lao động có thể lên tới hàng triệu hoặc hàng tỉ đô la…Tuy nhiên, Jeffrey Pfeffer, giáo sư tại trường Kinh doanh sau đại học Stanford, đánh giá, điều này chưa chắc đã đúng trên thực tế.
Ông cho biết: “Việc sa thải nhân viên có thể không giúp giảm chi phí. Trên thực tế, có rất ít bằng chứng thực nghiệm cho thấy việc sa thải nhân viên giúp cải thiện lợi nhuận và thậm chí, một số bằng chứng khác còn cho thấy điều này thực sự làm tổn hại đến lợi nhuận của doanh nghiệp”.
Do vậy, theo Giáo sư Pfeffer, làn sóng sa thải là “sai lầm ngu ngốc” và “các công ty công nghệ đang sao chép lẫn nhau”.
Mức độ ảnh hưởng lên thị trường lao động
Xét về mặt con số, làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ không có khả năng gây ra những tác động quy mô lớn tới thị trường việc làm trong thời gian ngắn. Chỉ có 2% người lao động Mỹ được các công ty công nghệ tuyển dụng, thấp hơn nhiều so với lĩnh vực sản xuất (8%), bán lẻ (10%) hay chăm sóc sức khỏe (11%).
Tuy nhiên, các công ty công nghệ lại được coi là đại diện cho quỹ đạo của nền kinh tế Mỹ trong tương lai. Do vậy, bất kỳ tin tức tiêu cực nào từ các doanh nghiệp này cũng được coi là chỉ báo quan trọng cho nền kinh tế và là một tín hiệu cho thấy sự bùng nổ chi tiêu của người tiêu dùng đang giảm dần.
Theo số liệu mới công bố hồi tuần trước, chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ trong tháng 12-2022 đã ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh lạm phát dần hạ nhiệt. Thu nhập cá nhân của người Mỹ cũng ghi nhận mức tăng nhỏ nhất trong vòng tám tháng qua khi tăng trưởng tiền lương dần chậm lại.
Nhiều ý kiến lo ngại làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ sẽ lan rộng ra toàn nền kinh tế Mỹ. Theo Wall Street Journal, chỉ trong năm tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp Mỹ đã cắt giảm 110.800 lao động tạm thời, trong đó, tháng 12 có 35.000 việc làm bị cắt giảm – mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2021. Đây được coi là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang ngày càng lo ngại về triển vọng kinh tế.
Còn theo New York Times, chính sự sa thải hàng loạt tại các hãng công nghệ lớn, cùng với các yếu tố khác như doanh số bán hàng yếu hơn trong mùa mua sắm quan trọng cuối năm và những triển vọng chưa rõ ràng của nền kinh tế Mỹ, đã buộc ngành bán lẻ phải có những động thái điều chỉnh nhân sự trong thời gian gần đây.
Saks Off 5th, nhà bán lẻ thuộc sở hữu của Hudson Bay, đã sa thải một số lượng nhân viên không xác định vào thứ Ba tuần trước. Saks.com dự kiến sẽ sa thải khoảng 100 nhân viên, tương đương 3,5% số nhân sự của mình. Stich Fix đã sa thải 20% nhân sự trong tháng trước, và cho đóng cửa một trung tâm phân phối ở Salt Lake City.
Hãng bán lẻ Wayfair mới đây cũng cho biết sẽ sa thải 1.750 người, tương đương 10% lực lượng lao động của hãng, trong khi Bed Bath & Beyond đã cắt giảm lực lượng lao động để cố gắng củng cố tình hình tài chính.
Thị trường lao động vẫn thắt chặt
Tuy vậy, chuyên gia Sonola của Fitch cho rằng, mặc dù thị trường lao động sẽ hạ nhiệt đáng kể trong năm 2023, tình trạng sa thải trong lĩnh vực công nghệ có thể sẽ không lan rộng quá mức sang các lĩnh vực khác.
Rất ít nhà phân tích chờ đợi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đến mức 7,5% như hồi khủng hoảng tài chính 2007-2008. Chia sẻ với CNBC, chuyên gia kinh tế trưởng Karin Kimbrough tại LinkedIn nhận định, “tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cùng lắm chỉ có thể tăng lên mức 5%, từ mức thấp lịch sử 3,5% vào thời điểm hiện tại”.
Theo DW, thị trường lao động Mỹ dù đã hạ nhiệt trong những tháng gần đây nhưng vẫn rất chặt chẽ. Các công ty trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe và giáo dục vẫn đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân công mới. Hãng bán lẻ Walmart mới đây cho biết sẽ tăng lương lên hơn 17,5 đô la/giờ để thu hút người lao động. Các tên tuổi lớn khác như Target và Costco cũng có động thái tương tự, và được đánh giá là không có khả năng cắt giảm lao động.
Trả lời phỏng vấn AFP, chuyên gia Rubeela Farooqi tại High Frequency Economics đánh giá “nhiều công ty sẽ tỏ ra miễn cưỡng trong việc sa thải người lao động, sau khi đã gặp vô số khó khăn trong việc tuyển dụng”.
Đối với lĩnh vực công nghệ, ngay cả sau các đợt sa thải gần đây, hầu hết các công ty vẫn lớn mạnh hơn rất nhiều so với trước đại dịch. Ví dụ như Alphabet – công ty mẹ của Google, dù vừa thông báo cắt giảm 12.000 việc làm hồi tuần trước, nhưng đã tuyển dụng hơn 100.000 nhân viên kể từ năm 2018. Con số 18.000 nhân viên bị cắt giảm mới đây cũng chỉ là một phần nhỏ trong số 1,5 triệu lao động toàn cầu của Amazon.
Trong khi một số công ty công nghệ đã cắt giảm vị trí, nhiều công ty khác vẫn ráo riết tuyển dụng, và đưa ra những mức lương cao hơn để thu hút người lao động.
Thống kê của TrueUp từ các trang mạng tuyển dụng hôm thứ Sáu tuần trước, đã ghi nhận 179.000 cơ hội việc làm tại các công ty công nghệ lớn, công ty khởi nghiệp và kỳ lân công nghệ (các công ty tư nhân mới có trị giá ít nhất 1 tỉ đô la).
Một cuộc khảo sát hồi tháng 12 của ZipRecruit cũng cho thấy, 4 trong số 5 nhân viên công nghệ Mỹ bị sa thải đã tìm được việc làm mới trong vòng ba tháng. Triển vọng việc làm của lĩnh vực công nghệ vẫn là khá khả quan, khi bảng xếp hạng của Indeed.com cho thấy, 8 trong số 10 công việc được xếp hạng tốt nhất tại Mỹ vẫn thuộc về các vị trí công nghệ, bao gồm kỹ sư phần mềm, chuyên gia về máy học…
Xem thêm